Mark Zuckerberg không phải chịu trách nhiệm cá nhân trong 25 vụ kiện Facebook, Instagram gây hại cho trẻ em

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, không phải chịu trách nhiệm cá nhân trong hàng tá vụ kiện cáo buộc ông che giấu công chúng rằng Facebook và Instagram gây hại cho trẻ em, theo phán quyết từ thẩm phán liên bang Mỹ.

Phán quyết mới từ thẩm phán liên bang Yvonne Gonzalez Rogers ở thành phố Oakland (bang California, Mỹ) liên quan đến hàng trăm vụ kiện cáo buộc Meta Platforms và các công ty truyền thông xã hội khác khiến trẻ em nghiện nền tảng của họ.

25 trường hợp trong số đó cố gắng buộc Mark Zuckerberg phải chịu trách nhiệm cá nhân, nói rằng nhà sáng lập Meta Platforms đã tạo ra ấn tượng sai lầm về sự an toàn của Facebook và Instagram bất chấp nhiều cảnh báo rằng chúng không phù hợp với trẻ em.

Các nguyên đơn lập luận rằng tầm vóc và vai trò to lớn của Mark Zuckerberg là "tiếng nói đáng tin cậy về mọi thứ trên Meta" đã tạo ra nghĩa vụ theo luật của một số bang để ông phải nói đầy đủ và trung thực về những rủi ro mà sản phẩm công ty gây ra cho trẻ em.

Thế nhưng, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers cho biết các nguyên đơn không thể dựa vào sự hiểu biết của Mark Zuckerberg về các sản phẩm Meta Platforms để chứng minh rằng cá nhân ông phải chịu trách nhiệm với mỗi bên kiện. Bà Yvonne Gonzalez Rogers nói: “Phán quyết như vậy sẽ tạo ra nghĩa vụ tiết lộ thông tin của bất kỳ cá nhân nào được công chúng biết đến. Tòa án sẽ không chấp nhận cách tiếp cận mới lạ như vậy ở đây”.

Meta Platforms từ chối bình luận và phủ nhận hành vi sai trái.

Hàng trăm vụ kiện đang chờ xử lý được đệ trình thay mặt cho từng trẻ em chống lại Meta Platforms và các công ty truyền thông xã hội khác, gồm Alphabet (công ty mẹ của Google và YouTube), ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và Snap (công ty điều hành Snapchat).

Các đơn kiện cho rằng trẻ em phải chịu những tổn thương về thể chất, tinh thần và cảm xúc do sử dụng mạng xã hội, gồm lo lắng, trầm cảm và thậm chí cả tự tử.

Các nguyên đơn thực hiện vụ kiện nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại và chấm dứt hoạt động mà bị cáo (các công ty truyền thông xã hội) cho là có hại. Một số tiểu bang và khu học chánh Mỹ cũng đã đệ đơn kiện Meta Platforms nhưng vẫn đang chờ xử lý.

Thẩm phán liên bang Mỹ phán quyết Mark Zuckerberg không phải chịu trách nhiệm cá nhân trong hàng tá vụ kiện cáo buộc ông che giấu công chúng rằng Facebook và Instagram gây hại cho trẻ em - Ảnh: Reuters

Hồi tháng 10.2023, 33 bang của Mỹ đã kiện Meta Platforms, cáo buộc sản phẩm của họ gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.

Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang ở thành phố Oakland, 33 bang cho biết Meta Platforms đã nhiều lần đánh lừa người dùng về những mối nguy hiểm đáng kể của các nền tảng mà họ sở hữu, đồng thời cố tình khiến trẻ nhỏ và thanh thiếu niên rơi vào tình trạng nghiện, buộc phải sử dụng mạng xã hội.

Theo đơn kiện, Meta Platforms đã khai thác các công nghệ mạnh mẽ và chưa từng có để lôi kéo, thu hút và cuối cùng là gài bẫy giới trẻ và thanh thiếu niên với động cơ lợi nhuận.

Đơn kiện cáo buộc Meta Platforms cố gắng khiến những người trẻ tuổi dành nhiều thời gian nhất có thể trên mạng xã hội, dù biết rằng não của thanh thiếu niên rất nhạy cảm với nhu cầu bấm like từ những người dùng khác với nội dung của họ.

Theo đơn kiện, Meta Platforms đã công khai phủ nhận phương tiện truyền thông xã hội của họ gây hại.

Đơn kiện có đoạn: “Meta khai thác các công nghệ mạnh mẽ, chưa từng có để lôi kéo, thu hút và cuối cùng gài bẫy thanh thiếu niên. Động cơ của họ là lợi nhuận và để tối đa hóa lợi ích tài chính, Meta liên tục đánh lừa công chúng về nguy cơ khủng khiếp của các nền tảng mạng xã hội của mình. Nó che giấu cách thức mà nền tảng này khai thác, thao túng những người dùng dễ bị tổn thương nhất là thanh thiếu niên, trẻ em”.

Vụ kiện trên yêu cầu bồi thường thiệt hại tài chính và chấm dứt các hoạt động vi phạm pháp luật của Meta Platforms.

Letitia James, Tổng chưởng lý bang New York, tuyên bố trẻ em và trẻ vị thành niên đang phải chịu mức độ sức khỏe tinh thần kém kỷ lục và các công ty mạng xã hội như Meta Platforms có lỗi.

“Meta thu lợi từ nỗi đau của trẻ khi cố tình thiết kế các nền tảng với những tính năng thao túng, khiến trẻ em nghiện nền tảng trong khi hạ thấp lòng tự trọng”, bà nói.

Rob Bonta, Tổng chưởng lý bang California, tố cáo: “Meta đã và đang làm hại trẻ em, trẻ vị thành niên của chúng ta, nuôi dưỡng sự nghiện ngập để kích thích lợi nhuận của công ty”.

Vụ kiện liên bang này là kết quả của cuộc điều tra do liên minh các tổng chưởng lý lưỡng đảng từ bang California, Florida, Kentucky, Massachusetts, Nebraska, New Jersey, Tennessee và Vermont dẫn đầu.

Trước đó, báo chí Mỹ đưa tin từ nghiên cứu riêng của Meta Platforms cho thấy bản thân công ty biết rõ về tác hại mà Instagram gây ra cho thanh thiếu niên, đặc biệt các bé gái, với sức khỏe tinh thần và hình ảnh cơ thể. Trong đó, 13,5% cô gái tuổi teen nói Instagram làm cho suy nghĩ tự tử tồi tệ hơn và 17% nói mạng xã hội này làm cho rối loạn ăn uống xấu đi.

Về phía mình, Meta Platforms tuyên bố tìm cách giúp thanh thiếu niên trực tuyến an toàn. Meta Platforms tỏ sự thất vọng rằng các bang đã chọn con đường kiện tụng thay vì hợp tác với các công ty trong toàn ngành để tạo ra các tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi cho nhiều ứng dụng mà thanh thiếu niên lựa chọn.

Mới đây, hai bộ tộc ở Mỹ đã kiện Meta, Google, TikTok và Snapchat với cáo buộc những gã khổng lồ truyền thông xã hội này góp phần vào tỉ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên bản địa bằng cách cố tình lôi kéo trẻ em vào nền tảng của họ.

Một vụ kiện được đệ trình thay mặt cho bộ tộc Spirit Lake ở bang North Dakota. Bộ tộc Indian Menominee của bang Wisconsin đệ trình vụ kiện còn lại. Các bị đơn nêu tên là Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok, YouTube cùng các công ty mẹ của họ là Meta Platforms, Snap Inc, ByteDance, Google là bị đơn.

"Xét theo lịch sử tự tử và các vấn đề về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại khu bảo tồn của chúng tôi và trên khắp Indian Country, thanh thiếu niên bản địa đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực lâu dài do các lựa chọn thiết kế cố ý, hướng đến lợi nhuận được những nền tảng truyền thông xã hội này thực hiện", Lonna Jackson-Street, Chủ tịch của Spirit Lake Nation, cho biết trong một tuyên bố cung cấp cho trang Insider.

Indian Country là một thuật ngữ bao hàm tất cả các vùng đất thuộc sở hữu của các bộ lạc thổ dân da đỏ được công nhận liên bang ở Mỹ. Nó bao gồm các khu bảo tồn, khu định cư, các khu vực được giao phó và vùng đất khác thuộc quyền sở hữu của bộ lạc.

Indian Country có ý nghĩa văn hóa và lịch sử quan trọng với các bộ lạc thổ dân da đỏ vì là nơi sinh sống, duy trì các truyền thống, thực hành văn hóa và tự trị của họ.

Đơn kiện cho biết tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên các bộ tộc tại Mỹ cao gấp 3,5 đến 4 lần so với các nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc khác, theo Trung tâm Thanh niên Mỹ bản địa.

“Số vụ tự tử và bệnh tâm thần tăng vọt tàn phá các cộng đồng bộ tộc và đẩy các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần vốn đã thiếu kinh phí trầm trọng đến bờ vực thẳm”, trích nội dung đơn kiện.

Hai vụ kiện cáo buộc tính chất gây nghiện của các nền tảng truyền thông xã hội đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ, gồm cả trẻ em trên các khu bảo tồn.

Theo hai vụ kiện, các công ty truyền thông xã hội đã "cố tình điều chỉnh thiết kế và vận hành các ứng dụng của họ để khai thác tâm lý và thần kinh học của trẻ em" và rằng những công ty này đã lợi dụng một nhóm vốn dễ bị tổn thương.

Thông qua vụ kiện, hai bộ tộc đang tìm kiếm "giải pháp công bằng để tài trợ cho giáo dục phòng ngừa, điều trị việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội quá mức và có vấn đề" cùng những yêu cầu khác.

"Đủ rồi. Cuộn trang vô tận đang định hình lại bộ não của thanh thiếu niên chúng ta. Chúng tôi yêu cầu các tập đoàn truyền thông xã hội này chịu trách nhiệm về việc cố tình tạo các tính năng nguy hiểm làm tăng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của giới trẻ trên khu bảo tồn của chúng tôi", Gena Kakkak, nữ Chủ tịch của bộ tộc Indian Menominee tuyên bố.

Trong một tuyên bố gửi tới trang Insider, José Castaneda - người phát ngôn của Google cho biết: "Cung cấp cho những người trẻ tuổi trải nghiệm an toàn hơn, lành mạnh hơn luôn là cốt lõi trong công việc của chúng tôi. Phối hợp với các chuyên gia về thanh thiếu niên, sức khỏe tâm thần và nuôi dạy con cái, chúng tôi đã xây dựng các dịch vụ và chính sách để cung cấp những người trẻ tuổi có trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi và cha mẹ có quyền kiểm soát chặt chẽ. Những cáo buộc trong hai vụ kiện này đơn giản là không đúng sự thật".

Meta, TikTok và Snapchat không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ Insider.

Bên trên là những vụ kiện đầu tiên về chứng nghiện mạng xã hội do các bộ tộc được liên bang Mỹ công nhận thực hiện, theo Robins Kaplan - công ty đã đệ trình hai vụ kiện.

"Theo cáo buộc của chúng tôi, những gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã tạo ra hàng trăm tỉ USD doanh thu, sử dụng chiến lược tăng trưởng bất chấp chi phí, điều này gây thiệt hại cho trẻ em và thanh thiếu niên bản địa và các bộ tộc quốc gia mà họ là một phần", Tim Purdon, Chủ tịch của Nhóm Luật và Chính sách Người Mỹ Bản địa của Robins Kaplan và là luật sư chính cho hai bộ tộc, cho hay.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mark-zuckerberg-khong-phai-chiu-trach-nhiem-ca-nhan-trong-25-vu-kien-facebook-instagram-gay-hai-cho-tre-em-216124.html