Mẹ ru cái lẽ ở đời*

Tuổi thơ tôi đã bình yên lớn lên trong ngôi nhà nhỏ ba gian với mái ngói màu nâu bởi nhuộm màu sương gió. Những kỷ niệm thời thơ ấu như một mạch ngầm ngọt dịu vô tận chảy mãi trong tâm hồn tôi. Để đến bây giờ khi có thể coi là đã đi được nửa hành trình của cuộc đời, đã trải qua nhiều dâu bể, đã biết đến những buồn vui nhân thế tôi lại nhớ nhiều hơn về những tháng năm thơ dại. Tôi nhớ gia đình, nhớ cha, nhớ mẹ… và nhớ cả những lời ru.

Chiếc võng theo ông đi suốt bao năm kháng chiến bền bỉ, dẻo dai. Rồi khi ông trở về đã mang theo võng, bình dị làm bạn với gia đình trong căn nhà nhỏ. Bên cánh võng mềm, bà nhẹ nhàng ru cha, mẹ nhẹ nhàng ru tôi! Mấy chục năm trời dù nó có bạc đi theo thời gian thì vẫn vẹn nguyên cánh võng. Cha tôi lớn lên qua lời ru của bà chân cứng đá mềm, bền gan vững chí, đạo hiếu vẹn tròn. Bà tôi không còn, mẹ lại ru tôi những lời ru thuở trước. Những câu ca ngọt ngào bên cánh võng đung đưa nhẹ nhàng vỗ về tôi vào giấc ngủ. Võng chẳng hề có chân mà cùng lời ru đưa tôi đi khắp chốn từ đồng xanh bát ngát đến núi non trùng điệp, từ rừng thẳm hoang vu đến biển cả mênh mông,… Lời ru ngọt ngào của mẹ cứ ngày ngày vỗ về giấc ngủ của những đứa con và thấm dần vào huyết mạnh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.

Có đứa bé nào lại không mê những lời ru?! Đối với một đứa trẻ thơ còn nằm nôi sẽ chưa đủ lớn khôn để biết nội dung hay hay dở. Nhưng mê là vì lời ru đó của mẹ, nó gần gũi, thân thương. Nó như thay mẹ nói những lời yêu thương chắt chiu tự đáy lòng dồn hết cho con. Mê cái âm điệu à ơi dịu ngọt. Mê đến độ hôm nào không có lời ru của mẹ sẽ trằn trọc khó ngủ. Ngày bé tôi cũng y vậy đó. Lớn hơn chút, tôi cũng ngâm nga theo lời ru của mẹ. Cánh võng vẫn đung đưa đều đều, lời ru dần bám rễ trong trí nhớ. Tôi thuộc, cũng có thể ru em và giờ đến ru con.

Mẹ chẳng phải chỉ ngâm nga những âm vực bổng trầm cho đứa con ngon giấc mà mẹ còn ru cái lẽ ở đời. Đó là sự thủy chung tình nghĩa: Bao giờ cạn nước Đồng Nai/ Lát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền; Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao…; đó là niềm hăng say lao động sản xuất luôn đạt được những thành quả xứng đáng: Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…; đó là công lao, tình cảm của mẹ cha đối với những đứa con: Ngực mẹ làm gối cho con/ Để con ngon giấc ngủ ngoan mẹ mừng và lòng hiếu thảo, biết ơn sinh thành nuôi dưỡng của con cái đối với cha mẹ: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con; Đói lòng ăn hạt chà là/ Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng… Rồi qua lời ru, mẹ dạy cả chúng tôi sống phải biết bồi dưỡng lòng yêu thương con người, sống thiện tâm: Dù xây chín đợt phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người

Mẹ ru nhiều lắm. Những lời mẹ ru chứa đựng bao nhiêu lối sống, cách đối nhân xử thế ở đời. Mẹ ru cái đạo làm người, ru hồn ta thủy chung nhân nghĩa, trên kính dưới nhường, ghét thương phân tỏ. Tôi lớn lên, đi lấy chồng xa, lâu thật lâu mới có dịp về thăm nhà. Mấy đứa cháu quấn mẹ để được nghe bà kể chuyện, được nghe bà ru à ơi những câu ca dịu ngọt bên võng mềm. Hôm đó, mẹ đang nhẹ đưa võng ru cho cháu ngủ, biết chị em tôi có chút không vừa lòng, thuận ý với nhau, mẹ buồn. Mẹ không nói gì, chỉ cất lời ru: À ơi, khôn ngoan đá đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau; rồi: À ơi, chị em như chuối nhiều tàu/ Lá lành đùm lá rách, chớ nói nhau nặng lời. Mẹ chỉ ru vậy thôi, đâu mắng mỏ gì nặng nhẹ vậy mà chị em tôi chợt lặng im và dường như sống mũi tôi cay cay. Em ôm lấy tôi thì thầm: “Mình vẫn là con của mẹ như xưa chị nhỉ!”. Tôi gật đầu vui vẻ, chị em lại nhỏ to tâm sự bao chuyện trên đời. Trong nhà, mẹ vẫn nhẹ nhàng vỗ giấc ngủ cho cháu bằng những lời ru: Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con; Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày

À ơi!
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ… mẹ ru con…

Câu thơ của Nguyễn Duy như một đúc kết cho những lời ru của mẹ.

À ơi! Lời ru thấm đượm ngàn năm!

(*) Câu thơ trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của nhà thơ Nguyễn Duy.

Trương Thúy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142104/me-ru-cai-le-o-doi