Melbourne, thành phố bị phong tỏa chặt nhất thế giới mở cửa sau 262 ngày

Sau 262 ngày, thành phố đông dân thứ hai của Úc đã thoát khỏi những hạn chế nghiêm ngặt của Covid để bắt đầu trở lại trạng thái 'bình thường mới'. Melbourne mở cửa, tất cả như vỡ òa trong sung sướng.

Những ngày gian khó

Trước khi xảy ra đại dịch, Melbourne đã 7 lần liên tiếp đứng đầu danh sách thành phố đáng sống nhất thế giới và là trung tâm đô thị phát triển nhanh nhất ở Úc.

Những người dân đã tiêm phòng đầy đủ ngồi tại một quán cà phê ở Brunswick vào sáng thứ Sáu (22/10), khi Melbourne kết thúc đợt đóng cửa Covid lâu nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Nhưng khi các thành phố lớn bỏ qua các hạn chế về việc đóng cửa nhờ sự xuất hiện của vắc xin, các cửa hàng của Melbourne vẫn đóng cửa, người dân phải thực hiện chế độ giới nghiêm từ 9 giờ tối và thành phố thường ồn ào này đã giành được danh hiệu mới: nơi đóng cửa lâu nhất thế giới.

Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Victoria vào ngày 16 tháng 3 năm ngoái, các nhà chức trách dự kiến kéo dài lệnh này trong bốn tuần. Rốt cuộc, bang đã phải duy trì tình trạng khẩn cấp với 6 lần gia hạn đóng cửa.

Tính đến ngày 30/3, tiểu bang có 821 ca nhiễm Covid-19, và Victoria bước vào đợt phong tỏa với chiến lược ba giai đoạn, với bốn lý do cơ bản để rời khỏi nhà: mua thực phẩm và cung cấp thực phẩm, chăm sóc y tế, tập thể dục và đi làm hoặc đi học.

Từ đó đến nay, hơn 71.000 cư dân của Victoria đã nhiễm virus Corona và hơn 990 người Victoria chết vì Covid-19. Vô số lễ hội, chương trình sân khấu và triển lãm đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.

Dân số của bang đã giảm 0,6% kể từ khi đại dịch tấn công, phần lớn do tác động của việc đóng cửa biên giới quốc tế đối với tình trạng di cư ra nước ngoài. Đây là tiểu bang hoặc lãnh thổ duy nhất của Úc chứng kiến dân số giảm trong thời kỳ này.

Bây giờ, sau 262 ngày, Melbourne đã hoàn thành những thời khắc cuối cùng của lệnh ở tại nhà vào thứ Sáu, ngày 22/10, đầy thất vọng nhưng cũng rất hy vọng.

Tiệm cắt tóc mở cửa trở lại sau một thời gian dài - Ảnh: AFP

Hy vọng

Thị trưởng thành phố Melbourne, Sally Capp, nói rằng sự phát triển trước đại dịch được thúc đẩy bởi “cơ hội làm việc và lối sống” và sức hút đó cuối cùng sẽ quay trở lại.

“Điều đó vẫn còn rất nhiều ở đây, chỉ là vấn đề đi lại thôi”, bà thị trưởng nói và bày tỏ tin tưởng: “Chúng tôi đang mang hoạt động đến đường phố, các quảng cáo đang làm hồi sinh các tuyến bố của chúng tôi, những người hát rong đang quay trở lại, thành phố sẽ sống động với mọi người và âm nhạc – họ đã sẵn sàng để tràn ra ngoài”.

“Những dự đoán cho thấy sẽ có một khoảng thời gian hỗn loạn khi chúng ta bước vào nhịp sống mới và thói quen làm việc mới hình thành, nhưng tôi không lo sợ. Tôi muốn chạy thẳng vào nó và ùa vào nhịp điệu mới đó càng sớm càng tốt”, bà thị trưởng tỏ ra lạc quan.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Victoria ước tính rằng việc đóng cửa đã gây thiệt hại cho Victoria khoảng 1 tỷ USD một tuần. Giám đốc điều hành Paul Guerra nói với Guardian Australia: “Chúng tôi không biết sẽ mất bao lâu để Victoria phục hồi sau Covid-19, với sự không chắc chắn về thời điểm các biên giới quốc tế sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn”.

“Chúng tôi kỳ vọng khi chúng tôi đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi cho 90% người dân, tất cả các doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại không giới hạn mật độ, các sự kiện của chúng tôi được trở lại hoạt động, biên giới sẽ mở cửa cho khách du lịch và sinh viên quốc tế đã tiêm phòng”, Paul Guerra cho biết.

Người Melbourne tụ tập ăn mừng trong một quán bar ở thành phố, ngay sau khi các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 hết hiệu lực - Ảnh: Reuters

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Victoria đang ở mức 4,8%, tỷ lệ thiếu việc làm cao hơn nhiều, ở mức 10% của thị trường lao động. Chỉ riêng trong tháng 9, tỷ lệ việc làm của Victoria đã giảm 123.000 người, trong khi tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm 1,9%.

Carmen Thain, một nhân viên bán lẻ bình thường từ chỗ có việc làm toàn thời gian thành không có ca làm việc nào trong thời gian đóng cửa. Thain chỉ có thể yêu cầu 450 đô la một tuần từ khoản thanh toán thảm họa Covid của chính phủ liên bang.

Tuy nhiên, khoản thu nhập này dự kiến kết thúc sau khi các bang đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%, vì Thain không thể chứng minh mình sẽ thường xuyên làm việc hơn 20 giờ một tuần.

“Thực sự rất căng thẳng về tài chính khi phải trả 450 đô la một tuần… tiền thuê nhà và các hóa đơn, thức ăn cho bản thân và thú cưng của tôi chiếm gần hết số tiền đó”, cô nói.

Thain đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm khẩn cấp của mình cho các hóa đơn y tế và bác sĩ thú y, và cô hiện lo lắng rằng một khi việc dỡ phong tỏa, các cửa hàng bán lẻ mở cửa trở lại, nhân viên hợp đồng sẽ được ưu tiên hơn nhân viên bình thường.

“Có khả năng tôi sẽ phải nộp đơn xin Centrelink [thanh toán phúc lợi] để tồn tại hoặc tìm một công việc khác”, cô nói. “Kể từ khi đại dịch xảy ra, nơi làm việc của tôi gặp khó khăn về tài chính và rất nhiều người lao động trở thành dư thừa”.

Phan Nguyên (Theo Reuters, Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/melbourne-thanh-pho-bi-phong-toa-chat-nhat-the-gioi-mo-cua-sau-262-ngay-post162837.html