Mệt mỏi khi chạy theo những tiêu chuẩn của cái đẹp

Tiêu chuẩn của cái đẹp thay đổi liên tục theo từng thời kỳ. Trước khi thử những xu hướng mới, hãy cân nhắc xem chúng có phù hợp với bạn hay không?

Phụ nữ luôn muốn mình đẹp hơn trong mắt người đối diện. Ảnh:V.B.

Rốt cuộc, như thế nào là đẹp khi tiêu chuẩn cho một gương mặt hay một hình thể đẹp thay đổi xoành xoạch từ thời này sang thời khác, từ vùng này sang vùng khác?

Rốt cuộc, răng trắng đẹp hay răng đen đẹp, da sáng đẹp hay da nâu đẹp, mặt góc cạnh đẹp hay mặt trái xoan đẹp, mình dây đẹp hay thân hình phây phây đẹp? Rõ ràng đẹp hay xấu chỉ mang tính tương đối. Thế nên tôi nghĩ thay vì phán xét bản thân hay ai đó “xấu xí”, hãy cứ nghĩ rằng vẻ đẹp ấy đơn thuần là “lệch chuẩn” so với tiêu chuẩn về cái đẹp của số đông một cộng đồng nhất định mà thôi.

Vậy, làm thế nào khi ngoại hình vô tình bị “lệch chuẩn”? Chúng ta có hai cách để được thỏa mãn. Một là thay đổi diện mạo của mình cho phù hợp với thị hiếu đám đông. Hai là tập cách xóa bỏ toàn bộ các tiêu chuẩn đang ăn sâu trong tâm trí. Nói cách khác, hãy đưa tâm trí mình trở về số 0 đối với quan niệm về cái đẹp. Hãy như một đứa trẻ thơ hay nàng Remedios [1], nhìn mọi việc theo đúng bản chất của nó, không đánh giá hay bình phẩm tốt xấu đúng sai.

Tôi từng thực hành hai cách để quên đi tiêu chuẩn của thế gian.

Cách thứ nhất xuất phát từ việc một ngày tôi nhận ra lý do khiến mình ám ảnh không phải vì những đường nét xấu xí một cách đồng bộ trên gương mặt, mà vì những tấm ảnh và những chiếc gương phản chiếu những đường nét ấy. Chúng luôn khiến tôi giật bắn mình.

Khi tôi ít chụp ảnh đi, ít soi gương lại, thì tất cả những khiếm khuyết về hình thể không còn làm phiền tôi nữa. Nói cách khác, khi quên tiệt rằng mình xấu xí, tôi cảm thấy cái đẹp lan tỏa tràn trề khắp thân thể mình, nguồn nhựa sống cứ thế tuôn chảy mà chẳng cần đến một khuôn mặt V-line, một chiếc mũi cao, một nụ cười đẹp theo chuẩn của xã hội.

Cuốn sách Người tối giản của tác giả Phạm Quỳnh Giang. Ảnh: P.Q.G.

Cái đẹp ấy tỏa ra từ trí tuệ, là những kiến thức tôi tích lũy trong quá trình học và đọc không ngừng. Cái đẹp ấy cũng tỏa ra từ những trải nghiệm được tích lũy từ những tháng ngày lăn lóc trong các hoạt động cộng đồng và quá trình chu du khám phá thế giới. Cái đẹp ấy người ta có cảm nhận được không tôi mặc kệ. Vì chuyện người ta nghĩ có quan trọng gì?

Cách thứ hai xuất phát từ sự thông hiểu về “tính không” (emptiness) của sự vật. Tức không có gì trên đời là xấu hay là tốt. Sự vật hiện hữu hay sự việc xảy ra xấu hay tốt là do cách nhìn nhận của mỗi người. Thay vì né tránh chiếc gương, tôi học cách thân thiết với nó để đối diện, chấp nhận và yêu thương bản thân mình.

Mỗi ngày tôi ngồi trước gương ngắm chính mình. Tôi nhìn sâu vào bộ tóc xơ cứng, chiếc trán ngắn, đôi tai nhỏ, cặp mắt xếch, chiếc mũi gồ, xương hàm bạnh, răng ngắn lợi dài. Đây là xấu? Đây là đẹp? Hay đây không là gì cả? Nếu tôi còn phán xét, nghĩa là tư duy của tôi vẫn đang bị trói buộc bởi tư duy của số đông.

Tôi thực hành nhìn nhận tất cả những đường nét này theo đúng bản chất của nó chứ không phải theo quan niệm của bất kỳ ai. Tôi học yêu tất cả những đường nét này. Tôi biết ơn tất cả những đường nét được ban tặng này. Và tôi thấy mình đẹp hoàn hảo theo đúng chuẩn của… tạo hóa.

Khi biết nhìn ngắm bản thân và mọi người với đôi mắt của Người Tối Giản, chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp hoàn mĩ của mọi thứ. Lúc này, việc làm đẹp bỗng mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Vì làm đẹp chính là đang thể hiện sự trân trọng đối với cơ thể - món quà quý báu nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.

Geshe Micheal Roach từng nói về Nguyên tắc Đóa hoa đối với việc làm đẹp trong cuốn Nghiệp tình yêu. Theo đó, khi ta để một mái tóc đẹp, trang điểm đẹp, khoác lên người một bộ cánh đẹp, ta đang làm đẹp cho bản thân ta nhưng thật ra cũng là đang làm đẹp cho môi trường xung quanh. Một người biết làm đẹp cũng giống một đóa hoa giữa đời khiến bao nhiêu người cảm thấy dễ chịu.

Vì thế, thay vì điên cuồng chạy theo cái đẹp, chúng ta cần duy trì được tâm thế của một “người chăm sóc đóa hoa” - bình an và trân trọng. Làm đẹp lúc này là một hành động cao cả, bởi đó chính là sự nâng niu tấm thân vô giá mà mình đã được ban tặng. Với tâm thế đó, chúng ta sẽ không còn bị mắc kẹt vào sự tự ti về ngoại hình hay cuộc chạy đua cạnh tranh về vẻ ngoài nữa.

[...]

[1] Nhân vật trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez.

Phạm Quỳnh Giang/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/met-moi-khi-chay-theo-nhung-tieu-chuan-cua-cai-dep-post1457094.html