Mẹ mất sớm, cha lấy vợ mới nên ít quan tâm khiến cậu bé 12 tuổi tủi thân làm một việc mà ai thấy cũng nghẹn ngào, quặn thắt

Anh cảnh sát bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc nói chuyện với cậu bé: 'Khi đó trái tim tôi như thắt lại. Thân là một người cha, tôi rất thương cậu bé'.

Trên đường phố ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc lúc 1h sáng bỗng xuất hiện một bé trai khá kỳ lạ.

Cậu bé đeo balo khá to trên vai, lặng lẽ vẫy một chiếc taxi rồi trèo lên. Thế nhưng khi tài xế hỏi địa chỉ cần đến thì cậu bé lại ấp úng không nói được rõ ràng. Cảm thấy có điểm đáng ngờ, tài xế quyết định đưa cậu bé đến gặp cảnh sát quận Lục Hợp gần đó để nhờ trợ giúp.

Người cha buông lời trách mắng khiến cậu bẽ buồn bã và tủi thân nên quyết định tìm về nhà cũ và thăm mộ mẹ để tâm sự.

Tâm trạng cậu bé khá nặng nề, nhất quyết không chịu nói ra thông tin liên lạc của gia đình, cũng như nguyên nhân khiến cậu nửa đêm một mình chạy ra đường.

Thấy cậu bé nhất định muốn rời đi, cảnh sát trực ban phải vất vả tìm cách dỗ dành rồi đưa cậu bé về đồn để làm rõ sự việc.

Trên đường đi, cậu bé đột ngột mở miệng nói: "Cháu muốn đến thăm mộ mẹ".

Nhân viên cảnh sát dừng bước, cổ họng bỗng nghẹn đắng. Anh ôm chặt cậu bé: "Được! Nhưng để ban ngày rồi đi, chứ ai lại đi giữa đêm thế này?".

Anh bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc ấy: "Khi đó trái tim tôi như thắt lại. Thân là một người cha, tôi rất thương cậu bé. Tôi không biết đứa trẻ đã phải trải qua những gì, cũng chẳng biết dùng lời lẽ an ủi, chỉ biết ôm chặt cậu bé vào lòng. Có lẽ làm vậy sẽ tiếp thêm chút sức mạnh để cậu bé có thể kiên cường hơn".

Sau một hồi tỉ tê tâm sự, cậu bé đã mở lòng và tiết lộ một số thông tin về hành động kỳ lạ của mình. Thì ra mẹ cậu mất sớm, cha sau đó lấy vợ mới và ít dành thời gian chăm sóc và quan tâm đến cậu.

Một hôm, người cha buông lời trách mắng khiến cậu bé buồn bã và tủi thân nên quyết định tìm về nhà cũ và thăm mộ mẹ để tâm sự về những gì cậu đang trải qua một mình.

1h sáng, khi cả nhà đang say giấc, cậu bé lén mang theo một balo nặng, mở cửa ra ngoài đón taxi. Tuy nhiên, vì không nhớ được địa chỉ khu nghĩa trang có mộ mẹ nên khi tài xế taxi hỏi, cậu bé ấp úng không biết trả lời thế nào.

Vị cảnh sát cũng nói với cậu rằng: "Sau này dù gặp bất kỳ chuyện gì cháu cũng phải bình tĩnh. Cháu nên nhớ, mình chỉ cần học thật tốt, những thứ khác thì bỏ qua. Cháu phải trở thành một chàng trai mạnh mẽ 'đầu đội trời, chân đạp đất'. Đó là niềm an ủi lớn nhất với mẹ cháu".

Sau đó phía cảnh sát đã liên lạc được với gia đình cậu bé. Tuy nhiên, khi cảnh sát gọi điện nói về con trai, người cha cho biết không hề hay biết chuyện này nhưng trước đó, con ông đã bỏ đi 1 lần như vậy và phủ nhận chuyện trách móc. Khoảng 1 tiếng sau người cha đã tới đồn cảnh sát đón cậu bé về và hứa rằng sẽ quan tâm đến con trai nhiều hơn.

Trẻ thiếu thốn tình cảm thường có 3 biểu hiện cha mẹ đặc biệt lưu ý

Mỗi đứa trẻ là một món quà, chúng lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có may mắn đó. Có những đứa trẻ không được mong đợi khi ra đời, có đứa trẻ lại không được yêu thương đủ đầy khi còn nhỏ hay không được cha mẹ yêu thương đúng cách,…

Những đứa trẻ ấy cố gắng che đậy sự thiếu thốn tình cảm trong quá khứ. Sự thiếu thốn luôn tồn tại, là vết thương trong trái tim, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này nếu không được xử lý sớm.

Thiếu tình thương lâu dần sẽ làm thay đổi tính cách con trẻ trở nên u ám và thu mình vào hơn. Ảnh minh họa

Hay ngượng ngùng, ngại bộc lộ những suy nghĩ

Cảm giác an toàn của trẻ bắt nguồn từ gia đình. Những đứa trẻ vui vẻ, năng động, hoạt ngôn vì có cảm giác an toàn trong tâm hồn. Ngược lại, một số trẻ nhút nhát và hướng nội là do thiếu cảm giác an toàn (trừ yếu tố bẩm sinh, di truyền). Những đứa trẻ này không dám nói chuyện, kết giao, không dám làm những điều mình thích.

Tính cách u ám, không giỏi kết bạn

Trong gia đình, nếu mọi người hết mực yêu thương, quan tâm đến trẻ, không khí hòa thuận thì sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tính cách vui vẻ. Trẻ dám bộc lộ suy nghĩ bản thân, dám nhận lỗi sai và sửa lỗi khi mắc sai lầm. Trẻ cũng có nhiều bạn bởi tính cách hòa đồng, thân thiện.

Vậy còn những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm thì sao? Khi cha mẹ không đủ bao dung tha thứ lỗi lầm cho trẻ khiến chúng trở nên sống khép kín. Chúng nhút nhát, tự ti, làm việc gì cũng sợ bị cha mẹ mắng. Những đứa trẻ này khi lớn lên có nguy cơ trở thành người sống tiêu cực, hướng nội, không muốn kết bạn. Chúng ở một mình vì ngại và sợ bị từ chối.

Phục tùng người khác, có tính cách nhu nhược

Một đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương thường yếu thế hơn trong mối quan hệ giữa các cá nhân. Chúng luôn cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn, biết nghe lời, cư xử tốt. Chúng dò xét thái độ của người khác để đưa ra hành động cho bản thân.

Điều này tưởng như tốt nhưng không phải vậy. Mỗi người đều có cá tính, sự hấp dẫn của riêng mình mà không cần phải cố gắng thay đổi để làm vừa lòng bất kỳ ai. Một người có tính nịnh bợ, nhu nhược bởi sâu bên trong thiếu thốn tình yêu thương. Trong tình bạn hay trong tình yêu đều cần sự bình đẳng để không làm tổn thương tâm lý và mối quan hệ.

Nguyên nhân trẻ thiếu tình thương

Những đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương sẽ có những khiếm khuyết về nhân cách rất lớn. Ảnh minh họa

1. Một đứa trẻ bị bỏ rơi rất dễ thiếu tình thương

Trẻ em bị bỏ rơi không chỉ ở mặt khách quan mà còn ở cả mặt chủ quan. Có nhiều ông bố, bà mẹ nói rằng: "Tôi không bỏ rơi con mình, tôi chỉ thích đứa này hơn đứa kia chút thôi", đó cũng là một sự bỏ rơi chủ quan.

Những đứa trẻ được nhận nuôi, sinh ra trong gia đình nhiều anh em… có nhiều trường hợp thường tự đánh giá bản thân là một đứa trẻ thiếu tình thương vì không thể có được tình yêu thương bình đẳng từ bố mẹ như những anh chị em khác trong gia đình.

2. Sự thiếu tình yêu thương bắt nguồn từ sự kỷ luật nghiêm khắc của cha mẹ đối với con cái

Nhiều bậc cha mẹ quan niệm "có đánh, có mắng thì trẻ mới nên người", và đúng là bố mẹ cần phải nghiêm khắc để rèn con là điều dễ hiểu, nhưng nếu quá nghiêm khắc, bố mẹ sẽ trở thành ác quỷ trong mắt trẻ, và các hình phạt trở thành sự kiểm soát quá sức với trẻ. Con cái lúc này không còn cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, và bố mẹ lúc này đã trở thành kẻ độc tài.

3. Việc trẻ thiếu tình thương bắt nguồn từ những thay đổi đột ngột trong cuộc sống

Những thay đổi trong cuộc sống thực ra là điều khó tránh khỏi. Đó có thể là những thay đổi đột ngột từ môi trường sống hay việc người thân thiết qua đời, chắc chắn đều sẽ giáng một đòn mạng vào tâm lý của một đứa trẻ, khiến cho cảm giác tồn tại của đứa trẻ dần dần biến mất.

Tác hại đối với những trẻ thiếu tình thương

1. Những đứa trẻ thiếu tình yêu thương có thể gặp khó khăn rất lớn trong việc thiết lập các mối quan hệ cá nhân bình thường

Việc thiếu tình thương có thể gây ảnh hưởng đến tích cách, khuôn mẫu hành vi của trẻ, từ đó gây ra nhiều vấn đề trong việc thiết lập các mối quan hệ giữa các cá nhân.

2. Những đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương sẽ có những khiếm khuyết về nhân cách rất lớn

Thế giới tinh thần của những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm rất tẻ nhạt, về lâu dài, những đứa trẻ thiếu tình thương có thể lựa chọn cách cực đoan để bảo vệ bản thân, và chỉ cần có lợi ích cho bản thân là được, không quan tâm đến người khác, sẽ phát huy hết tính ích kỷ trong bản chất con người.

3. Trẻ thiếu tình thương rất dễ có hành vi bốc đồng

Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ vị thành niên thường phải ra vào trường giáo dưỡng, hay những người có tính cách cục cằn, thường xuyên đánh nhau đều là những đứa trẻ thiếu tình thương.

Vì thiếu thốn tình cảm nên không thể kiềm chế được cảm xúc của mình và thường có những hành vi rất thô bạo khi nóng giận, điều này khiến các cá nhân này gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống và giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp.

Những đứa trẻ thiếu tình yêu thương có thể gặp khó khăn rất lớn trong việc thiết lập các mối quan hệ cá nhân bình thường. Ảnh minh họa

Làm sao để con mình không trở thành một đứa trẻ thiếu tình thương?

1. Hãy chắc chắn rằng bản thân là bố mẹ cũng không thiếu thốn tình cảm

Cha mẹ là người tạo ra tính cách cho con cái. Chỉ khi bố mẹ không thiếu tình thương thì cũng mới có thể cho con mình một gia đình hạnh phúc, và để những đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình yêu thương.

2. Cho trẻ đủ cảm giác an toàn

Để con không thiếu thốn tình cảm và cho con đủ cảm giác an toàn, bố mẹ hãy tích cực đáp ứng nhu cầu được chơi cùng bố mẹ của trẻ, tăng giao tiếp với trẻ thật nhiều để trẻ luôn có được trạng thái tinh thần tốt, cảm giác bình yên và được bố mẹ quan tâm.

Tình yêu của bố mẹ dành cho con có thể được thể hiện bằng nhiều cách, đó có thể là một nụ hôn, một cái ôm, hoặc đơn giản chỉ là một lời chào mỗi sáng dành cho trẻ... Những tình yêu thương bé nhỏ ấy sẽ từ từ tỏa sáng trong trái tim trẻ, lấp đầy trái tim trẻ thơ và trở thành tia nắng chói chang nhất trên con đường để con lớn lên khỏe mạnh.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/me-mat-som-cha-lay-vo-moi-nen-it-quan-tam-khien-cau-be-12-tuoi-tui-than-lam-mot-viec-ma-ai-thay-cung-nghen-ngao-quan-that-172240405093908993.htm