Mánh khóe của tiểu thương để thịt lợn không bốc mùi

Lực lượng Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã bắt quả tang 2 tiểu thương đang có hành vi tẩm ướp hàn the vào thịt lợn, sau khi kết thúc buổi chợ sáng.

Sáng ngày 17/1, thông tin từ Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) cho biết, đơn vị vừa bắt quả tang 2 hộ tiểu thương có hành vi sử dụng chất hàn the, tẩm vào thịt lợn để bảo quản.

Hai tiểu thương gồm: bà Trần Thị Thương (52 tuổi), trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc và bà Trần Thị Hoa (52 tuổi), trú KV7, thị trấn Phú Lộc.

Trước đó, qua công tác theo dõi, kiểm tra tại chợ Cầu Hai (đóng ở thị trấn Phú Lộc), Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường, Công an huyện Phú Lộc phát hiện 2 tiểu thương trên sử dụng hàn the cho vào thịt lợn, sau khi kết thúc buổi chợ sáng.

Ảnh minh họa.

Ngay sau đó, Công an huyện Phú Lộc đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và Đội quản lý thị trường xử lý vụ việc.

Tại 2 quầy thịt này, cơ quan chức năng còn thu giữ 3,6kg hàn the, đồng thời tiến hành lấy mẫu thịt lợn để kiểm tra. Kết quả cho thấy, mẫu thịt đều dương tính với hàn the.

Hiện, Công an huyện Phú Lộc đã đề xuất Chủ tịch UBND huyện này xử phạt hành chính số tiền 80 triệu đồng, đối với 2 hộ tiểu thương trên.

Hàn the hay còn gọi là băng sa, borax... có gốc hóa học là Natritetraborat. Đây là tinh thể không màu, có vị chua và hơi đắng, có thể hòa tan được trong nước và rượu. Các nghiên cứu về y học cho thấy, nếu sử dụng nhiều hàn the sẽ có một số tác hại sau:

- Ở mức độ thấp: Sử dụng 3-5g/ngày: Kém ăn, khó chịu toàn thân.

- Ở mức độ cao: Trên 5g/ngày: Gây chậm lớn, tổn thương gan, teo tinh hoàn, giảm cân.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Nông lương thế giới (FAO) đã lên án gay gắt hành vi dùng hàn the trong chế biến thực phẩm.

Trong thực phẩm có nhiều protein như thịt, cá... lượng nước tồn tại khá lớn (65-80%) ở dạng tự do hay liên kết. Vì vậy, khi sử dụng hàn the, sự liên kết này càng bền chặt, cấu trúc protein càng vững chắc, tức là thịt có độ dai, giòn, độ đàn hồi cao hơn và có thể giữ nước ở mức tối đa nên cân nặng hơn.

Tính sát khuẩn của hàn the rất mạnh, do đó nhiều người lợi dụng tính chất này của hàn the cho vào thực phẩm để giữ được lâu mà không lo bị hư hỏng, dù không cần giữ lạnh. Chính vì vậy mà nhiều người đã lợi dụng nó một cách triệt để, để tạo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người sử dụng.

Kiều My

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/manh-khoe-cua-2-tieu-thuong-de-thit-lon-khong-boc-mui-a312883.html