Mất 12 năm để phóng vệ tinh đầu tiên của Việt Nam lên quỹ đạo

Ngày 19/4/2008, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 được phóng vào vũ trụ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian vào nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng bay vào quỹ đạo. Đằng sau thành công đó là 12 năm chuẩn bị với rất nhiều khó khăn.

Quá trình đàm phán khó khăn để dành vị trí

Sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1 được coi là bước đầu thực hiện giấc mơ “không gian” của Việt Nam, phát triển mở rộng, hình thành mạng lưới viễn thông đồng bộ từ hệ thống cáp quang, hệ thống vô tuyến đến hệ thống thông tin vệ tinh đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết. Vệ tinh VINASAT-1 đã giúp ngành VT-CNTT cất cánh, đưa hệ thống thông tin truyền thông Internet, phát thanh, truyền hình tới các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Bằng việc có vệ tinh VINASAT-1 trên quỹ đạo, Việt Nam sẽ có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài không còn phải phụ thuộc vào việc thuê kênh vệ tinh của nước ngoài.

Tại Hội thảo “Những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006-2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020” diễn ra hôm 30/9 vừa qua, những khó khăn trong quá trình chuẩn bị để đưa vệ tinh đầu tiên của Việt Nam (VINASAT-1) lên quỹ đạo một lần nữa đã được cục Tần số chia sẻ.

Với 20 bộ phát đáp (8 bộ ở băng tần C và 12 bộ băng Ku), Vinasat-1 phủ sóng khắp cả nước và một số quốc gia lân cận (Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanma), cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng cho các doanh nghiệp, phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, kênh thuê riêng cho thông tin di động, truyền dữ liệu cho các ngân hàng, đường truyền cho nhà cung cấp dịch vụ Internet, điện thoại vùng sâu vùng xa.... Cho tới nay, gần như toàn bộ dung lượng của Vinasat-1 đã được sử dụng hết.

Theo đó, Quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên có hạn và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ chấp nhận đăng ký theo nguyên tắc ai đến trước được đăng ký trước, người đến sau không được gây can nhiễu cho người đến trước và cũng không có luật nào buộc các nước phải có tinh thần hợp tác nên quá trình đàm phán phối hợp quỹ đạo với đối tác các nước rất khó khăn và kéo dài. Việt Nam phải thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số từ năm 1996 và phải đàm phán thỏa thuận với 27 quốc gia, trong đó có: Indonesia, Nhật Bản; Nga; Trung Quốc; Tonga; Anh; Pháp; Thái Lan…. Sau hơn 10 năm thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp, đầu năm 2008 về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh vị trí quỹ đạo 132E để sẵn sàng phóng vệ tinh VINASAT-1. Đây là nỗ lực rất lớn của Cục Tần số và VNPT - đơn vị được giao trọng trách làm chủ đầu tư và thực hiện dự án phóng vệ tinh VINASAT-1.

Để giành được tần số và vị trí quỹ đạo cho vệ tinh VINASAT-1, Việt Nam không chỉ ứng dụng mà còn trực tiếp tham gia xây dựng và đấu tranh tại các diễn đàn quốc tế để hiện thực hóa các dự án vệ tinh. Đối với băng tần C mở rộng đường xuống của VINASAT-1, khi triển khai dự án vệ tinh các chuyên gia tư vấn quốc tế khẳng định việc sử dụng rất khó khăn, kích thước anten đài trái đất lên đến 3.5m. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ mã hóa hiện đại (Turbo Code) VINASAT-1 đang cung cấp tốt dịch vụ trên băng tần C-mở rộng với đường kính anten chỉ có 2.4m. Một số vấn đề liên quan tới kỹ thuật như yêu cầu của ITU đối với băng tần đường lên của VINASAT-1 Việt Nam cũng đã mất rất nhiều công sức đấu tranh để đạt được một nghị quyết riêng.

Hồi hộp tới phút chót

Là doanh nghiệp viễn thông chủ lực của quốc gia, VNPT được Chính phủ tin tưởng giao trọng trách làm chủ đầu tư và thực hiện dự án phóng vệ tinh VINASAT-1. Do đây là một lĩnh vực mới nên trong quá trình triển khai Dự án, VNPT đã gặp không ít khó khăn.

Trước hết, đó là việc thống nhất cấu hình quả vệ tinh và băng tần giữa các Bộ ngành. Các Bộ ngành đưa ra các yêu cầu cần thiết cho nghiệp vụ của mình nhưng vệ tinh chỉ có một nên cần sự bàn bạc thống nhất để có được yêu cầu chung đối với quả vệ tinh. Tiếp đó phải kể tới quá trình đàm phát dành vị trí như đã nói phía trên.

Mặc dù mọi công tác chuẩn bị đều đã được tiến hành kỹ lưỡng song việc phóng vệ tinh là tổ hợp các công việc với công nghệ cao, sự liên kết đồng bộ chặt chẽ và cũng có thể xảy ra rủi ro. Chính vì vậy, phương án trong trường hợp phóng thất bại cũng đã được VNPT chuẩn bị sẵn sàng.

Quá trình đấu thầu quốc tế và lựa chọn đối tác thực hiện Dự án VINASAT-1 cũng phải được tiến hành vô cùng thận trọng để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro; đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật, độ tin cậy và yêu cầu về công nghệ hiện đại và giá thành hợp lý. Sau nỗ lực rất lớn của VNPT và sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT-1, các bộ, ngành liên quan, VNPT đã lựa chọn được nhà thầu tư vấn giàu kinh nghiệm Telesat Canada. Lockheed Martin Commercial Space Systems - Tập đoàn sản xuất thiết bị công nghệ vũ trụ lớn nhất của Mỹ được chọn làm nhà thầu sản xuất và Công ty Vận tải hàng không vũ trụ Châu Âu Arianespace là nhà thầu phụ đảm nhận việc phóng vệ tinh.

Mặc dù mọi công tác chuẩn bị đều đã được tiến hành kỹ lưỡng song việc phóng vệ tinh là tổ hợp các công việc với công nghệ cao, sự liên kết đồng bộ chặt chẽ và cũng có thể xảy ra rủi ro. Chính vì vậy, phương án trong trường hợp phóng thất bại cũng đã được VNPT chuẩn bị sẵn sàng. VNPT và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm Vệ tinh VINASAT với mức bảo hiểm trị giá 177 triệu USD. Đây là hai công ty bảo hiểm gốc. Phạm vi bảo hiểm là bảo hiểm những tổn thất hoặc hư hại xảy ra cho vệ tinh Viễn thông VINASAT-1 trong quá trình phóng vệ tinh và thời gian vệ tinh ở trên quỹ đạo một năm dẫn đến việc vệ tinh bị mất hoặc bị giảm sút thời gian sống hoặc năng lực cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, thông qua tập đoàn bảo hiểm MARSH (USA), với vai trò của nhà môi giới đã cùng các công ty bảo hiểm gốc dàn xếp, ký kết các hợp đồng tái bảo hiểm cho Dự án với 15 công ty quốc tế lớn trên thế giới và 7 công ty trong nước.

Từ khi chính thức công bố thời điểm phóng VINASAT-1, toàn VNPT và toàn ngành BCVT đều hồi hộp, kể cả sau khi tên lửa đẩy chính thức được phóng đi mang theo vệ tinh lên quỹ đạo. Cho tới gần 2 tháng rưỡi sau đó, khi VINASAT-1 đã an toàn tới vị trí chính xác trên quỹ đạo, đi vào hoạt động ổn định thì VNPT mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau thành công của Dự án phóng vệ tinh VINASAT-1, với mục tiêu tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông quốc gia, giữ quyền của Việt Nam trong việc sử dụng tài nguyên trên quỹ đạo, dự án VINASAT-2 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư và VNPT tiếp tục được giao làm chủ đầu tư dự án.

Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Vệ tinh VINASAT-1 được phóng vào năm 2008, như vậy tới nay đã hoạt động được hơn một nửa chặng đường trong tuổi thọ dự kiến của (15 năm). Theo quy định của ITU, sau khi vệ tinh hết hạn, quốc gia sở hữu có thể giữ quỹ đạo và tần số tối đa là 3 năm. Vì vậy, việc nghiên cứu dự án vệ tinh thay thế của VINASAT-1 cần phải bắt đầu được xem xét và kinh phí cho việc này cũng cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

T.H

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201610/mat-12-nam-de-phong-ve-tinh-dau-tien-cua-viet-nam-len-quy-dao-543350/