'Mật ngữ' kỳ lạ của ngôi làng tồn tại hàng thế kỷ

Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là nơi duy nhất còn lưu giữ một thứ ngôn ngữ cổ tồn tại nhiều thế kỷ qua.

Người làng Đa Chất gọi loại ngôn ngữ này là tiếng “Tõi Xưỡn” và không ai biết nó ra đời từ bao giờ. Cũng có người già nói ngôn ngữ của làng Đa Chất được lưu giữ từ thời Văn Lang - Âu Lạc và đây cũng là ngôi làng duy nhất còn giữ được tiếng cổ. Tuy nhiên, hiện không có tài liệu xác minh thông tin này, chỉ biết rằng ngôi đình làng cổ kính in đậm dấu ấn thời gian này cũng chính là nơi ra đời của thứ ngôn ngữ cổ ít người biết.

 Ông Nguyễn Ngọc Đoán khẳng định, làng Đa Chất là nơi đã lưu giữ ngôn ngữ cổ “Tõi Xưỡn” trong những thế kỷ qua

Ông Nguyễn Ngọc Đoán khẳng định, làng Đa Chất là nơi đã lưu giữ ngôn ngữ cổ “Tõi Xưỡn” trong những thế kỷ qua

Nói về nguồn gốc loại ngôn ngữ cổ của làng, ông Nguyễn Ngọc Đoán - người trông coi đình làng Đa Chất chia sẻ: “Theo thần phả của làng Đa Chất viết thì đây là nơi thờ Trung Thành Đại Vương, Tướng chỉ huy dưới thời vua Hùng thứ 18, năm 228 Trước Công nguyên. Ngài là con thứ 3 của Hào trưởng vùng sông Hồng, tên là Đào Công Bột - ông tổ của ngôn ngữ này.

Ngài là người đầu tiên phát minh ra cối xay, giúp dân làng giảm bớt gánh nặng khi làm ra hạt gạo. Từ đó, nghề làm cối được truyền từ đời này sang đời khác, các thợ làm nghề muốn giữ gìn những bí quyết riêng nên đã sáng tạo ra ngôn ngữ bây giờ”.

Ông Đoán lý giải, ban đầu những tiếng lóng được các thợ cối tạo ra và sử dụng để nhắc nhở nhau trong cách sinh hoạt, ăn mặc,… Lâu dần những từ ngữ đó được sử dụng trong công việc, trao đổi thông tin, bàn bạc giá cả, bí quyết làm nghề.

Để giúp hiểu rõ loại ngôn ngữ cổ này ông Đoán lấy ví dụ khi người thợ phụ làm sai, thợ cả sẽ nhắc: "Xảo xấn táo rồi, bệt ngáo kìa" (Anh làm lỗi rồi, nhà chủ trông thấy kia kìa), hay “Xảo sởn quần ớt, quất ông lông đi” (Đi chặt tre, bổ củi đi).

Có rất nhiều câu thoại khác nhau nhưng nhìn chung, tiếng lóng của làng Đa Chất được dùng với mục đích chủ yếu là trao đổi thông tin giữa những người trong làng, đảm bảo giữ bí mật với người ngoài.

Cối xay tre ra đời dưới bàn tay sáng tạo của người dân làng Đa Chất và góp phần trong việc tạo ra loại ngôn ngữ cổ

Cối xay tre ra đời dưới bàn tay sáng tạo của người dân làng Đa Chất và góp phần trong việc tạo ra loại ngôn ngữ cổ

Dựa theo thứ ngôn ngữ từ xa xưa ấy, dân làng Đa Chất đã cải biên và truyền miệng nhau tạo nên thứ ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Tiếng lóng Đa Chất có 3 đặc trưng lớn là nói nhanh, không thể biến thành ngôn ngữ văn học và chỉ học được qua tình huống cụ thể.

Về sau người làng Đa Chất thường nói tiếng lóng thường xen vào trong câu tiếng Việt, khiến người nghe không thể thích ứng và nắm bắt.

“Phải có người phiên dịch mới hiểu được hoặc phải nghe họ nói, rồi dựa vào hành động để đoán”, bà Lê Thị Lũy - người làng Đa Chất cho biết.

Theo chia sẻ của những người già ở làng Đa Chất, thứ ngôn ngữ cổ này được lưu truyền theo phương thức truyền miệng vì hiện vẫn chưa có hệ thống văn bản chữ viết hoàn chỉnh. Cách phát âm, phiên âm mới được ghi lại gần đây trong cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của hai tác giả Chu Huy và Nguyễn Dần. Nó là sự kết hợp của chữ quốc ngữ phổ thông và Hán Việt, song ngôn ngữ này rất giàu từ vựng, phong phú trong cách phát âm.

Nhưng theo lời kể của những người cao tuổi trong làng, điều đặc biệt hơn cả là tiếng “Tõi Xưỡn” dường như chỉ “linh nghiệm” trên mảnh đất làng Đa Chất.

“Những người ngoài làng không thể học được, dù có học thì cứ ra khỏi làng là họ lại quên. Kể cả các cô gái làng đi làm dâu xứ khác thì cũng chỉ một thời gian là không nhớ nữa”, ông Đoán cho biết thêm.

Cùng với sự phát triển của xã hội, loại ngôn ngữ cổ của làng Đa Chất đang đứng trước nguy cơ mai một rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ những nét độc đáo, kỳ bí đó mà tiếng “Tõi Xưỡn” của làng Đa Chất đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/mat-ngu-ky-la-cua-ngoi-lang-ton-tai-hang-the-ky-d168079.html