Mặt cầu Thăng Long “trám vá” lần thứ 5: Liệu có kịp “lành lặn” để đón Đại lễ?

Trải qua 5 lần “trám vá”, số tiền được chủ đầu tư bỏ ra cũng không hề ít. Nhưng kết quả vẫn ngược lại với sự trông mong của người dân cùng các cơ quan hữu quan. Giờ đây dư luận cả nước đang lo ngại liệu cây cầu huyết mạch này có “lành lặn” đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội?

Mặt cầu Thăng Long trong lần vá thứ 5 ngày 25-9-2010 với những miếng vá nham nhở Ảnh: Quỳnh Anh Cầu Thăng Long nằm trong tuyến đường huyết mạch nối Sân bay quốc tế Nội bài với trung tâm Hà Nội. Cầu có chiều dài 6.000 m, được xây dựng từ năm 1972 do chuyên gia Trung Quốc thực hiện và hoàn thành với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô vào năm 1982. Trong 2 tháng cuối năm 2009, cầu Thăng Long được sửa chữa với công nghệ lớp phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polymer (SMA). Theo đánh giá và nhận định của chủ đầu tư và đơn vị thi công “đây là công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu mới được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc”. Nhưng “công nghệ hiện đại” ấy chỉ sau 2 tháng đã rạn nứt, hư hỏng cục bộ. Ngày 18-9-2010, Bộ Giao thông - Vận tải đã có kết luận chính thức về sự cố “nứt mặt cầu Thăng Long” với nguyên nhân, thời tiết biến động bất thường khiến bê tông nhựa SMA không dính bám được với lớp chống thấm dẫn đến nứt mặt cầu. Về phía cơ quan chức năng, sau một thời gian thanh tra, tìm hiểu nguyên nhân, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, một số thời điểm thi công mặt cầu Thăng Long có nhiệt độ thấp, cộng với gió mạnh làm cho nhiệt độ của một số mẻ bê tông nhựa SMA hạ thấp nhanh hơn dự kiến. Mặt khác, tại thời điểm thi công ban đêm có sương mù đậm đặc, mưa nhỏ gây khó khăn cho việc khống chế độ ẩm nên không tạo được dính bám giữa lớp SMA và lớp chống thấm Eliminator. Bộ này cũng nhận định, độ rung, độ bằng phẳng của mặt cầu do vừa thi công vừa khai thác, sự biến dạng của bản thép mặt cầu sau 20 năm khai thác cũng như việc chưa có kinh nghiệm trong thiết kế, thi công, giám sát chất lượng công nghệ mới đã ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, dẫn tới không đảm bảo tính dính bám, hình thành các vết nứt. Khi kết luận của Bộ Giao thông - Vận tải khiến dư luận “chưa thực sự thuyết phục” thì mặt cầu Thăng Long lại bước sang phần trám vá thứ 5 với những cách thức... như những lần trước. Ngay trong đêm ngày 24-9-2010, chủ đầu tư và đơn vị thi công mặt cầu Thăng Long đã bóc mặt cầu để sửa chữa. Ngày 25-9-2010, nhiều vị trí bị hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long đã được vá lại. Cụ thể, phía làn đường từ Hà Nội-Nội Bài có 4 miếng vá lớn và nhiều vị trí vá nhỏ với diện tích từ 20-40 m2. Theo xác nhận của đại diện Bộ Giao thông - Vận tải thì đó là sự khắc phục tạm thời để chờ vật liệu nhập về rồi chữa tiếp. Nhưng điều đáng buồn, những hư hỏng cũ vẫn còn lộ ra ngay tại những miếng vá “mới”. Những miếng vá tỏ ra khá nham nhở. Đặc biệt, lớp bê tông nhựa công nghệ mới SMA cuộn dài thành từng khối vẫn nằm nguyên trên mặt cầu. Theo ông Nguyễn Văn Công, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông - Vận tải, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long là chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Và trong lần này, sẽ phải bóc và thi công bằng vật liệu nhập ngoại. Chưa biết việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần thứ 5 với “nguyên liệu nhập ngoại” có đem lại hiệu quả hay không? Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông -Vận tải việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phải hoàn thành trước ngày 1-10-2010 (tức là trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long). Thùy Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17699&menu=1482&style=1