Mạnh tay xử lý hàng giả, hàng nhái

Nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về cách phân biệt hàng thật - hàng giả; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc tiêu hủy hàng giả. Ảnh: Mai Anh

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Ngày 14/4/2021, Đội QLTT số 2 phối hợp với Công an huyện Vĩnh Tường tiến hành kiểm tra cửa hàng Quân Nhàn tại thị trấn Thổ Tang do bà Vũ Thị Nhàn làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang bày bán 115 cuộn dây điện dân dụng nhãn hiệu Trần Phú không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú.

Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và gửi mẫu đề nghị giám định tới Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú (Hà Nội) là chủ sở hữu nhãn hiệu.

Kết quả xác nhận cho thấy, toàn bộ số dây điện trên là giả mạo, không phải do công ty sản xuất hoặc cho phép sản xuất, đồng thời, xác định trị giá tang vật vi phạm tương đương với giá thị trường của hàng thật là hơn 221 triệu đồng.

Theo Cục QLTT Vĩnh Phúc, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay có những diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý.

Tại Vĩnh Phúc chưa phát hiện tổ chức, đường dây sản xuất hàng giả, tuy nhiên, vẫn phổ biến tình trạng các đối tượng trung chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng từ nơi khác vào địa bàn tiêu thụ.

Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn trong khâu phân phối, đặc biệt, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Qua đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện một số thủ đoạn trong tiêu thụ hàng giả, hàng nhái chủ yếu như bán hàng qua các trang mạng xã hội; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh; mua bán hóa đơn, chứng từ để hợp thức hàng hóa; chia nhỏ, vận chuyển hàng giả, hàng nhái cùng nhiều mặt hàng khác…

Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng QLTT Vĩnh Phúc đã kiểm tra, phối hợp kiểm tra 351 vụ, phát hiện và xử lý 35 trường hợp vi phạm về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 390 triệu đồng; chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố hình sự 2 vụ.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái; phát tài liệu nhận biết, phân biệt hàng thật - hàng giả và tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả đối với gần 800 cơ sở kinh doanh…

Quyết liệt đấu tranh

Hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Mặc dù lực lượng QLTT đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này bởi một phần nguyên nhân do người tiêu dùng còn thiếu thông tin, kỹ năng trong việc lựa chọn hàng hóa chính hãng, đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, không ít người tiêu dùng biết mình mua phải hàng giả, hàng nhái nhưng lại “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không có động thái phù hợp để giúp cơ quan chức năng xử lý. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa có các biện pháp bảo vệ chính mình và người tiêu dùng trước các nguy cơ bị làm giả hàng hóa.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT, Cục QLTT Vĩnh Phúc đã xây dựng Kế hoạch 139 về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại truyền thống, các cơ sở hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Mặt hàng kiểm tra tập trung vào các loại hàng hóa tiêu dùng như giày dép, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm…

Duy trì hiệu quả hoạt động đường dây nóng, phân công cán bộ tiếp nhận tin báo nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và xâm phạm quyền SHTT.

Cùng với đó, Cục QLTT Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các ngành, địa phương, các doanh nghiệp thường có hàng hóa bị làm giả nhãn hiệu; đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, chủ cơ sở kinh doanh cách phân biệt hàng thật, hàng giả; cách sử dụng một số ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa; kịp thời thông tin tới lực lượng chức năng khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm SHTT.

Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh trong công tác chống hàng giả, hàng nhái; tổ chức cho người kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Phương Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/64665/manh-tay-xu-ly-hang-gia-hang-nhai.html