Màu xanh Sơn Thủy

Những năm gần đây, người dân thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) có cuộc sống khấm khá, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên giàu có nhờ trồng rừng. Màu xanh của rừng ở Sơn Thủy thực sự là màu xanh no ấm.

Ông Tòng Càn Tá, Trưởng thôn Sơn Thủy cho biết, thôn có 118 hộ với 570 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Dao chiếm 70%. Với lợi thế hơn 540 ha đất lâm nghiệp, người dân thôn Sơn Thủy đã tận dụng phát triển kinh tế rừng. Năm 2003, gia đình ông Tá cùng 45 hộ từ xã Xuân Tiến (Na Hang) thuộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang về thôn Sơn Thủy xây dựng cuộc sống mới. Được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, cấp đất nông, lâm nghiệp, hướng dẫn trồng keo, người dân rất phấn khởi. Đến nay, hầu hết các hộ đã được thu hoạch 1 chu kỳ rừng, nhà nào ít có 5.000 m2, nhà nào nhiều có hơn 10 ha rừng. Tuy nhiên, trước đây người dân chưa quan tâm đến việc chăm sóc rừng nên năng suất không cao.

Người dân thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Người dân thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Những năm gần đây, gỗ rừng trồng có giá trị kinh tế cao, người dân Sơn Thủy đã quan tâm nâng cao chất lượng rừng trồng. Năm 2018, gần 200 ha rừng của 31 hộ dân trong thôn được cấp chứng chỉ FSC; năng suất, giá trị rừng tăng lên. Nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn mua thêm đất rừng phát triển kinh tế mang lại nguồn thu khá như hộ ông Phan Văn Quý có 21 ha rừng, ông Phan Văn Tào có 20 ha rừng, ông Phan Văn Hiên có 15 ha rừng, ông Triệu Càn Pham có 12,8 ha rừng... Đến nay, độ che phủ rừng của thôn đạt trên 80%. Hiện thôn có 30 hộ khá, giàu.

Ông Phan Văn Tào cho biết, gia đình ông là hộ đầu tiên trồng keo trong thôn từ năm 2004, đến nay gia đình ông đã thu hoạch được 2 chu kỳ keo. Những năm đầu tiên gia đình ông trồng 1,1 ha nhưng ít chăm sóc, năng suất đạt thấp, sau thu hoạch lãi 30 triệu đồng, chu kỳ tiếp theo gia đình ông trồng hơn 10 ha rừng, phương pháp trồng rừng thâm canh, áp dụng đúng kỹ thuật nên sản lượng gỗ đạt cao, bình quân mỗi ha cho thu khoảng 90 m3 gỗ. Năm 2020, gia đình ông Tào bán 3,2 ha keo 7 năm tuổi, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng. Theo tính toán, 1 ha rừng 5 năm khai thác lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng, nhưng cũng 1 ha rừng trồng gỗ lớn từ 7 - 10 năm khai thác lãi từ 75 - 80 triệu đồng. Nhận thấy trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay gia đình ông Tào trồng gần 20 ha rừng keo. Nhờ đó, ông có tiền đầu tư chăn thả 4.000 m2 ao cá, tăng thêm thu nhập.

Không chỉ hộ ông Tào mà nhiều hộ trong thôn cũng dựa vào rừng để phát triển kinh tế. Năm 2016 gia đình Giàng Seo Phừ bán 5 ha keo, có tiền ông đầu tư mua trâu, dê để phát triển kinh tế dưới tán rừng, hiện nay gia đình ông chăn nuôi 12 con dê và 6 con trâu sinh sản. Từ việc trồng rừng kết hợp chăn nuôi mà gia đình ông có của ăn, của để.

Đồng chí Đồng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, nhờ phát triển kinh tế rừng, người dân Sơn Thủy đã có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê hương mới.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/mau-xanh-son-thuy-142770.html