Mặt trái của mạng xã hội

Những mạng xã hội tên tuổi có nguồn gốc nước ngoài như Facebook, Twitter, YouTube… liên tục có những thông tin làm sai lệch chuẩn thuần phong mỹ tục và thậm chí vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng vẫn cứ tồn tại. Không chỉ vậy, nó còn có các hoạt động giá trị gia tăng khó kiểm soát, chí ít đã gây thất thu thuế. Đây cũng là mặt trái của công nghệ mà đến nay cơ quản lý trong nước cần có cách tiếp cận, quy hoạch và quản lý phù hợp hơn.

Quá dễ dãi

Ngồi trước máy vi tính có kết nối Intrenet, không gì dễ hơn khi đăng ký và tham gia Facebook, YouTube, Twitter, Yahoo! Trên đó, người truy cập tìm được khá nhiều bạn bè và những thông tin thú vị. Tuy nhiên, thông tin sai lệch chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục và thậm chí vi phạm pháp luật Việt Nam cũng nhiều vô kể.

Vài phút lướt qua YouTube, có đến hàng trăm video clip với nội dung bôi xấu, xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam. Xem xong video clip này, video clip khác liền xuất hiện và hình ảnh của các video clip này đầy màu sắc phản động. Còn trên Facebook, những bình luận thiếu tinh thần xây dựng và thậm chí vô văn hóa về một sự kiện, nhân vật nào đó là chuyện xảy ra từng giờ, từng phút.

Tuy nhiên, đáng báo động hơn, gần đây không ít thành viên của mạng xã hội này và một số trang tin điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài trở thành kênh truyền thông, kết nối liên lạc của các đối tượng có âm mưu lôi kéo, kích động người khác tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự…

Chưa hết, chủ các trang Facebook này đều có link liên kết với các trang tin điện tử của các đảng phái tự xưng ở nước ngoài. Ở đây cần thấy rõ, với những tính năng ưu việt chia sẻ liên kết trên các mạng xã hội nói chung hay Facebook thì sự lây lan rất nhanh, được tính bằng giây. Hơn nữa, với sự phát triển như vũ bão của các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng cùng các kết nối không dây như 3G, Wifi, tốc độ cập nhật, lây lan càng nhanh và cơ động hơn nhiều so với máy vi tính truyền thống.

Có thể thấy rõ, những người tham gia cuộc bạo động đường phố tháng 8 vừa qua ở Anh, những cuộc xuống đường “chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ trong tháng 10, tháng 11 đều sử dụng Facebook, Twitter... như một công cụ để tập hợp, lôi kéo.

Cần quy hoạch tốt hơn

Trước những bước phát triển quá nhanh của Intrenet, làn sóng thông tin không biên giới ồ ạt chảy vào Việt Nam, đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như Nghị định số 97 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet; Nghị định 28 quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet...

Các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã có tác dụng rõ ràng với các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia hoạt động trên lĩnh vực có liên quan đến Internet. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa kiểm soát hiệu quả nên các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài vẫn tồn tại, xuất hiện tại Việt Nam. Minh chứng là các trang thông tin điện tử nước ngoài có nội dung độc hại, các mạng xã hội có nội dung bôi xấu, lôi kéo vẫn tồn tại đầy rẫy trên xa lộ Internet.

Mới đây nhất, tại TPHCM, Bộ TT-TT tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định 97 về quản lý Internet đồng thời lấy ý kiến để xây dựng nghị định mới. Hội nghị khá quy mô, bàn luận về nhiều vấn đề nhưng cũng thấy rõ hội nghị rất ít đề cập đến vấn đề tiếp cận, quy hoạch hay quản lý các thông tin xấu trên các mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài.

Khi nhiều đại biểu đặt vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng mới cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia nhập WTO, có những việc mà ta đã nhìn thấy nhưng vấn đề là phải làm sao cho các mạng xã hội của Việt Nam mạnh lên, đẩy lùi các mạng xã hội nước ngoài có nội dung xấu. Chúng ta cũng cần phải có cách tiếp cận, quy hoạch và biện pháp quản lý tốt hơn với các mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài...

Mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài không chỉ gây những hậu quả ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà còn gây thất thoát thuế từ các hoạt động quảng cáo hay giá trị gia tăng trên các mạng xã hội này. Thống kê từ các tổ chức quảng cáo online cho thấy, mỗi năm các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Yahoo!, Facebook... thu từ thị trường quảng cáo nước ta hơn 40 triệu USD (chiếm hơn 60% thị phần quảng cáo online của Việt Nam) nhưng cơ quan thuế khó mà quản lý. Hay hiện nay, người dùng Việt Nam chơi game trên Facebook vẫn trả tiền bình thường thông qua hệ thống thanh toán của một số công ty cung cấp như không chịu các quy định pháp luật như doanh nghiệp trong nước.

Qua đây để thấy thêm, với cách tiếp cận, quy hoạch và quản lý các mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài như hiện nay ở nước ta khó mà kiểm soát hết những diễn biến từ nội dung đến hoạt động giá trị gia tăng. Chính vì thế, rất cần cách tiếp cận, quy hoạch tốt hơn với mạng xã hội nước ngoài song song với một chiến lược quy tụ nhiều nguồn lực, sức mạnh trong nước. Hiện nay, các mạng xã hội của Việt Nam vẫn đang tự bơi là chính, có vốn để duy trì đã là may. Nếu mạng xã hội Việt Nam không lớn mạnh, vài năm nữa, không khéo người dân Việt Nam sẽ chỉ dùng các mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài.

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2011/12/276546/