Mạnh tay triệt phá tội phạm buôn bán, tàng trữ pháo nổ

Theo luật sư, người nào có hành vi mua bán trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Buôn bán hàng cấm'.

Liên tiếp bắt các vụ mua, bán pháo

Ngày 19-1, CA huyện Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết vừa phối hợp với Bộ đội biên phòng cửa khẩu Trà lĩnh bắt đối tượng vận chuyển trái phép 48kg pháo hoa nổ.

Vào khoảng 21h ngày 17-1, CA huyện Trùng Khánh phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tuần tra, kiểm soát tại khu vực Cô Mười, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, phát hiện, bắt quả tang đối tượng Phương Đàm Cảnh, SN 1998, trú tại xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng về hành vi vận chuyển hàng cấm, tang vật thu giữ 48kg pháo hoa nổ nhập lậu từ Trung Quốc.

Qua điều tra, Phương Đàm Cảnh khai nhận cùng Trương Văn Dũng, SN 1998, trú tại xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh thực hiện hành vi vận chuyển 48kg pháo hoa nổ nói trên.

Các đối tượng buôn bán pháo bị tạm giữ cùng tang vật.

Trước đó, rạng sáng 15-1, tổ công tác CSCĐ, Đại đội 3, Tiểu đoàn CSCĐ số 2, Trung đoàn CSCĐ, CATP Hà Nội, do Thượng úy Lê Quang Tú làm tổ trưởng, thực hiện tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Đến khoảng 23h50, tại khu vực đường Hà Huy Tập, tổ công tác phát hiện một xe ô tô mang BKS 30E-231.65 có biểu hiện nghi vấn, nên chặn dừng để kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra, tổ CSCĐ phát hiện chiếc xe trên chở theo 10 bao tải, có tổng khối lượng 250 kg. Đấu tranh tại chỗ, lái xe thừa nhận toàn bộ số bao tải chứa pháo nổ, do 2 đối tượng khác thuê anh ta chở từ Bắc Ninh để “tuồn” vào Hà Nội.

Danh tính của lái xe được làm rõ là Đào Mạnh Phong, SN 1977; trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội). Tổ CSCĐ đã bàn giao đối tượng Phong và tang vật về Đội Cảnh sát Kinh tế, CA huyện Gia Lâm, Hà Nội để điều tra, mở rộng.

Từ đầu mối nói trên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CA huyện Gia Lâm đã bắt giữ 2 đối tượng: Phạm Bá Dũng, SN 1987 và Vi Hồng Giáp, SN 1984, cùng trú tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Dũng và Giáp bị bắt khi chúng lái ô tô tới điểm hẹn trước để nhận lô hàng pháo nổ.

Cũng trong ngày 15-1, tại khu vực Dốc Xây, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, tổ công tác của Phòng CSCĐ CA tỉnh do Thượng tá Lê Văn Tiên - Phó trưởng phòng làm Tổ trưởng kiểm tra xe khách giường nằm mang biển kiểm soát 15B - 038.80 đi hướng từ Hải Phòng về Thanh Hóa. Chiếc xe do anh Nguyễn Văn Đức, SN 1986, ở quận Kiến An, TP Hải Phòng điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trong khoang hành lý có 4 thùng giấy đựng 16 cuộn pháo nổ (trong đó có 9 cuộn pháo to kích thước 61 x 0,5cm và 7 cuộn pháo kích thước 50 x 0,5cm) với tổng trọng lượng khoảng 83kg.

Tổ công tác đã yêu cầu lái xe đưa phương tiện, tang vật về trụ sở Phòng CSCĐ, CA tỉnh Thanh Hóa để kiểm tra và thu giữ số pháo trên.

Bước đầu, tài xế Nguyễn Văn Đức khai đã nhận được số hàng trên từ một người phụ nữ không quen biết, gửi từ tỉnh Thái Bình về Thanh Hóa với số tiền cước là 200.000 đồng. Bản thân anh Đức không biết trong 4 thùng giấy đựng đồ vật gì, sau khi bị khám phương tiện mới biết là pháo.

Hiện các vụ việc trên đang được CQCA củng cố hồ sơ, đề nghị xác lập án điểm để xét xử các đối tượng với mục đích tuyên truyền, răn đe và phòng ngừa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Luật quy định việc sử dụng pháo như thế nào?

Trao đổi về những quy định của pháp luật trong việc sử dụng pháo, luật sư Nguyễn Hồng Thái, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ngày 27-11-2020 Chính phủ ban hành tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.

Theo quy định mới, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung nhiều hành vi mới bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo như: Nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; Nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

Nghị định 137 cũng nêu rõ, pháo hoa người dân được phép sử dụng, theo quy định (tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ-CP) là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm người dân sử dụng.

Vì vậy, nếu người dân sử dụng pháo hoa nổ thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.

Luật sư Thái cho biết thêm, tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC ngày 25-12-2008 của Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo như sau: Về tội danh: Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “buôn lậu”; Người nào có hành vi mua bán trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “buôn bán hàng cấm”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 191 về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”. Theo đó, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 6 đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Từ 40 đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Phân tích việc một số đối tượng chưa đủ 18 tuổi mua bán, tàng trữ, tự chế pháo nổ, sẽ bị xử lý thế nào? Luật sư Thái cho biết, việc xử lý hành chính các cháu ở độ tuổi chưa thành niên thì theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính...".

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tại Điều 12, tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định trong một số điều của Bộ luật này. Do đó, nếu từ đủ 16 tuổi trở lên có các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì cũng sẽ bị xử lý.

Quốc Doanh - Đức Điệp

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/manh-tay-triet-pha-toi-pham-buon-ban-tang-tru-phao-no-225064.html