Máy móc, phản tác dụng

Phần thi mô phỏng 120 tình huống nguy hiểm trên máy tính trong sát hạch cấp giấy phép lái xe đã liên tục bị phản đối trong suốt thời gian áp dụng. Thế nhưng, Bộ GTVT vẫn bắt buộc người dân phải thực hiện một cách máy móc.

Việc nâng cao chất lượng giáo trình đào tạo, truyền tải kiến thức đa dạng cho người học lái xe là rất cần thiết. Nhưng không phải bài học, bài thi nào cũng mang lại tác dụng như mong muốn. Đặc biệt phần thi bắt buộc xử lý 120 tình huống nguy hiểm trên máy tính đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đông đảo người dân.

Việc ngồi canh từng giây để bấm phím máy tính, trông chờ vào may rủi đã khiến hàng nghìn thí sinh thi trượt một cách đáng tiếc. Mà đáng nói hơn, sau phần học và thi mô phỏng này, thí sinh không thu lại được kiến thức gì ngoài những mẹo mực đối phó để thi qua được truyền miệng nhau.

Một nội dung học và thi phản tác dụng nhưng được đại diện Bộ GTVT khẳng định là “nhiều nước trên thế giới đã áp dụng”. Liệu có nên bắt chước theo một cách máy móc, gây khó dễ cho người dân, làm lãng phí tốn kém thêm thời gian, tiền bạc của người dân hay không? Vì sao một phần thi gây khó chịu như vậy mà Bộ GTVT vẫn một mực bảo lưu quan điểm phải áp dụng?

Trong một động thái khác, cũng đại diện Bộ GTVT cho biết, việc triển khai thêm phần thi mô phỏng 120 tình huống nguy hiểm là theo quy định của Chính phủ. Vậy cơ quan nào tham mưu cho Chính phủ? Liệu có phải đại diện Bộ GTVT đang muốn đá quả bóng trách nhiệm lên cấp cao nhất để né tránh áp lực?

Đến nay, Bộ GTVT lại khẳng định đã sửa đổi phần mềm, cho áp dụng thi từ đầu tháng 2 tới. Chưa biết sau khi sửa đổi, phần mềm sát hạch mô phỏng 120 tình huống nguy hiểm có bớt gây khó cho dân hơn không, chỉ biết động thái này khiến bao người ngao ngán.

Nếu phần mềm này cần sửa đổi nghĩa là Bộ đã nhận thức rõ những bất cập nó mang lại, vậy trách nhiệm của Bộ đối với những người thi trượt do lỗi của phần mềm sẽ như thế nào? Và nếu sau khi sửa đổi, phần mềm đó vẫn tiếp tục gây rủi ro cho người thi, Bộ có thấy dở mà bỏ không, hay tiếp tục sửa đi sửa lại mặc sức cho người dân vật lộn với phần thi “trời ơi” này?

Không chỉ người dân, các chuyên gia, người có nghề, Sở GTVT nhiều địa phương cũng đã lên tiếng chỉ ra bất cập của phần thi mô phỏng. Thiết nghĩ một quy định, một phần thi chẳng những không mang đến hiệu quả, kiến thức mà còn tồn tại nhiều bất cập, rủi ro thí sinh như thế, được nhận diện rõ những sai lầm như thế, cần được tạm dừng ngay để bảo đảm quyền lợi cho người dân, bởi đó mới là điều quan trọng nhất.

Sau khi tạm dừng, xem xét, điều chỉnh lại như thế nào, lúc ấy cơ quan chức năng mới tập trung nghiên cứu kỹ càng, tỉ mỉ. Không thể vừa bắt người dân phải tự ứng phó rủi ro do máy móc mang đến, vừa “ung dung” xem xét được.

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/may-moc-phan-tac-dung.html