Mẹ hiền nơi thung lũng Huổi Púng

ĐBP - Nói đến nỗi vất vả của các thầy cô giáo 'cắm bản' thì thật khó để văn bút nào tả xiết. Trường lớp xập xệ, đường xá bịt bùng, xa ngái. Rồi phải xa gia đình, xa vợ, xa chồng, xa con… Song vượt lên tất cả, các thầy các cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp 'trồng người' nơi biên giới. Nhiều cô còn đưa học sinh về chăm nuôi, dạy dỗ như con đẻ của mình.Tôi đã gặp một cô giáo như mẹ hiền như thế, ở thung lũng Huổi Púng, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Đường vào bản Huổi Púng vẫn là đường mòn vách núi cheo leo.

Gian nan Huổi Púng

Đốt hết một buổi chiều biên tái, vòng vèo theo những cung đường uốn lượn như sợi chỉ vắt hờ lưng núi, tôi mới đến được Điểm trường Mầm non Huổi Púng. Gọi là Điểm trường cho oai chứ thực ra đây chỉ là ngôi nhà tạm bằng gỗ, lợp mái tôn, tường vách tả tơi. Ngồi trong nhà, mà vẫn nghe thông thống gió trời.

Huổi Púng là một trong những bản thâm sơn cùng cốc nhất của xã Pa Tần với nhiều cái không: Không điện, không đường ô tô, không nước sinh hoạt và gần như cả không sóng điện thoại. Mỗi lần có việc, thầy cô đều phải vác máy trèo lên chỗ cao “hứng” sóng. Bản có 37 hộ, 100% là dân tộc Mông. Đồng bào ở đây vẫn bị ảnh hưởng thói quen du canh, du cư; cứ phát rẫy làm nương, sau 3 - 4 mùa vụ, đất đai bạc màu thì lại đi tìm vùng đất mới. Chính vì cuộc sống “rày đây mai đó” nên 100% hộ dân trong bản thuộc diện hộ nghèo.

Khi chúng tôi đến, cô giáo Lèng Thị Nhớ đang chắt từng giọt nước từ cái thùng nhựa để rửa rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Ngại ngùng bếp núc đơn bạc, cô mời khách ra Phòng công vụ cho nó đường hoàng. Phòng rộng chưa đầy 10m2, được ngăn ra từ lớp học, đủ kê 1 chiếc giường ghép từ vài ba tấm ván, cùng một chiếc bàn làm việc nhỏ. Đây vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ ngủ nghỉ của 6 cô trò.

Cô Nhớ tâm sự, năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Thái Bình, cô về công tác tại Trường Mầm non Nà Hỳ. Từ năm 2015, cô chuyển về công tác tại Trường Mầm non Pa Tần cho đến bây giờ. Đầu năm học 2020, cô được phân công về giảng dạy tại điểm trường mầm non Huổi Púng.

“Những ngày đầu vào điểm trường nhận công tác khổ vô cùng. Đường sá xa xôi, trúc trắc; nhiều đoạn một bên là vực, một bên vách đá dựng trời. Có hôm đang đi thì trời đổ mưa. Mà mưa miền núi thì thường đến rất nhanh, nặng hạt, kèm gió lớn. Gió từ đỉnh núi lùa xuống, từ lòng thung cuốn lên; không chắc tay thì rất dễ lao xuống vực, nên tôi đành phải để xe và đồ đạc ở ngã ba Huổi Tre rồi cuốc bộ hơn 5km vào điểm trường. Đến ngày hôm sau, đường vẫn còn trơn trượt, tôi lại phải nhờ 2 thanh niên trong bản ra lấy xe và đồ hộ” - cô Nhớ kể.

Ngày nào cũng vậy, cô Nhớ dậy từ 5 giờ sáng nấu cơm, đun nước cho học sinh.

Điểm trường mầm non Huổi Púng có 1 lớp ghép với 25 học sinh, từ 3 đến 5 tuổi. Trong đó, đặc biệt có 5 em là Giàng Thì Dinh, Giàng A Vảng, Lý A Anh, Lý A Suynh và Thào Thị Sơ nhà xa, ở tận Huổi Vén. Thương các em đi lại vất vả, cô Nhớ nhận dạy dỗ và trông nom suốt cả tuần.

“Tôi đưa các em về ở cùng tại điểm trường, chiều thứ 6 gia đình đến đón về, sáng thứ 2 lại đưa đến. Vì nhà các em ở quá xa điểm trường, đi bộ đường rừng phải mất 3 tiếng đồng hồ. Chẳng thế mà sáng thứ 2 nào cha mẹ đưa các em đến lớp cũng vào đúng giờ ăn trưa (10 giờ 30 phút sáng). Hôm đến sớm thì cũng chỉ trước giờ ăn chừng 15 – 20 phút”, cô Nhớ chia sẻ.

Tận tâm với học trò

Từ hơn 1 năm nay, ngoài công việc chính là truyền dạy kiến thức, cô Nhớ còn phải chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ trưa cho 25 học sinh. Sau mỗi giờ lên lớp, cô lại tiếp tục lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ quần áo cho 5 học sinh ở cùng.

Ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng khi trời còn mờ hơi sương, cô Nhớ đã dậy nhóm lửa, đun nước uống cho cả lớp và chuẩn bị bữa sáng cho 6 cô trò. 6 giờ gọi các con dậy, đánh răng rửa mặt, chải đầu tóc, cho các con ăn sáng xong cũng vừa đến giờ vào lớp.

Những khi nông nhàn còn đỡ, chứ mỗi khi đến mùa đi nương, đồng bào mang con em đến gửi từ lúc 6 giờ. Nhiều hôm phụ huynh học sinh mải đi nương, không có người nấu ăn cho các con, một mình cô Nhớ phải “đánh vật” vừa dạy học vừa tranh thủ chuẩn bị bữa trưa. Nấu cho các con ăn, dỗ con ngủ, quá trưa cô Nhớ ăn vội bát cơm rồi lại quay ra dọn dẹp, rửa bát để chiều lên lớp.

Cũng do điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh ở đây chưa thực sự quan tâm đến việc học và chăm sóc con cái. Nhiều gia đình trong bản đi nương, để con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ở nhà một mình. Nhiều em theo anh chị đến lớp. Thấy thương, cô giáo cho vào lớp chơi cùng, đến giờ ăn trưa cho em ăn cùng với các anh chị trong lớp.

Cô Nhớ tận tụy chăm sóc, thương yêu học sinh như con.

Cuối chiều, khi phụ huynh đón con xong, cô Nhớ lại căm cụi dọn dẹp lớp học, chuẩn bị bữa cơm tối cho mấy cô trò. Cô ăn gì trò ăn nấy. Những món quen thuộc như lạc, trứng, cá khô cô mang vào từ chiều chủ nhật. Khi thì bó rau hay mấy cây măng được phụ huynh mang cho. Ăn xong thì cô lại phải lo tắm rửa, giặt giũ cho từng đứa.

Do bản chưa có điện, mấy cô trò phải dùng pin mặt trời thắp sáng. Pin cũ, dùng lâu ngày nên bị hư hao, cũng chỉ nhập nhòe được chừng 2 tiếng là tắt. Thế nên, nhiều hôm cô và trò phải ăn cơm, ôn bài, soạn giáo án bằng đèn dầu. Cứ thế, công việc của cô Nhớ diễn ra lặp đi lặp lại, ngày nọ nối tiếp ngày kia, gần như kín mít. Nhiều khi cô còn chả có thời gian để soi gương xem béo hay gầy …

Trong 25 học trò, cô Nhớ hiểu rõ tính nết, sở trường của từng em. Cũng may, phần lớn các em tự lập. Đứa nào cũng ngoan ngoãn, biết nghe lời và thương cô giáo, không mấy khi phải quát mắng hay dùng đến roi vọt.

Cô Nhớ kể: “Rất ít khi tôi phải đánh thức các con dậy. Thường thì tôi dậy là các con cũng dậy theo. Các em lớn còn biết phụ cô giáo gấp chăn màn, dọn đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Đến bữa ăn thì biết lấy bát, lấy ghế...”.

Nhanh nhẹn, hoạt bát và được xem là “chị cả” của nhóm, giúp cô được nhiều việc nhất là Thào Thị Sơ (5 tuổi). Sơ khi thì phụ cô nhặt rau nấu cơm, lúc các bạn mải chơi thì thay cô đi gọi các bạn về tắm rửa, ăn cơm. Có phần nhút nhát ít giao tiếp khi mới đến lớp là 2 anh em Lý A Anh (3 tuổi) và Lý A Suynh (4 tuổi). Hai anh em lúc nào cũng quấn lấy nhau, từ lúc ăn, lúc chơi cho đến ngồi học bài. Đến nay, Lý A Anh đã mạnh dạn chơi đùa cùng các bạn, không còn khóc vì nhớ nhà.

“Ở chung với cô giáo và các bạn, các con không chỉ tiến bộ trong học tập mà còn tự lập, mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp. Có tuần vì bố mẹ bận chưa kịp đưa đến lớp, do nhớ cô giáo và các bạn, Thào Thị Sơ đã 1 mình đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ đường rừng từ Huổi Vén để đến trường”- cô Nhớ tâm sự.

Dù chỉ có nắm rau, hay cây măng người dân cũng chia sẻ với cô giáo.

Mỗi lúc các con ngủ cũng là lúc cô Nhớ có thời gian quan tâm đến gia đình nhỏ của mình. Cô thường đi bộ lên đỉnh đồi để “hứng” sóng điện thoại gọi về hỏi thăm chồng, con. “Có lần con ốm, nhưng bận việc nên tối muộn tôi mới gọi về nhà được, lúc ấy các con đã ngủ. Nhớ con muốn nói chuyện nhưng không lỡ đánh thức chúng dậy... Những lúc như thế chỉ biết gạt nước mắt, tự dặn lòng để cuối tuần sẽ về thăm con. Nhưng điều kiện đường sá vùng cao, đâu phải muốn về là về được, mặc dù điểm trường cách nhà hơn 30km nhưng có dịp phải hơn 1 tháng mới về thăm chồng con được một lần. Nhất là vào mùa mưa đường về nhà lại càng xa…”- cô Nhớ tâm sự.

Nặng lòng với vùng cao

Chục năm miệt mài “cõng chữ lên non”, điều mà cô giáo Lèng Thị Nhớ luôn đau đáu trong lòng đó là cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn quá nghèo khổ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Cô Nhớ bảo: “Muốn giúp họ thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi những hủ tục lạc hậu, thì phải đưa ánh sáng tri thức đến với họ, mà đầu tiên phải là cái chữ. Chỉ có biết chữ, có kiến thức, đồng bào dân tộc nơi đây mới có thể tự mình vươn lên trong cuộc sống…”.

Với tình thương dành cho con em đồng bào, người dân Huổi Púng, đã coi cô giáo Nhớ như người con, anh em ruột thịt trong nhà. Nhiều gia đình có công to việc lớn hay chỉ là mổ con gà, đều mời cô giáo đến nhà ăn cơm.

Ông Lý A Nhà, người già, có uy tín của bản thường xuyên giúp đỡ cô giáo và học sinh. Khi thì rào vườn rau, lúc thì đi lên đầu nguồn kiểm tra nguồn nước… Ông Nhà bảo: “Huổi Púng cảm ơn cô giáo Nhớ nhiều lắm! Nhờ có cô giáo về bản dạy cái chữ mà con em trong bản mình không bị thất học, không bị mù chữ. Trẻ con đứa nào cũng biết nói tiếng phổ thông, gặp người lớn, người già biết chào hỏi lễ phép. Cô giáo ở một thân một mình lại nuôi thêm 5 đứa trẻ, bà con trong bản ai cũng thương cô giáo nhiều, nhưng không có gì để cho cả. Thỉnh thoảng có nắm rau rừng, cây măng đắng hay cây mía đem cho cô giáo thôi. Như nhà mình hôm nào mổ con gà hoặc đi suối bắt được con cá to, đều mời cô giáo và các cháu sang nhà ăn cơm”.

Một giờ học của cô và trò tại điểm trường Mầm non Huổi Púng.

Kiên trì bám trường, bám lớp, gắn bó với học trò và đồng bào vùng cao, “tài sản” lớn nhất của những thầy cô giáo “cắm bản” như cô Nhớ là lớp lớp các thế hệ học trò trưởng thành và ngày một lớn khôn. Trong số đó, có người giờ là trưởng bản trẻ nhất huyện Nậm Pồ. Đó là Lù A Vảng (SN 2000), có trình độ cao đẳng, hiện là Trưởng bản Huổi Púng, xã Pa Tần.

Nói về cô giáo Lèng Thị Nhớ, cô Lò Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Tần cho biết: “Cô Nhớ là giáo viên trẻ tâm huyết với nghề, có tình yêu với trẻ. Có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và thiết kế đồ dùng học tập. Ngoài công việc giảng dạy chính, cô Nhớ còn nuôi 5 em học sinh cùng ăn, ở tại điểm trường. Phụ huynh khó khăn chỉ hỗ trợ được vài cân gạo, 1 bó củi/tháng, ngoài ra thi thoảng thì có quả bí, hay cây măng... Mọi sinh hoạt của 6 cô, trò đều phụ thuộc vào cô giáo. Trong khi đó gia đình cô Nhớ cũng khó khăn, 2 con nhỏ, chồng không có việc làm ổn định. Dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Nhớ rất gắn bó và tâm huyết với nghề. Cách đây mấy tháng (tháng 12/2020) cô Nhớ bị một trận đau bụng “thập tử nhất sinh” 2 giờ đêm cấp cứu đi viện. Ra đến phòng khám Đa khoa khu vực Ba Chà đã 6 giờ sáng, phải nằm điều trị hơn 1 tuần. Vậy mà, sau khi xuất viện cô Nhớ xin quay lại điểm trường luôn để tiếp tục công việc. Với thành tích nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; cô Nhớ là tấm gương sáng cho cán bộ, giáo viên nhà trường noi theo”.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/188339/me-hien-noi-thung-lung-huoi-pung