Mạo danh bác sĩ, bệnh viện để lừa đảo người bệnh

Mạo danh giáo sư, bác sĩ có tên tuổi ở các bệnh viện lớn để quảng cáo bán thực phẩm chức năng, bán thuốc và khám, chữa bệnh… đã trở thành phổ biến trên các trang mạng xã hội, thậm chí 'cò' còn đứng ở cổng bệnh để mời chào bệnh nhân ra phòng khám của 'bác sĩ' trong viện để thăm khám, xét nghiệm…

Trắng trợn hơn, các đối tượng còn thiết lập các trang website mạo danh bệnh viện để lôi kéo người dân, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi với thủ đoạn ngày càng ngang nhiên và tinh vi.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục thiết lập các website, facebook mạo danh Bệnh viện 108 để lôi kéo người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi. Thủ đoạn mạo danh để lừa đảo ngày càng trắng trợn, ngang nhiên và rất khó “diệt tận gốc”. Nếu không đề cao cảnh giác, người dân rất dễ “sa lưới” các đối tượng lừa đảo.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Tuấn Quận, Phụ trách Trưởng Ban Công tác xã hội, Bệnh viện 108 chúng tôi được biết, trang facebook trên là giả mạo Bệnh viện 108. Cơ sở Thẩm mỹ viện 108 số 2 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mà trang facebook này quảng cáo đã bị rút giấy phép hoạt động do tái phạm nhiều lần.

Các website giả mạo Bệnh viện 108 để quảng cáo bán thuốc, chữa bệnh.

Vào tháng 3/2021, Thẩm mỹ viện 108 đã bị UBND quận Nam Từ Liêm thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn và xử phạt 50 triệu đồng do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép. Theo giấy phép kinh doanh do UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cấp, Thẩm mỹ viện 108 chỉ được làm đẹp da không xâm lấn. Nhưng cơ sở này đã quảng cáo và thực hiện nhiều kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn như căng da mặt, dựng mũi, làm mắt… Đặc biệt, cơ sở đã lợi dụng tên tuổi của Bệnh viện 108 khiến nhiều người lầm tưởng để đánh lừa khách hàng. Được cấp phép hoạt động từ tháng 7/2020, nhưng tới khi bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn, cơ sở này đã 3 lần bị xử phạt với số tiền gần 200 triệu đồng. Bất chấp bị rút giấy phép vĩnh viễn, trang facebook này đến nay (12/8/2023) vẫn quảng cáo cắt mí, nâng cung mày, nâng mũi… với giá ưu đãi 50% cho 10 khách hàng đăng ký sớm nhất.

Hàng loạt trang fanpage mạo danh Bệnh viện 108 thời gian qua đều nhằm tiếp cận người dân chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng, làm tổn hại sức khỏe của người dân. Các thủ đoạn lừa đảo được nâng cấp liên tục: Từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu nhầm như “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108, “Bệnh viện Quân đội 108”… đến thực hiện sao chép, đăng tải trái phép các bài đăng, logo, slogan trên fanpage chính thức của Bệnh viện 108.

Tình trạng mạo danh bác sĩ, giáo sư, thầy thuốc nổi tiếng, thậm chí lãnh đạo bệnh viện bị “trộm” tên để quảng cáo bán thuốc nhằm trục lợi diễn ra trắng trợn khiến họ phải bức xúc lên tiếng. Gần đây nhất, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y phải lên tiếng trên trang cá nhân. Ông kể, trước đó ông bị mời gọi mua sản phẩm Hypercare, được quảng cáo là chữa lành đủ các loại bệnh tim mạch. Đặc biệt, đường link bán thuốc lấy tên GS Nguyễn Lân Việt nhưng ảnh là của PGS Nguyễn Lân Hiếu đang phát biểu trước Quốc hội...

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng lừa đảo này khi gần đây đã xuất hiện nhiều trang website, fanpage, tiktok, YouTube mạo danh sử dụng trái phép logo, hình ảnh, thương hiệu và đội ngũ chuyên gia của bệnh viện để quảng cáo thông tin lừa đảo, tư vấn, khám bệnh trực tuyến, bán thuốc, thực phẩm chức năng… nhằm trục lợi từ bệnh nhân. Thậm chí, có facebook lấy hình ảnh và tên của TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị.

Các bệnh viện đều cho biết, những hành vi trên là vi phạm pháp luật. Vì vậy, để ngăn chặn các hành vi này, Bệnh viện 108, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… đã thường xuyên rà soát, báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng và khuyến cáo người dân đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn, điều trị. Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiều trang facebook quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh; hoặc sử dụng bác sĩ, chuyên gia y tế để quảng cáo lừa đảo bán thuốc… có tên miền ở nước ngoài, nên việc xử lý khó khăn và mất thời gian.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/mao-danh-bac-si-benh-vien-de-lua-dao-nguoi-benh-i703643/