Máy bay quân sự gặp sự cố: Quá đau xót

Các sự cố với máy bay quân sự hiện nay đều rơi vào các dòng máy bay huấn luyện, gây ra các thiệt hại cả về vật chất, lẫn con người.

Ngày 18/10, chiếc máy bay EC130 T2 của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, số hiệu 8632EC130T2 thực hiện bay huấn luyện gặp sự cố và rơi trên núi Dinh (Huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu). Sự cố mất mát nhiều hơn với sự ra đi của 3 chiến sĩ, gồm 1 giáo viên và 2 học viên.

Trước đó không lâu, ngày 26/8, sau ít phút cất cánh, máy bay L39 của Trung đoàn Không quân 910 cũng gặp sự cố, lao xuống mặt Quốc lộ 1A rồi phóng xuống ruộng ở xã Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên, 1 học viên tử vong.

Ngày 14/6, trên vùng biển Thanh Hóa - Nghệ An, một máy bay tiêm kích Su-30MK2 thuộc Trung đoàn 923 cũng gặp sự cố, với sự ra đi của Thiếu tá Trần Quang Khải.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 19/10, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: "Tất cả các sự cố xảy ra trong thời gian qua đều rơi vào máy bay huấn luyện, kể cả Su-30MK2, L39, đều là những sự việc đáng tiếc cho lực lượng vũ trang.

Nơi máy bay trực thăng EC130 T2 rơi nằm tại khe núi Ba Quang thuộc núi Dinh, Vũng Tàu.

Thực ra một máy bay huấn luyện cũng có những rủi ro nhất định. Không riêng gì Việt Nam mà các nước trên thế giới đều như vậy. Nhưng càng hạn chế được các rủi ro xảy ra được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu".

Nói về nguyên nhân các sự cố, theo tướng Rinh, mặc dù đã cố gắng bảo dưỡng, kiểm tra các bộ phận máy bay trước khi cất cánh, nhưng các sự cố xảy ra trên không thường rất khó xử lý, nó gần như bất khả kháng.

"Nói gì thì nói để xảy ra những sự việc này đó là trách nhiệm thuộc về người chỉ huy, cơ quan kỹ thuật. Tôi biết các giáo trình huấn luyện luôn được hoàn thiện, để sao cho đảm bảo an toàn nhất; tuy nhiên, không thể lường trước được hết các bất trắc có thể xảy ra trên thực tế.

Dù sao, trong một thời gian ngắn liên tiếp sự cố xảy ra thì cũng cần kiểm điểm lại một cách nghiêm khắc, kịp thời hơn, đồng thời triển khai nhanh công tác cứu hộ, cứu nạn để lo hậu cần cho tốt", ông Rinh chỉ rõ.

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Trần Đình Nhã - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh Quốc hội khóa 13 cho rằng, các sự cố xảy ra chắc chắn không ai mong muốn. Bản thân ai khi được nghe những thông tin trên đều rất đau xót.

Vì những thiệt hại ở đây không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, là tính mạng của các chiến sĩ, vì thế qua đây, chúng ta phải hiện đại hóa máy bay và đào tạo các sĩ quan chính quy.

Máy bay rơi ở Phú Yên ngày 26/8

Cùng với đó, theo ông Nhã, đây đều là các máy bay trong giai đoạn thực tập, nên phải chấp nhận sự cố.

"Theo tôi, nguyên nhân cũng đều đã được nghiên cứu và chỉ rõ sau từng sự cố, thế nhưng, nói chung vẫn là khâu kiểm soát máy bay, động cơ trước khi cất cánh, dù đã làm cẩn thận nhưng chỉ cần một sơ sót nhỏ cũng dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Vì thế với các dòng máy bay hiện đại như EC130, Su 30MK2, L39 cần có sự trau dồi kiến thức, kỹ thuật để điều khiển''.

Video rơi máy bay ở Phú Yên ngày 26/8:

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/may-bay-quan-su-gap-su-co-qua-dau-xot-3321170/