Màu áo lam thương yêu

Là con dân Huế, mỗi người đều có một ngôi chùa của riêng mình. Với mẹ tôi, tuổi đã ngót nghét 90, đó là ngôi chùa làng Dã Lê Thượng (Hương Thủy). Từ hơn 20 năm trước, khi con cái đã trưởng thành và yên bề gia thất, còn lại một mình mẹ tôi đi chùa và ăn chay vào dịp ngày Rằm hay mồng Một. Ngôi chùa làng nằm ven Quốc lộ 1A trở thành điểm đến và là ngôi nhà thứ hai của mẹ. Nhiều năm trước khi sức khỏe còn tốt, cả tuần trước ngày lễ Vu Lan, mẹ có mặt ở chùa, cùng với các cô chú trong khuôn hội, tất bật và vui vẻ với những công việc chuẩn bị. Giờ già yếu thật rồi, mẹ vẫn vọng nghĩ lên chùa.

Vu Lan không thể thiếu những buổi lễ “Cài bông hồng lên áo”. Ảnh: T. Hương

Cũng đã hàng chục năm nay, tôi có thói quen buổi tối đêm Rằm tháng 7 Âm lịch chở con đi một vòng dạo quanh một số ngôi chùa lớn ở Huế. Đi để vãn cảnh chùa. Đi để gặp gỡ và chuyện trò. Đi để cho con cái có được những trải nghiệm về lễ Vu Lan ở Huế, cảm nhận một vẻ đẹp văn hóa của vùng đất quê hương. Và điều mà tôi cảm nhận được là, cũng như tôi, nhiều người đang ở Huế, đi xa Huế, có những hoài niệm và tình yêu dành cho Huế đều mong chờ đến ngày Vu Lan với niềm háo hức.

Vu Lan là dịp mà đồng loạt các tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường trang hoàng cờ hoa, thỉnh chuông, tụng kinh, nhằm nhắc nhở phật tử, nhất là các thanh, thiếu niên, nhi đồng biết rõ công ơn to lớn của đấng sinh thành, dưỡng dục. Tại các chùa lớn ở Thừa Thiên Huế, hàng nghìn người dân đến cầu nguyện, thắp nén hương để bày tỏ lòng thành kính cũng như tham dự lễ Vu Lan. Tại các chùa, cơ sở thờ tự Phật giáo cũng tổ chức lễ thắp nến tri ân và cài bông hồng; tổ chức các lễ cầu siêu theo nghi lễ trang nghiêm và truyền thống của nhà Phật xứ Huế.

Vu Lan không thể thiếu những buổi lễ "Cài bông hồng lên áo", giúp phật tử dấy lên lòng kính trọng cha mẹ. Bông hồng đỏ được cài lên áo cho những ai còn cha, còn mẹ, như một lời cảm tạ, báo đáp công sinh thành vừa là lời nhắc cần phải tận hiếu khi mẹ cha còn. Bông hồng trắng cho ai đã mất mẹ, cha. Mỗi bông hồng như chất chứa tất thảy tâm tư của những người con trong dịp lễ Vu Lan. Nhắc đến bông hồng cài áo lại nhớ đến một người con xứ Huế, một bậc chân tu - thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Lễ Vu Lan trong đạo Phật trước kia không có nghi thức bông hồng cài áo. Tháng 8/1962, trong một đoản văn viết về Mẹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Và rồi, cũng chính Thiền sư đã đem hình ảnh bông hồng cài áo từ nước ngoài du nhập vào Phật giáo Việt Nam trong ngày Vu Lan một cách rất tự nhiên, từ sự đồng điệu để tôn vinh hình ảnh giản dị ấy thành một niềm tự hào, một nét văn hóa của người Việt, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng.

Sau Phật Đản (Rằm tháng Tư) là Vu Lan (Rằm tháng Bảy), 2 lễ hội Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Huế tự hào là một trong chiếc nôi của Phật giáo. Đất Cố đô hiện có trên 1.000 ngôi chùa và hầu như phường nào, làng nào cũng có chùa. Chưa có một thống kê cụ thể, song ước tính gần 80% người dân Huế theo đạo Phật. Cùng với Phật Đản, Vu Lan là dịp những cánh cửa chùa càng thêm rộng mở và Huế trở thành thành phố của màu lam - màu của sự hiền dịu, thương yêu và hòa bình.

ĐAN DUY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/mau-ao-lam-thuong-yeu-131437.html