Mấy nẻo hồng trần

Nó nghỉ bán vé số. Ban ngày trốn vô một địa điểm bí mật để đàn em Tám Tàn luyện cho kỹ năng phun lửa, tối là ra 'con đường ăn nhậu' khu Đông tấp nập này hành nghề. Tối nào gặp khách sộp, nó gom tiền bo được, thấy đời lên hương trong giây lát. Bởi sau mười giờ tối, Tám Tàn đã đợi sẵn một chỗ, tiền nó kiếm được chia bảy ba, có khi còn ít hơn. Cực, nhưng tính ra vẫn hơn đi bán vé số.

Con tui năm nọ, biết đâu nó cũng kêu xé họng xé hầu trong bốn bề lửa đỏ mà không ai kịp cứu. Mình làm phước là để cho kiếp sau. Chứ đời này của tui, coi như bỏ!

*

Đám cháy đó lớn, lớn hơn rất nhiều những đám cháy mà tui đã từng gặp trong đời. Những cột kèo chấp chới rụng xuống. Lửa cứ ngùn ngụt như phun từ miệng rồng. Nhà giữa ruộng đồng, xóm giềng xung quanh thưa thớt, xa lắc lơ mới thấp thoáng một nóc nhà. Gió cứ vậy mà lấn tới, bao ráp tứ bề, táp phầm phập đám cột kèo, mái lá, càng lúc càng lớn.

Người ta lôi tui ra, trước khi giàn kèo mái cuối cùng rụng xuống. Người ta nói đám cháy lớn như ngọn núi, chuột còn không chạy kịp nói chi người, ông tìm làm chi nữa!

Bây giờ có gió giao mùa, cậu nghe lạnh phải không? Nhưng tui chỉ thấy cái đêm sau đám cháy nhà lạnh nhứt. Không phải bởi nước sông tạt lên dập lửa hay gió thốc từ đồng. Mà chắc tại lòng người cũng lạnh ngắt ngơ. Lạnh như những tàn tro trôi rữa trong nước mà kiếm tìm hoài không thấy dấu tích người. Chớ người chết cháy, ít ra xương cốt cũng còn. Lửa có thể thiêu trụi căn nhà, nhưng tàn tích của một con người đâu có dễ xóa nhòa như vậy. Mà kì lạ, trong đống tro tàn đó, một khúc xương cũng không có. Tui đã chờ một phép màu nào đó xảy ra, nhiều đêm liền. Nhưng phép màu chắc cũng chỉ là chuyện hư cấu, đúng không? Giống như bây giờ, không có phép màu nào chỉ cho tui nhớ đường về nhà. Tui cũng từng có đoạn không biết mình là ai, đi đâu, làm gì, ăn gì để sống trong những cơn mê mải đó…

*

Bao nhiêu bận xông pha trong lửa, hơn ai hết, Long hiểu nỗi khốn cùng của người đàn ông ấy. Mặt Long cũng còn tàn tích của một vài đám cháy. Có hề chi, nếu những tàn tích ấy có thể đổi lấy sinh mệnh của nhiều con người.

Long nhớ như in khuôn mặt ông. Một bên má trái loang lổ những vết da cháy, mắt cũng kéo sụp che nửa tròng. Ông cười như mếu. Sao lửa không táp luôn cái mụt ruồi khổ nạn bên má phải luôn cho rồi. Ông thầy tướng số nói cái mụn ruồi đó sẽ khiến ông lao đao suốt kiếp này. Rồi ông chậc lưỡi. Chắc ý trời rồi. Trời giận ông cái gì mà nỡ thả một đám lửa xuống cướp hết vợ con ông?

1.

Dân tứ xứ ở cái bến xe này ai mà không biết mặt ông già chết vợ đó. Ổng cưu mang thằng Rồng từ lúc còn đỏ hỏn.

Nghe kể năm đó thằng nhỏ được đặt trong cái giỏ nhựa trước miếu thờ xộc xệch ngay xa lộ. Dây rún còn chưa kịp cắt, kiến bu đen. Chỗ đó, xe đường dài chạy ngày đêm không ngớt. Những vòng bánh xe luôn luôn xé gió băng về phía trước, mặc kệ những tay tài xế còn tỉnh như sáo hay hai mắt đã dính như keo. Như một nghiệt oan, người ta sợ tiếng thắng xe ken két. Kiểu gì cũng vài vòng nhang khói bay lên. Cái miếu không rõ lập từ lúc nào. Nhang khói ngườm ngợp trong những ngày đầu và giữa tháng cũng không thể cứu vớt vài sinh mệnh xấu số nào đó xẹt qua. Trong cơn mê dài, ông đi ngang đó, nghe vẳng bên tai một tiếng kêu éo éo. Miếu này không có đồ ăn, chỉ có mấy cọng nhang quắt queo tàn rữa, mấy cán thuốc lá đen ngòm, mấy chung nước đầy ứ bụi đường lẫn tàn nhang của bá tánh nào đó đã cúng kiếng. Con mèo nào ngu ngốc đến mức chui vô kiếm chác?

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Mà ủa, sao con mèo này nó trụi trơn vậy ha? Hai cái tay nhỏ xíu cục cựa trong tấm khăn mỏng lét. Chắc nó lạnh? Cái thời tiết tháng này nó ngộ lắm, sáng ra lạnh tê, trưa trưa nắng cháy, chiều chiều thì gió cứ chờn vờn, đêm cũng lại lạnh tê. Mới sáng bảnh mắt, nó lạnh là phải. Ông cởi cái áo rách, nhấc “con mèo” trụi trơn kia lên, quấn lại. Nó nhìn ông. Mắt nó nhỏ xíu mà đẹp quá. Kiểu như muốn hỏi ông là ai? Thôi, tao không trả lời đâu! Đói không, đi kiếm ăn với tao ha?

Vợ chồng chủ quán cà phê võng cặp mé xa lộ chuyên phục vụ nước nôi, thuốc lá cho cánh tài xế xe tải còn lạ gì ông già khật khùng đó nữa. Một tối, trong cơn ngáp ngủ, ông chồng thấy một bóng người liêu xiêu trước ánh đèn pha sáng quắc của xe tải đêm. Nếu không thấy cái bóng đổ xuống đường, ông chồng cũng tin một hồn ma bóng quế nào đó. Gì chứ, khổ quá phải đeo bám cái đoạn đường âm binh này cắm sào làm ăn thì hai vợ chồng phải chấp nhận thấy những thứ người khác không tin nổi. Ông chồng lật đật phóng ra mép đường, kéo cái thứ người không ra người, ngợm không ra ngợm đó vô quán mình, ấn xuống cái võng lát. Bà vợ bật bóng đèn, soi rõ ra một khuôn mặt như bện từ những sợi rơm khô. Cái thân hình quắt quéo còn lại cũng là một bó rơm khô. Khô cong chờ cháy.

Hai vợ chồng chủ quán hỏi gì ổng cũng lắc đầu. Chỉ khi bà vợ bưng tô cơm nguội cá khô ra thì ổng gật. Biết đói! Vậy mà mỗi bữa bà chủ quán nhen lửa nấu cơm là ổng chạy giựt ngược ra đường. Cháy! Cháy! Ông chủ quán ngờ rằng một đám lửa đã đốt luôn tên họ lẫn ký ức của ông. Ông chủ quán từng đọc sách và biết một người có thể mất trí nhớ tạm thời vì một cú sốc. Nhưng tới lúc nào trí nhớ mới chịu trở lại thì ông không biết, cũng không chắc. Biết đâu người đàn ông kia cũng sẽ thẳng thừng từ chối đón nhận nếu ký ức quay lại. Đâu phải ký ức nào cũng đẹp, cũng đáng để đeo mang.

Vợ chồng chủ quán chưng hửng khi ông già khệ nệ bưng cái giỏ vô nhà.

- Trời ơi! Khi không tha của nợ về chi, cha nội!

Bà vợ cạo đáy nồi cơm, ngó thằng nhỏ chu mỏ khóc éo éo trong giỏ, rồi ngó khạp gạo cạn khô, kêu trời. Ông chồng ra võng hút hết mấy điếu thuốc, biểu thôi, mần ơn thì mần cho trót, kiểu gì cũng một kiếp người!

- Rồi ông nuôi đi ha!

Bà vợ ngúng nguẩy đi vo gạo, hình như lon gạo cuối cùng.

- Xóm mình, bà biết ai mới đẻ không?

Bà vợ nín thinh. Mà rồi tiếng thằng nhỏ khóc ré nghe xé ruột gan, muốn nín thinh lâu lâu xíu cũng không đặng. Cả cái xóm ve chai gần xa lộ đó, nhà ai có bà đẻ là có dấu chân bả mò tới.

Mấy giọt sữa người dưng mà quý tựa máu đào!

Rồi ký ức cũng trở lại chào ông già một cái trong đêm mưa gió giật mái tôn đùng đùng. Thằng nhỏ khóc thét khi được đưa xuống núp gầm giường. Cột kèo rụng xuống. Quán nhỏ, quây tạm bằng mấy tấm tôn, cột kèo tràm nước mua rẻ từ vựa cừ tràm họ dạt ra. Gió ào qua một chặp là rụng rơi lả tả.

Đầu ông già không dưng nổi lửa. Gió đồng, đám cháy nhà, vợ con… trở về rõ mồn một. Nhưng cái tên ông đã cháy. Đường về nhà cũng cháy.

Chỉ thằng nhỏ này, “con mèo trụi trơn” này là còn. Trước mặt ông. Rất thật!

Nhờ nó, ông nhớ ra mình là người.

Nhớ ra mình là người thì ông chào tạm biệt hai vợ chồng chủ quán, người ơn giữa nẻo hồng trần mà đụng phải nhau. Hai vợ chồng mếu máo phẩy tay khi ông hứa chắc nịch sau này sẽ quay lại đáp đền ơn nghĩa. Ơn nghĩa gì! Hai cha con ráng sống cho tốt, là được! Nghen!

2.

Em không có tên. Ông già kêu em là Rồng, một con Rồng nhỏ. Em ước gì mình cũng là một con rồng thiệt. Có thể bay. Có thể phun lửa phun mưa. Lúc đó, Tám Tàn sẽ không kêu em là thằn lằn, cắc ké nữa anh ha!

Long quàng tay qua vai Rồng nhỏ.

- Anh cũng là Rồng nè.

- Anh bay được không? - Rồng nhỏ cắc cớ. Đoạn, nó cười nắc nẻ, nhíu mắt chờ cái lắc đầu của Long.

- Anh không bay được. Nhưng anh biết phun nước!

Thằng nhỏ trợn tròn mắt nhìn Long lạ lẫm:

- Trời đất ơi! Sao anh làm được! Giỡn chơi không!

Long bật cười:

- Thì anh là… lính cứu hỏa mà, không biết ôm vòi rồng phun nước sao đi chữa cháy được!

Rồi Long cũng sực nhớ ra điều cần hỏi:

- Sợ ba la không, Rồng nhỏ?

Thằng nhỏ tóc vàng hoe vừa hoàn hồn sau một trận móc họng cho ói mửa tới mật xanh. Sau một hồi lâu thôi cười, im lặng, nó cũng lí nhí trả lời.

- Em không sợ ba la. Chỉ sợ ba… chết! Ổng mà có chuyện gì, em biết sống sao!

Mười hai năm lăn lộn gió sương, được ông đưa đi xin bú, xin sữa hết mấy bà mẹ lam lũ trong đám “cái bang” khu gầm cầu, rồi len lỏi xóm ve chai, thằng nhỏ cũng lớn dần, nắng mưa dãi dầu vậy chứ mà khỏe re, không đau ốm. Chỉ có ông già trái gió trở trời lên cơn hen, ho sù sụ, ho tưởng đứt cuống họng mà chết mấy lần rồi.

Long gặp nó trên một góc đường sầm uất nhất của khu Đông thành phố. Dù đã được huấn luyện kỹ, thỉnh thoảng nó vẫn lơ đễnh trong lúc biểu diễn “nghệ thuật” phun lửa tại các quán ăn để kiếm tiền. Như tối nay, nó hăng hái tợp ngụm dầu hôi chuẩn bị phun lửa. Đột nhiên đứa con gái trạc tuổi nó ngồi bàn bên kia đưa miếng gà nướng lên ăn ngon lành. Miếng gà nâu bóng mỡ màng nhắc thằng nhỏ nhớ cái bụng nó trống rỗng nguyên ngày nay. Bản năng, quên mình đang ngậm dầu lửa trong miệng, nó nuốt nước miếng. Mớ dầu chạy tọt xuống bụng. May mắn là chỉ một ít, không đến nỗi phải đi bệnh viện súc ruột. Nếu phải đi bệnh viện, nó không biết ăn nói sao với ông già.

Trong cuộc đời mình, ông già không sợ trời không sợ đất, cũng không sợ chết, chỉ sợ mỗi lửa. Ông đi bán vé số, bao nhiêu tiền kiếm được đều đổ dồn vô cái bụng nó. Người nó cao lớn dần, trí khôn cũng được mở mang. Nó được theo ông bán vé số. Rồi ông đóng một ít tiền cho ông già sửa giày trong hẻm nhỏ, vài ba tháng nó cũng học được cái nghề, đóng cái thùng gỗ xách đi khắp các con đường. Nhưng giờ người ta không còn chuộng sửa giày như cách đây vài năm. Nhiều bữa đi rạc giò không có khách. Đói, mặt thằng nhỏ xanh rờn.

Bữa gặp băng Tám Tàn là một bữa nó ế chỏng chơ, phải uống trà đá miễn phí dọc đường cầm hơi. Sau đại dịch, kinh tế đi xuống, ngay cả cái nơi xa xỉ này người ta cũng bắt đầu mua sắm dè chừng, dè chừng cả với những tờ vé số may rủi. Vé số còn ế, đừng nói đến việc đánh giày. Tháng nào hú họa được chừng hai, ba ông khách chịu tuột giày ra cho nó sửa là mừng rớt nước mắt.

Tám Tàn là một gã trung niên có hình xăm rồng dữ tợn sau lưng. Gã thoắt ẩn thoắt hiện. Gã quăng chiếc giày cho nó, hất hàm biểu sửa sao cho vừa lòng thì tao mới trả tiền nghe mậy. Nó rị mọ trổ hết ngón nghề được học, mồ hôi ướt đẫm áo, chiếc giày hầm hố coi cũng được. Nhưng gã không trả tiền. Gã búng tàn xuống xuống mặt đường, lấy gót giày chà mạnh.

- Muốn tao trả tiền hả? Đâu có dễ! Nhưng chỉ cần mày biết điều, mày sẽ không bao giờ chết đói. Chọn đi.

Những lời nói của Tám Tàn cứ lởn vởn trong tai nó. Bên mái hiên, ông già nằm co ro trong chiếc mền tả tơi, hơi thở mệt nhọc. Cả năm nay ông bị thêm bệnh yếu cơ, tay chân cứ run rẩy, cầm đồ ăn rớt lên rớt xuống. Nó không đành để ông nuôi mình nữa. Giờ là lúc nó phải nuôi ông. Ông ăn có bao nhiêu, nhưng tiền thuốc thì cần nhiều. Tiền lời bán vé số nó ráng dành dụm mua thuốc cho ông hết. Tiền đánh giày lúc nào có thì nó mua cho ông hộp sữa. Nó từng mơ một đêm nào đó ngủ dậy mọi thứ sẽ khác đi. Nó với ông sẽ nằm trên giường nệm trong một căn nhà ấm áp, không phải ngủ ngồi dưới hiên những đêm mưa nữa. Nó thích ngủ là vậy. Chỉ khi ngủ mới thấy mình no đủ sung sướng bời bời. Nhưng đêm đó lời Tám Tàn khiến mắt nó mở thao láo, thi gan với những ngọn đèn cao áp.

Nó nghỉ bán vé số. Ban ngày trốn vô một địa điểm bí mật để đàn em Tám Tàn luyện cho kỹ năng phun lửa, tối là ra “con đường ăn nhậu” khu Đông tấp nập này hành nghề. Tối nào gặp khách sộp, nó gom tiền bo được, thấy đời lên hương trong giây lát. Bởi sau mười giờ tối, Tám Tàn đã đợi sẵn một chỗ, tiền nó kiếm được chia bảy ba, có khi còn ít hơn. Cực, nhưng tính ra vẫn hơn đi bán vé số.

Nhưng bữa đó ông già biết. Mũi ông thính, ngửi ra mùi dầu còn dính miệng nó. Ông la một chặp. Mày muốn chết hay mày muốn giết ba, hả con?

Thằng nhỏ mềm nhũn ra. Làm sao đây? Thời buổi kiếm miếng ăn đâu dễ. Nghề này cũng lương thiện mà. Nhưng ông già nói đúng. Biết đâu một ngày nào đó, ngọn lửa sẽ quay lại nuốt chửng nó như nuốt một con mồi. Nếu lửa không nuốt, Tám Tàn cũng nuốt nó.

Lần đầu nó thấy ba nuôi mình chảy nước mắt. Nó úp mặt vô hai đầu gối. Ước gì ông bụt có thật.

*

Rồi Long đến bên hai người, như một phép màu. Sau nhiều hồi lần khân, nó mới chịu để anh đưa vô mái ấm cô nhi viện. Nó sẽ được học chữ, học nghề, có tương lai, muốn làm gì cũng được, miễn nó cố gắng học hành, làm việc chăm chỉ, tử tế. Long hứa chắc nịch rằng sẽ lo cho ba nuôi một chỗ đàng hoàng trong viện dưỡng lão. Ở đó, ít ra ông già cũng bớt cô đơn. Người già thường sống bằng quá khứ. Còn nó, có quá khứ nào để chia sẻ với ba mình?

Nhìn Rồng nhỏ với ba nuôi chia tay nhau bịn rịn, Long thấy mắt mình xon xót. Thằng nhỏ tính ra vẫn hơn anh ở cái khoản có ông già để gọi tiếng ba. Anh chỉ khẽ gọi ba mình trong những cơn mộng mị. Nhưng thường má sẽ lay anh dậy giữa chừng. Anh chưa kịp níu tay ba mình thì ông đã biến mất cùng cơn gió xoáy, chỉ còn lại bóng hình cũng rụng rơi như những tàn tro.

*

Long không nỡ nhìn cho rõ thân hình ông, dù chỉ trong hình dung, trong tưởng tượng. Cái khuôn mặt vừa đau khổ vừa ráng tếu táo chút đỉnh cho cuộc đời bớt buồn, cái dáng đi co rúm như dấu hỏi cứ lần lữa ẩn hiện chập chờn trong những giấc ngủ đứt đoạn của anh mấy nay. Long còn nợ má một câu trả lời rằng tại sao anh nỡ bỏ má thui thủi một mình ở quê rồi xách ba lô quày quả lên phố thị. Má đâu biết cuộc đời này có mấy nẻo đường mà Long phải đi. Đi để trả lời câu hỏi của má, hay của chính mình. Cho tới bây giờ, bao nhiêu nẻo đường anh đi qua, bao nhiêu khuôn mặt người đã gặp, kiểu gì cũng có vài khuôn mặt sẽ chờn vờn trong giấc ngủ anh. Như khuôn mặt hãi hùng khi ói hết ruột gan của thằng Rồng nhỏ, như những ánh mắt thất thần trước những thứ chỉ còn là một nhúm đen bầy nhầy trong nước sau một đám cháy. Trong lúc nguy nan, người ta dễ nợ nhau một lời ơn nghĩa. Nhưng với anh, điều đó có sá gì. Và rồi khuôn mặt ông, với cái nốt ruồi khổ nạn, như một vệt ký ức nào đó đã lem luốc nay quày quả trở về.

Má dường như nghe rõ tiếng trở mình của Long trên bộ ván. Bà cũng ngồi dậy, quấn tóc, bật đèn, tụng một thời kinh khẽ khàng qua hơi thở. Nhiều năm trời, nếu không nương nhờ những niềm tin nhỏ nhoi còn sót lại, bà thậm chí còn không nhớ nổi hai má con đã trôi qua được chừng đó năm bằng cách nào.

Long nhìn những sợi tóc bạc khẽ run trên vai gầy của má. Bao nhiêu lần rồi anh định thưa với bà một chuyện, rồi lại không nỡ. Nhưng nếu anh im lặng, liệu có còn kịp, hay anh sẽ phải ôm hoài nỗi dằn vặt đeo bám trong lòng.

Viện dưỡng lão đòi hỏi phải có giấy tờ nhân thân rõ ràng của ông già.

Ông cười buồn. Cái tên nó quên tui rồi. Thôi, cậu về đi. Tui sống nay chết mai, cần gì những thứ đó nữa.

- Không, con tính hết rồi. Con còn miếng đất ở quê. Nếu ông không ngại…

- Sao cậu tốt với tui dữ vậy?

3.

Long không trả lời được câu hỏi đó. Cũng như má anh, bà chỉ nấc lên rồi khụy xuống dưới chân ông già. Trời đất ơi! Ông Thổ ơi ông Thổ! Ông đi đâu sau chừng đó năm? Xóm giềng nói ông điên rồi, chớ người tỉnh, ai lại bỏ đất đai ruộng vườn mà đi. Mà đi đâu, khi ông từ lúc lọt lòng đã là một cô nhi? Đây không phải là nơi ông hứa hẹn sẽ bên má con tui mãi mãi là gì? Ông đi đâu mà má con tui đi kiếm cùng trời cuối đất không ra?

Ông chết lặng. Ờ, mình là Thổ. Thằng Thổ mồ côi rồi gió thổi tới đồng bằng năm nào đây mà! Còn đây, những khuôn mặt này, vì ngỡ đã mất nhau nên ông mới hóa điên hóa dại.

Năm đó, sau chuyến cửu vạn về, căn nhà chào đón ông bằng một đám cháy. Bà ngoại qua đời đột ngột, má đưa Long về quê chịu tang ngoại mấy ngày trước đó mà không kịp nhắn nhủ hàng xóm. Bà cũng đâu ngờ ông trở về sớm hơn dự định. Chuyến cửu vạn theo ghe đi “ăn hàng” lúa gạo thường cả tháng ròng mới xong. Cái thời còn khó khăn đó, nhà lại giữa đồng, làm gì có điện thoại để hú họa gọi nhau. Vậy mới nên cớ sự.

Ông thôi nguyền rủa đám cháy không thiêu luôn mụn ruồi khổ nạn. Nhờ nó mà vợ ông mới nhận ra mình.

Gọi tiếng ba, Long mừng mừng tủi tủi. Nhiều lần trong giấc mơ, ba về lần nào cũng là một cơn gió xoáy vần vũ cùng những muội tro, đen ngòm.

Cơn gió xoáy ấy cũng là hình ảnh cuối cùng má con anh còn nhìn thấy được trên mảnh đất quê, nơi căn nhà đã bị đám lửa nuốt chửng.

*

Long không ngại ngùng khi ba rờ rẫm những mảng da cháy sém trên mặt anh.

- Đúng là một con rồng dũng cảm của ta! Một con rồng biển, lúc nào cũng muốn vẫy vùng!

Từ ngày ba về, má thôi không thở dài mỗi bận Long trở lên thành phố. Ngày trước, khi thằng con trai duy nhất quyết gắn mình với nghề cứu hỏa, má như có lửa đốt từ ruột gan đốt ra. Long ôm má dỗ dành. Má quên con là Hải Long à! Rồng biển đó, má sợ gì!

Long đưa ba đi trích lục giấy tờ, làm lại thẻ căn cước. Xe ngang qua bờ đê hun hút gió đồng. Không dưng ông nhớ cái ngày ông xách thằng Rồng nhỏ về nuôi trong cơn mê mải. Cái thời tiết tháng này nó ngộ lắm, sáng ra lạnh tê, trưa trưa nắng cháy, chiều chiều thì gió cứ chờn vờn, đêm cũng lại lạnh tê. Xe cộ chạy ngoài đường nhiều hơn, ngó bộ mọi thứ rộn ràng hơn. Trong cơn phấn khích, ông nói Long cho ba đi thăm thằng Rồng nhỏ nghen con! Long cười:

- Thăm chi ba! Mai con đón nó về đây luôn rồi, anh em có nhau!

Ông Thổ chảy nước mắt. Ờ, ông với thằng Rồng nhỏ cùng phận côi cút như nhau, đụng nhau trên mấy nẻo hồng trần, rồi neo đậu chốn này nhờ cái tình thương vô điều kiện của vợ con ông. Rồi ông cũng giận mình chút đỉnh. Sao hai người ông thương yêu hết mực, lại có lúc ông không nhớ nổi khuôn mặt họ vậy cà? Mà thôi, giờ thì nên vui chứ hả? Nhìn má thằng Long kìa, bả đang phơi cái mền chỉ rồng mới mua, loại mền mà năm xưa ông thích nhất. Rồi bả lọ mọ lặt lá mai. Ờ, nay rằm Chạp rồi còn gì.

Nhớ vậy, ông thót cái rột khỏi xe Long.

- Má thằng Long ơi, chờ tui với!

“Má thằng Long” ngoảnh ra cười. Bộ thèm lặt lá mai lắm hả? Ông vô đây, lá mai còn nhóc!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/may-neo-hong-tran-i721452/