Mì ăn liền được phát minh như thế nào?

Hàng triệu người trên thế giới tiêu thụ những bát mì gói mỗi ngày. Việc phát minh ra mì ăn liền ở Nhật Bản đã thay đổi cuộc chơi trong nền ẩm thực châu Á hiện đại.

Mì ăn liền được ăn kèm rau. Ảnh: SCMP

Mì ăn liền được tạo ra bởi Momofuku Ando (1910-2007), chủ sở hữu và người sáng lập công ty Nissin nổi tiếng tại Nhật Bản vào năm 1958. Ông đã phát triển toàn bộ quy trình sản xuất, từ làm mì cho đến nêm gia vị…

Ando sinh ra và lớn lên ở Đài Loan khi hòn đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản vào năm 1910. Sau chiến tranh, ông ở lại Nhật Bản và thành lập công ty sản xuất muối Nissin ở Osaka.

Bối cảnh ra đời

Một yếu tố tác động rất lớn đến nền văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Nhật Bản sau Thế chiến 2 là nguồn cung cấp lúa mì dư thừa của Mỹ. Vào năm 1953 và 1954, các trang trại của Mỹ đã thu hoạch được một vụ lúa mì cực kỳ bội thu trong những năm đầu sau chiến tranh.

Do vậy, những sản phẩm nông nghiệp dư thừa của Mỹ sẽ được dùng để viện trợ cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vốn đang thiếu lương thực thiết yếu. Chính quyền Nhật Bản khi đó đã đưa ra chủ trương dùng bột mì làm thành bánh mì, đồng thời khuyến khích toàn dân làm và ăn bánh mì.

Cha đẻ của phát minh mì ăn liền Momofuku Ando và bao bì sản phẩm đầu tiên của ông ra mắt năm 1958. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, Momofuku Ando đã không tán thành cách làm này vì ông nhận thấy mì sợi được nhiều người dân Nhật Bản ưu chuộng. Ông cho rằng chính phủ nên khuyến khích dùng bột mì làm thành mì sợi ăn liền.

“Với bánh mì, cần có lớp phủ bên trên hoặc thưởng thức với món ăn kèm. Nhưng người Nhật chỉ ăn nó với trà. Nó không tốt cho sự cân bằng dinh dưỡng của chúng ta. Ở phương Đông có truyền thống ăn mì lâu đời. Tại sao không khuyến khích người Nhật ăn mì như một loại thực phẩm làm từ bột mì?”, ông Ando nhấn mạnh.

Nguồn gốc mì ăn liền

Theo tiểu sử của Ando, vào một đêm mùa đông lạnh giá, ông bắt gặp một hàng dài người xếp hàng trước một quầy bán mì ramen. “Khuôn mặt của những người đang xì xụp húp mì trông thật hạnh phúc. Người Nhật rất thích mì. Nhìn vào hàng người xếp hàng trước gian hàng, ông có cảm giác rằng sẽ có một nhu cầu lớn về mì ở đó. Chính điều này đã in sâu vào tâm trí Ando”, tiểu sử cho hay.

Một bản sao kho chế tạo mì ăn liền đầu tiên của Momofuku Ando tại bảo tàng mì ăn liền ở Nhật Bản. Ảnh: SCMP.

Năm 1957, Ando mua một chiếc máy làm mì đã qua sử dụng. Với 18 kg bột mì, dầu ăn và các nguyên liệu khác, ông đã thực hiện sứ mệnh tạo ra loại mì có thể dễ dàng ăn mọi lúc mọi nơi. Chỉ sau một năm, Ando sản xuất thành công lô mì ăn liền đầu tiên mang nhãn hiệu Chikin Ramen và được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa Nhật Bản.

Thành tựu nổi bật

Đến năm 1970, Nissin của Ando mở thành công chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Trong năm 1971, mì ly ăn liền Nissin lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Các sản phẩm mì ăn liền của Nissin sau đó bắt đầu thống trị thị trường bên ngoài Nhật Bản.

Những chồng mì cốc Nissin được bày bán trong siêu thị. Ảnh: Shutterstock.

Trong năm 2005, công ty Nissin đã sáng chế mì ăn liền Space Ram cho các nhà du hành vũ trụ ăn trong không gian. Phi hành gia người Nhật Soichi Noguchi đã mang theo Space Ram trong chuyến bay trên tàu con thoi Mỹ Discovery lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.

Sau hơn 60 năm kể từ khi được phát minh, mì ăn liền hiện đã trở thành loại thực phẩm tiện lợi được phổ biến rộng rãi nhất thế giới. Ước tính rằng 100 tỷ suất mì ăn liền được tiêu thụ hàng năm trên toàn cầu từ vùng quê đến khu đô thị hay thậm chí là ngoài vũ trụ.

Hoàng Vũ

Tổng hợp

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mi-an-lien-duoc-phat-minh-nhu-the-nao-post1436765.html