Mất xe ở quán cà phê, ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Hỏi: Khi vào quán cà phê, tôi giao xe máy (XM) cho nhân viên (NV) bảo vệ (BV), người này nhận xe không đưa phiếu giữ, sau đó xe của tôi bị mất trộm, tôi yêu cầu nhân viên BV và chủ quán bồi thường (BT), nhưng họ chối bỏ trách nhiệm. Xin hỏi tôi có quyền yêu cầu BT chiếc xe không và mức BT tính thế nào? (Võ Tiến Dũng, quận Gò Vấp).

Trả lời: Tình trạng khách hàng (KH) mất XM khi đến quán cà phê, cửa hàng thường xuyên xảy ra, dẫn đến tranh chấp BT thiệt hại. Về mặt pháp luật, việc KH giao xe cho BV, NV quán cà phê được xem là giao dịch dân sự, thể hiện bằng lời nói, hành vi cụ thể.

Theo Điều 554 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì đây là hợp đồng gửi giữ tài sản (GGTS), là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản (TS) của bên gửi để bảo quản và trả lại chính TS đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Khi bị mất xe, trách nhiệm BT thiệt hại được giải quyết như sau:

1. Trường hợp quán cà phê không có NV giữ xe cho khách, không có NV bảo vệ hướng dẫn khách đậu xe hoặc có thông báo về việc không nhận trông giữ xe trong thời gian khách ở tại quán thì giữa KH và quán cà phê không tồn tại thỏa thuận GGTS, chủ quán không có nghĩa vụ phải trông xe cho khách. Do đó, nếu mất xe, chủ quán không phải chịu trách nhiệm BT.

2. Trường hợp quán có thẻ xe, có người trông giữ xe cho KH là 2 bên có thỏa thuận GGTS. Theo khoản 2 Điều 556 BLDS, KH là người GGTS có quyền "yêu cầu BT thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng TS gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng". Đồng thời, khoản 4 Điều 557 BLDS cũng quy định bên giữ TS (chủ quán cà phê) có nghĩa vụ "phải BT thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng TS gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng".

Các bên có quyền thỏa thuận với nhau về mức BT thiệt hại dựa vào giá trị của chiếc xe bị mất. Cách tính giá trị xe còn lại được quy định như sau: giá trị còn lại của xe cũ = giá xe mới x % chất lượng còn lại, trong đó TS mới = 100%; thời gian đã sử dụng (SD) trong 1 năm = 90%, thời gian đã SD từ trên 1 đến 3 năm = 70%, thời gian đã SD từ trên 3 đến 6 năm = 50%, thời gian đã SD từ trên 6 đến 10 năm = 30%, thời gian đã SD trên 10 năm = 20%.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh giữa bạn và NV quán cà phê có giao kết GGTS thì bạn có quyền yêu cầu chủ quán BT thiệt hại. Hai bên có thể thương lượng về mức BT, trường hợp không thương lượng được thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chủ quán cà phê BT thiệt hại.

Luật gia ĐẶNG THU HIỀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/mat-xe-o-quan-ca-phe-ai-chiu-trach-nhiem-boi-thuong_161412.html