Mẹ và con đều là học trò thầy Hoàn

Chúng tôi tin tưởng gửi con vào mái trường có người thầy đặc biệt làm hiệu trưởng - người từ hơn 20 năm đã nâng đỡ, giáo dục nhiều lứa học trò trường huyện chúng tôi

Một ngày cuối năm học 2022-2023, tôi cho cậu con trai đang lẫm chẫm học đi cùng vào trường đón chị. Ba mẹ con đang chơi ở sân Trống đồng (khoảng sân lớn nhất trong các sân của trường) thì thầy Bùi Quốc Hoàn (Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thăng Long, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) bận quần jeans và áo thun bước đến.

Những bài học đậm dấu ấn "ông Hoàn"

Con gái tôi khoanh tay: "Em chào ông Hoàn". Không chỉ con tôi mà nhiều bạn khối 1 của cháu cùng gọi thầy hiệu trưởng là "ông Hoàn" như thế. Nụ cười hiền, tươi trên gương mặt rám nắng, thầy gật đầu chào học trò và ngồi xuống, ngước nhìn - hỏi con trai tôi: "Mình đi đâu đây nhỉ? Mình đã đi được nhiều chưa?...".

Đầu năm lớp 1, trong buổi chào cờ đầu tiên, cả trường cùng được "học nói" qua thí nghiệm. Thầy Hoàn giới thiệu với bọn trẻ 2 bình thủy tinh đựng cơm trắng, một bình tên là "vui vẻ, yêu thương", và một bình tên "cáu kỉnh, tức giận". Thầy dặn: "Hai bình cơm này thầy sẽ để ở góc hành lang của dãy khối 1. Hằng ngày, các em mở nắp và nói chuyện, tâm sự, nở nụ cười với bình "vui vẻ, yêu thương". Còn ở bình "cáu kỉnh, tức giận", các em thử la hét, mắng mỏ vào đó nhé".

Thầy hiệu trưởng Bùi Quốc Hoàn tiếp nước cho học sinh lớp 1

Thế là sau mỗi buổi học, con gái tôi lại tíu tít kể hôm nay con và các bạn đã nói những gì với bình "vui vẻ, yêu thương"; còn bình "cáu kỉnh, tức giận" bị la mắng ra sao. Sau khoảng một tuần, vừa thấy tôi tới đón, con gái đã hốt hoảng: "Cơm trong bình "cáu kỉnh, tức giận" đen lắm mẹ ạ. Nhưng cơm trong bình "vui vẻ, yêu thương" chỉ hơi vàng thôi. Cơm trong bình "cáu kỉnh, tức giận" bị mắng nhiều quá nên nhanh hỏng hơn hả mẹ?". Từ đó, thi thoảng thấy mẹ sắp nổi giận là con gái tôi láu lỉnh: "Chạy thôi, kẻo bị mẹ làm cho đen sì bây giờ"!

Ngày cuối thu, heo may ràn rạt, con gái tôi kéo mẹ lại phía vỉa hè gần sân bóng của trường với nhiều dấu chân. Cháu kể: "Sáng nay ông Hoàn, thầy Tiến (tổng phụ trách Đội) cho con và các bạn giẫm chân vào khay sơn rồi in lên đấy". Cháu khoe: "Dấu chân con đây này, không đẹp bằng dấu chân Gia Hân. Nhưng "ông Hoàn" bảo bước chân in trên đường có đẹp, có rõ ràng không đều tùy thuộc vào sự cố gắng, cẩn thận của học trò. Lần sau con sẽ cẩn thận hơn để dấu chân của mình đẹp như dấu chân Gia Hân". Tôi hỏi: "Rồi con tự rửa sạch sơn ở chân?". Cháu trả lời: "Con ngồi trên ghế, ông Hoàn ngồi dưới đất rửa chân cho con. Chân Gia Hân thì thầy Tiến rửa".

Có hôm, con gái tôi kéo mẹ sang góc sân bóng, vừa "mẹ nhìn này" vừa đu người vắt vẻo lên cây cầu thăng bằng cao độ 1 m. Bỗng cháu đứng dậy, bước những bước chắc chắn, tự tin. Thấy tôi ngạc nhiên, cháu khoe: "Ông Hoàn dạy con leo lên đấy. Rồi ông Hoàn đỡ cho con đứng thẳng, bảo con hít thật sâu, dang hai tay để giữ thăng bằng là sẽ đi được. Sau 2 lần là con tự trèo, tự đứng dậy và đi được. Dễ lắm mẹ!".

20 năm miệt mài dạy bao thế hệ

Khi thi đại học còn theo khối A, B, C, D song suốt nhiều năm, phần lớn thế hệ 8X, 9X trường huyện chúng tôi chọn "học toán thầy Hoàn". Tôi là một trong số đó. Thầy Hoàn khi ấy là giảng viên Khoa Toán - Trường CĐ Sư phạm Hà Tây (nay sáp nhập Trường ĐH Thủ đô Hà Nội).

Khoảng thời gian ấy đủ để tôi luôn nhớ đến thầy - một nhà giáo tận tâm, tận tụy. Hơn 20 năm, tôi không bao giờ quên những buổi học toán tranh nhau đến sớm, tranh nhau ngồi bàn trên để được hỏi nhiều hơn. Hôm nào chậm chân thì chỉ còn chỗ ngồi… ngoài cửa.

Đông vậy, ngồi ngoài cửa vậy nhưng không đứa nào ra về hay bỏ ngang buổi học. Bởi lẽ, tôi và nhiều bạn đang quen với cách học toán như "thợ giải", chỉ biết lắp ghép công thức thì gặp thầy Hoàn - gặp một cách dạy toán hoàn toàn khác. Thầy không bao giờ đưa ra cách giải mà luôn phân tích kỹ cho chúng tôi thấy đề bài cho những dữ liệu gì và cần phải có những gì để có thể đưa ra đáp án đúng. Rồi từ những yêu cầu đó, thầy lại cho chúng tôi thấy để đưa ra được đáp án đúng không chỉ có một mà còn nhiều cách khác nhau.

Buổi học nào thầy Hoàn cũng vội vã bước vào lớp, khi chưa đến giờ, vội vã xóa bảng như sợ "lấy mất" thời gian của học sinh. Cuối giờ, thầy luôn là người nán lại muộn nhất để giải đáp mọi thắc mắc. Tôi vẫn nhớ những câu hỏi quen thuộc của thầy: "Các bạn thấy bài này thế nào? Các bạn hiểu chưa nhỉ? Còn bạn nào muốn hỏi thêm gì không?".

Ngày tôi học, thầy Hoàn nói: "Lớp mình, em nào gia đình kinh tế khó khăn thì cứ nói cho thầy biết, thầy không thu học phí đâu". Chúng tôi biết, không ít bạn đã được thầy hỗ trợ. Không chỉ ở khóa tôi, mà ở tất cả các khóa từ thế hệ 8X đến 9X đều có những bạn được thầy giúp đỡ.

Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên từ bậc tiểu học trở lên phải có bằng cử nhân sư phạm. Vậy là Trường CĐ Sư phạm Hà Tây cùng rất nhiều trường cao đẳng sư phạm khác trên cả nước chỉ còn là nơi đào tạo giáo viên mầm non. Năm 2019, Trường Tiểu học - THCS Thăng Long (khi đó trực thuộc Trường CĐ Sư phạm Hà Tây) được thành lập để giải bài toán công ăn việc làm cho đội ngũ giảng viên. Thầy Hoàn là Trưởng Phòng Đào tạo, rồi Hiệu phó Trường CĐ Sư phạm Hà Tây kiêm Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thăng Long. Đang là thầy của các thế hệ thầy, thầy Hoàn trở thành thầy của đám học trò lít nhít như vậy đó.

Mỗi lúc nhác thấy bóng thầy Hoàn từ xa là con tôi đã reo lên "ông Hoàn!". Nhìn "ông Hoàn" của con rạng ngời nụ cười hồn hậu, tôi lại mường tượng vẹn nguyên hình dáng "thầy Hoàn bên cao đẳng" của thế hệ chúng tôi năm nào, lòng chợt bừng lên niềm hạnh phúc lẫn biết ơn…

Kết thúc đăng bài dự thi "Người Thầy kính yêu" lần 2

Tác phẩm in trên số báo ra hôm nay (6-11-2023) là bài dự thi cuối cùng được chọn đăng sơ tuyển cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2, năm 2022-2023, do Báo Người Lao Động tổ chức.

Những bài dự thi khác đã được gửi đến Tòa soạn, chúng tôi sẽ thẩm định và trao đổi với tác giả để sử dụng cho các chuyên trang, chuyên mục phù hợp.

Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 sẽ được tổ chức trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay.

B.T.C

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: Bích Ngọc (huyện Thường Tín, TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/me-va-con-deu-la-hoc-tro-thay-hoan-20231105202433496.htm