“Mẹ ơi”

Thu lên 10 tuổi thì mẹ mất, nó chống chếnh trong những tháng ngày không có mẹ, khi tuổi thơ dần dần khép lại. Nó sống trầm mặc hơn, mọi cử chỉ giống như một thiếu nữ chưa đủ lớn.

Vài năm sau, ba đi lấy vợ hai, Thu lại càng trầm mặc hơn. Nó không muốn chấp nhận sự thật là đã mất mẹ, giờ lại bị chi phối tình cảm của ba bởi một người dàn bà xa lạ. Nó ghét cô Yến, vợ của ba, mẹ kế của nó. Trong trái tim nó, hình ảnh của mẹ luôn ngự trị ở vị trí độc tôn, không thể thay thế, không thể xóa mờ. Trên cánh đồng tuổi thơ luôn luôn chỉ có hình bóng mẹ.

Ảnh minh họa.

Cô Yến chăm sóc, ngọt ngào với nó, nhưng nó chỉ cảm thấy ở đó một sự giả dối. Cả ngày Thu không buồn nói với cô Yến lời nào, cũng không chịu gọi mẹ, không gọi dì hai, chỉ gọi là “cô Yến” như thể nó muốn cho ba nó thấy rằng, nó không bao giờ chấp nhận một người mẹ thứ hai.

Mỗi trưa đi học về, nó thường dắt bò đi chăn ngoài cánh đồng cho đến tối mịt mới về để tránh nhìn thấy mặt cô Yến, cũng là muốn có chút yên tĩnh của riêng mình. Ba căn vặn, trách móc, Thu cũng không muốn nghe, nó trở thành một tảng băng trong nhà, nơi mà bất cứ ai chạm vào cũng cảm thấy lạnh giá, kể cả ba nó.

“Ba cũng là người đàn ông sớm quên, mẹ mới đi mà ba đã vội lấy bà ta”. Nó hằn học thế, chỉ một câu đó mà mỗi lần đụng độ là nó nhắc lại. Đó là lúc nó thấy “nóng” nhất trong những ngày lạnh trường kỳ.

Học hết Trung học phổ thông, Thu đăng ký thi vào trung cấp y, nhưng ba không đồng ý. Ba bảo nhà nghèo ở nhà kiếm việc làm nuôi thân, đi học không có ai lo. Nhưng Thu không muốn ở nhà để phải nhìn thấy mặt mẹ kế, nhìn thấy “người đàn ông bội bạc” là ba nó, kể cả đứa em cùng cha khác mẹ mà cô Yến mới sinh ra. Nó ghét hết thảy mọi người trong gia đình này.

Ba không cho đi học y, nó cứ thế cắp quần áo lên tỉnh, theo đứa bạn quê phụ làm rửa bát cho một nhà hàng ăn uống nửa ngày rồi đi học. Thế nhưng dù nó có làm quần quật đến khuya thì vẫn không đủ trang trải khoản học phí, sách vở và bữa ăn hàng ngày. Nó cảm thấy kiệt sức và trong lòng thấy hận ba và mẹ kế hơn bao giờ hết.

Thế rồi nó nhận được một khoản tiền do bà ngoại gửi lên, nó thầm cảm ơn người thân còn sót lại của mẹ nó. Hai năm trôi qua, nó đã tốt nghiệp và ra trường. Hôm nó nhận bằng tốt nghiệp nó chợt thấy dưới hàng ghế có thoáng bóng người mẹ kế nhưng nó cũng không chắc có phải là cô Yến không. Nó nghĩ nó bị ám ảnh bởi người đàn bà đã giành giật ba từ tay nó. Nó quyết định không về quê mà tìm việc phụ giúp trong một phòng mạch tư nhân, ở lại thành phố.

Rồi một hôm ba nó điện lên gọi nó về ngay, cô Yến ốm nặng sắp mất rồi. Nó nghĩ, nghĩa tử là nghĩa tận cho nên cắn răng về thăm lần cuối. Nó về tới nơi, không muốn vào bệnh viện, nhưng bà ngoại lôi nó đi, vừa đi bà vừa khóc: “Khổ thân dì con, ăn ở tốt thế mà sao ông trời nỡ bắt đi sớm”. Nó hậm hực: “Tốt đâu con chả thấy”. Bà ngoại mắng nó: “Hàng tháng dì gửi tiền cho con học trên thành phố đấy, chứ ngoại làm gì có tiền mà cho con học”. Nó nghe mà thấy ù cả tai, nước mắt từ đâu cứ rơi xuống lã chã. Nó nhớ lại bóng dáng nhỏ nhắn của cô Yến thấp thoáng hôm nó nhận bằng tốt nghiệp, giờ nó tin đó chắc chắn là cô ấy.

Nó bước vào phòng bệnh, khe khẽ nắm lấy tay cô Yến muốn thốt ra một lời tạ tội nhưng nó nghẹn ngào, chỉ bật thốt lên được 2 tiếng: “mẹ ơi”.

Diệp Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/me-oi-45433.html