Máy tráng bánh made in... Ba Phận

Xuất thân từ gia đình nông dân tại vùng đất thép Củ Chi (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP HCM), anh Lâm Văn Phận (còn gọi Ba Phận) quá thấu hiểu những khó khăn của người nông dân nhất là người làm bánh tráng. Trăn trở làm sao để sản xuất được máy tráng bánh với giá thành hạ, chất lượng tốt để người nông dân đỡ vất vả luôn thôi thúc trong lòng và anh đã thành công sau nhiều năm trời mò mẫm.

Nhà sáng chế hai lúa Ba Phận Ý tưởng từ máy... hủ tiếu Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông đã có hơn trăm năm tuổi, đôi lúc tưởng như nghề làm bánh tráng truyền thống đã mai một, nhưng kể từ khi có máy tráng bánh “made in Ba Phận” giá rẻ, dường như nó đã phát triển mạnh hơn. Với 5.300 hộ dân và hơn 22.000 nhân khẩu, lúc cao điểm có 1.700 lò tráng bánh thủ công với hơn 5.000 lao động. Từ nhỏ, chứng kiến những người mẹ, người chị thức khuya dậy sớm, tráng bánh bằng tay khiến Ba Phận luôn trăn trở “làm sao sản xuất bánh tráng tự động để các mẹ, các chị đỡ cực nhọc”; nhất là từ năm 2001, nghề tráng bánh tráng Phú Hòa Đông phát triển mạnh vì xuất khẩu được ra nước ngoài. Khi đó cũng đã có máy tráng bánh hiện đại nhập về từ Thái Lan nhưng cả huyện Củ Chi chỉ có vài ba cái với giá “trên trời”, đến hơn 1 tỷ đồng! Sau đó Trường ĐH bách Khoa TPHCM cũng cải tiến từ mô hình máy của Thái Lan nhưng giá vẫn hơn 500 triệu - một con số mà ít nông dân có đủ khả năng. Năm 2002, Ba Phận tình cờ được em gái nhờ sửa chiếc máy làm hủ tiếu. Anh kể: Trong quá trình sửa máy, tôi phát hiện quy trình làm hủ tiếu cũng tương tự làm bánh tráng, chỉ khác ở công đoạn cuối từ đó tôi có ý tưởng làm máy tráng bánh. Ban đầu, tôi mua một chiếc máy tráng bánh cũ ở Chợ Lớn, sẵn có nghề điện trong tay, mỗi lần máy trục trặc tôi sửa chữa và cải tiến thêm và nắm được nguyên lý vận hành. Sau đó suốt ngày tôi mày mò tìm hiểu chiếc máy của Thái Lan, và của ĐH Bách Khoa rồi tự vẽ sơ đồ và tự thiết kế một chiếc máy cho riêng mình. Để có tiền làm, Ba Phận phải bán hết những gì có giá trị trong nhà, rồi hùn tiền với người anh vợ được hơn 30 triệu, đủ để làm một chiếc máy bằng sắt. Tôi làm chiếc máy đầu tiên hết hơn 2 tháng, ngần ấy thời gian ăn ngủ không yên, khi hoàn thành tôi nghĩ chắc mình sụt cỡ 7- 8 ký. Nhìn thấy chiếc máy do chính mình làm ra rục rịch chạy tôi sướng run, miệng lầm rầm khấn vái trời phật, sau đó là hồi hộp chờ đợi. Những mẻ bánh đầu tiên ra lò có độ dày mỏng không đều, bị thủng, khi sống khi chín và liếp bánh thường bị va quẹt vào khung máy. Máy tráng bánh của hai lúa Ba Phận Qua nghiên cứu tôi thấy nhược điểm là do hai con lăn chính ở hai đầu. Tôi tìm mua loại thép tốt, gia công chính xác để bảo đảm an toàn cho liếp bánh khi vận hành. Riêng các con lăn ở giữa, tôi thiết kế đường kính nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, để ổ bi và bạc đạn của máy không bị gỉ sét do nước bánh chảy vào, tôi cho dời ổ bi ra phía ngoài khung và gắn nắp chụp bọc lại... Khi thấy những liếp bánh với những chiếc bánh mỏng đều ra lò, tôi mừng không kể xiết” – Ba Phận nói. Ưu điểm vượt trội Ba Phận đã cho ra đời chiếc máy “Made in Ba Phận” với giá chỉ bằng 1/10 máy của Thái Lan và bằng 1/5 máy của ĐH Bách Khoa. Khi bán máy cho bà con sử dụng, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật đến khi họ thuần thục, anh Phận tiếp thu tất cả những góp ý của bà con về chiếc máy của mình, sau đó về nghiên cứu cải tiến, khắc phục những nhược điểm để máy ngày càng hoàn thiện hơn. Khi có thêm một chút vốn, anh đầu tư hết vào việc thay nguyên liệu sản xuất máy từ sắt sang inox để không bị gỉ sét và bánh tráng đảm bảo vệ sinh hơn. Từ mô - tơ kéo bình thường chuyển sang nhông số có thể điều chỉnh được độ dày mỏng của bột. Bánh sản xuất ra mỏng hơn và rất đều... Đến nay, qua trực tiếp dùng và cải tiến, máy tráng bánh của Ba Phận được bà con đánh giá có ưu điểm hơn hẳn máy của Thái Lan hay máy của Bách Khoa như: gọn nhẹ, bánh sản xuất ra mỏng đều, hình thức đẹp... Giá máy bán tại địa phương là 128 triệu đồng, các tỉnh xa cũng chỉ thêm 10 triệu đồng chi phí vận chuyển. Đây là mức giá cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng loại. “Nói thật với chú, tui muốn giúp đỡ bà con phát triển nghề bánh tráng chứ nếu chỉ nghĩ đến kinh doanh thôi thì giờ tui giàu dữ lắm vì với mức giá như vậy, chỉ lấy công làm lời” – Ba Phận tâm sự. Khi bán máy, anh cho nhân viên kỹ thuật đi theo lắp ráp rồi ở lại hướng dẫn đến khi nào bà con sử dụng thuần thục, hài lòng rồi mới về. Trong quá trình sử dụng, máy có trục trặc gì, gọi điện báo, anh Phận cho người xuống ngay. Những máy ở tỉnh xa, anh không xuống ngay được thì hướng dẫn qua điện thoại đến khi được thì thôi. Không chỉ tư vấn hướng dẫn về máy, anh Phận kiêm luôn việc tư vấn các quá trình sản suất bánh như chọn liếp, gạo, cách pha chế gạo bột sao cho bánh đạt chất lượng và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm để bà con an tâm đầu tư sản xuất. Ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm HTX bánh tráng Phú Hòa Đông cho biết: Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước (Co.op-Mart TPHCM tiêu thụ 3 tấn bánh tráng/tháng), bánh tráng Phú Hòa Đông còn được xuất khẩu sang thị trường các nước Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Australia, Canada… Riêng thị trường Pháp và Mỹ đã tiêu thụ 2 container/tháng. Thu nhập từ nghề bánh tráng lên khoảng hơn 60 tỷ đồng/năm. Làng nghề bánh tráng thay đổi từng ngày, và không ít tỉ phú đi lên từ lò bánh tráng. Một lãnh đạo UBND huyện Củ Chi khẳng định, trong khi hàng trăm công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn phải nghỉ làm vì thiếu đơn hàng gia công thì hàng ngàn lao động tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông vẫn có việc làm ổn định với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Hiện ở Củ Chi dù có khá nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán máy tráng bánh nhưng chỉ có máy “made in Ba Phận” là bán chạy do giá rẻ, chất lượng cao, ông chủ lại không so đo tính toán thiệt hơn. Nhờ đó, chỉ riêng Củ Chi số máy Ba Phận bán ra đã lên đến con số cả ngàn. Ngoài ra, máy tráng bánh Ba Phận cũng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Tây và đang bắt đầu những hành trình xa hơn ra miền Trung và xuất khẩu qua Lào. Theo anh Phận: “Muốn sản xuất bánh tráng, phải có một khuôn viên rộng tối thiểu 3.000 m2 để đặt máy thì mới phát huy hiệu quả vì không chỉ có một cái máy mà còn nhiều thứ lỉnh kỉnh kèm theo nó nữa. Bởi thế khi bán máy cho người địa phương hay các vùng lận cận tui phải đến tận nơi để khảo sát, tư vấn cho họ. Nếu không được tui nhất định không bán máy”. Từ khi sản xuất máy tráng bánh, Ba Phận đã giúp nông dân có máy giá rẻ chất lượng cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động nên đã vinh dự đạt danh hiệu Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi 5 năm liền. Nhiều năm nay, anh Phận đã gia nhập vào HTX Làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông với mong muốn thương hiệu bánh tráng Phú Hòa Đông sẽ có mặt khắp nơi, có chỗ đứng trong nền kinh tế thị trường, để làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông ngày càng phát triển. Hiện nay, Ba Phận còn hỗ trợ vốn cho những nông dân không đủ tiền mua máy bằng cách cho trả chậm, các hộ tráng bánh không đủ tiền mua liếp, gạo anh cho vay không lấy lãi để bà con mua sắm dụng cụ sản xuất. Mỗi năm gia đình anh ủng hộ 2-3 suất học bổng cho các hộ nông dân nghèo trong ấp. “Máy làm bánh tráng tôi đã làm được, nhưng giờ tôi rất muốn làm một chiếc máy sấy bánh để giúp người dân đỡ cực hơn trong những ngày mưa, và cũng là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”- Ba Phận trăn trở.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/24/24/46068/default.aspx