Mạnh tay hơn trong phòng, chống bạo lực trẻ em từ gia đình

Phòng, chống bạo lực trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: THIÊN LÝ

Từ giữa năm 2021 đến nay, trong nước đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực trẻ em rất nghiêm trọng khiến mọi người bàng hoàng, xót xa và bất bình.

Bởi người gây bạo lực lại chính là cha, mẹ, mẹ kế, cha dượng của trẻ. Đáng lên án là những hành vi bạo lực này được thực hiện dưới sự thờ ơ, lơ là của cha mẹ ruột, người thân các bé.

Chuyện cũ nhưng nỗi đau luôn mới

Điển hình là vụ bé N.T.V.A (8 tuổi) ở phường 22, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) bị mẹ kế bạo hành, đánh đập dẫn đến tử vong. Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại một phen dậy sóng trước vụ việc bé gái 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sức khỏe rất xấu và nghi bị 9 chiếc đinh cắm vào đầu. Sau gần 2 tháng điều trị, bé Đ.N.A đã tử vong. Đáng nói, chỉ trong vòng 3 tháng mẹ ruột ở với cha dượng, bé đã nhiều lần bị nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể, vào tháng 10/2021, cháu bị ngộ độc cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Lần thứ hai, vào cuối tháng 11/2021, sau thăm khám, bác sĩ phát hiện trong bụng cháu có một chiếc đinh. Bệnh viện huyện Thạch Thất đã tiến hành chụp X-quang và rất may mắn đã lấy được đinh ra theo đường tiêu hóa. Lần thứ ba, cháu bị gãy tay.

Một vụ việc khác xảy ra hồi tháng 9/2021 ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cha đẻ bạo hành con ruột dẫn đến tử vong. Tiếp đó, vào đầu tháng 12/2021, một bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh (Kiên Giang) cũng qua đời do bị cha dượng bạo hành tàn nhẫn như: châm điếu thuốc đang cháy vào miệng, dùng kìm nhổ răng, dốc đầu mà đánh vì lý do hay tè dầm... dẫn tới bé tử vong.

Gần đây nhất, tại Quảng Nam, người cha đã nhẫn tâm ném con gái 5 tuổi của mình xuống sông khiến bé thiệt mạng. Những vụ việc kể trên là điển hình về hành vi bạo hành trẻ em từ chính người thân trong gia đình, khiến dư luận bàng hoàng, rúng động.

Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) bày tỏ: “Mỗi lần nghe báo, đài thông tin về bạo hành trẻ em, tôi lại nhói lòng. Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe. Là chuyện cũ nhưng nỗi đau luôn mới, mỗi lần nghe đến khiến lòng không khỏi xót xa”.

Nhiều giải pháp thiết thực

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực trẻ em. Đáng lên án là trẻ em bị bạo hành bởi chính những thành viên thân thuộc, gần gũi trong gia đình - môi trường đáng ra là nơi an toàn đối với trẻ. Các vụ việc có tính chất nghiêm trọng gây bức xúc lớn đối với dư luận xã hội. Riêng Phú Yên, nhiều vụ bạo lực trẻ em cũng đã xảy ra nhưng chưa có trường hợp bạo lực dẫn đến tử vong.

“Để ngăn chặn bạo lực trẻ em, trung tâm sẽ có kế hoạch tổ chức các buổi truyền thông, phân tích nguyên nhân, giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ vấn đề dẫn đến bạo lực trẻ em nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình (BLGĐ), hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng…; xây dựng đường dây nóng để trực tiếp hỗ trợ, tham vấn cho những nạn nhân bị bạo lực; kêu gọi cộng đồng lên tiếng, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực...” , bà Ái Thy cho biết. Cũng theo bà Thy, là bậc cha mẹ, hơn hết cần phải hiểu về đặc điểm tâm sinh lý ở từng độ tuổi để có những phương pháp giáo dục hay ứng xử phù hợp. Sự nóng giận, đòn roi không khiến đứa trẻ trở nên tốt hơn mà chỉ khiến tăng thêm khoảng cách, sự khủng hoảng và tâm lý tiêu cực trong mỗi đứa trẻ.

Hiện Bộ VH-TT-DL đang xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống BLGĐ, đặc biệt tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi BLGĐ với trẻ em. Bộ VH-TT-DL cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phòng chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. Bên cạnh những hoạt động về truyền thông, tập huấn về phòng chống BLGĐ, sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc BLGĐ; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng, nhất là trẻ em. Trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi), Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia để đưa các quy định về phòng chống BLGĐ với trẻ em trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích của trẻ em.

Mỗi lần nghe báo, đài thông tin về bạo hành trẻ em, tôi lại nhói lòng. Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe. Là chuyện cũ nhưng nỗi đau luôn mới, mỗi lần nghe đến khiến lòng không khỏi xót xa.

Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn, huyện Tuy An

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/272078/manh-tay-hon-trong-phong-chong-bao-luc-tre-em-tu-gia-dinh.html