'Mảnh ghép' quan trọng trong cam kết của Đức với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chuyến thăm cảng Changi của tàu khu trục Bayern là dấu hiệu của tình đoàn kết với Singapore cũng như củng cố cam kết của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sau khi di chuyển qua Biển Đông, tàu khu trục Bayern của Đức ngày 20-12 sẽ cập cảng tại căn cứ hải quân Changi và bắt đầu chuyến thăm 16 ngày tại Singapore.

Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm một tàu chiến của Đức hoạt động trong khu vực.

Tờ The Straits Times hôm 20-12 dẫn lời Đại sứ Đức tại Singapore – ông Norbert Riedel – đánh giá sự hiện diện của tàu khu trục Bayern tại khu vực có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.

Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: HẢI QUÂN ĐỨC

Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: HẢI QUÂN ĐỨC

Khía cạnh địa lý

Thứ nhất, về mặt địa lý, ông Riedel đánh giá châu Á là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới.

Một phần lớn thương mại thế giới đi qua các "động mạch xanh" quan trọng như eo biển Malacca, ông Riedel lý giải. Bên cạnh đó, Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực chính gắn với sự cạnh tranh địa chính trị và địa kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của khu vực, chính phủ Đức năm 2020 đã đưa ra chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tên gọi "Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

"Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với an ninh và thịnh vượng của Đức. Do đó, chính phủ Đức trong năm qua đã tăng cường đáng kể sự hợp tác với các quốc gia khác nhau ở khu vực này" - vị đại sứ cho hay.

Theo ông Riedel, việc triển khai tàu Bayern tới khu vực góp phần quan trọng trong vấn đề này.

“Nói một cách ẩn dụ, chúng ta không thể điều khiển gió, nhưng chúng ta có thể giương buồm đi đúng hướng” - ông Riedel nêu ý kiến.

Theo ông, các mục tiêu của “Định hướng” đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “chìa khóa” cho sứ mệnh hiện diện và huấn luyện của tàu khu trục Bayern: tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác trong khu vực và hỗ trợ các nỗ lực của Đức nhằm duy trì các quy tắc trên biển.

Hồi đầu tháng, Đức đã tái khẳng định tính phổ biến và tính ưu việt của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính toàn vẹn của Công ước như một khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động hàng hải.

“Tuy mối quan tâm của chúng tôi là toàn cầu, nhưng chúng tôi đặc biệt lo ngại trước các yêu sách hàng hải phi pháp và quá mức ở Biển Đông, cũng như sự đe dọa và ép buộc đối với các quốc gia khác ở khu vực liên quan việc khẳng định các quyền hợp pháp của họ” - ông Riedel nêu quan điểm.

Cam kết của tân chính phủ Đức đối với khu vực là không đổi

Thứ hai, việc tàu Bayern thăm cảng có ý nghĩa quan trọng khi diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi chính phủ mới của Đức nhậm chức, ông Riedel nhận định.

Theo vị đại sứ, ngay cả dưới thời lãnh đạo mới, cam kết của chính phủ liên bang đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên các quy chuẩn toàn cầu và luật pháp quốc tế vẫn không thay đổi.

“Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế” – ông Riedel nhấn mạnh.

Ông Riedel cho biết Đức sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào tháng 1-2022, theo đó sẽ nỗ lực tăng cường hơn nữa chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: HẢI QUÂN ĐỨC

Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: HẢI QUÂN ĐỨC

Nỗ lực chung của EU đối với an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thứ ba, sự hiện diện của tàu khu trục Bayern là một phần trong nỗ lực phối hợp của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường cam kết an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Riedel khẳng định.

Theo ông, dưới nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu của Đức vào năm ngoái, quan hệ EU - ASEAN đã được nâng cấp lên tầm quan hệ đối tác chiến lược.

Sứ mệnh của tàu Bayern là một phần trong những kết quả hữu hình ban đầu của hướng dẫn về chính sách của Đức với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những hoạt động khác bao gồm tập huấn về việc diễn giải và thực hiện UNCLOS cho nhân viên tại Ban Thư ký ASEAN và tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Đức cũng tham gia một thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển ở châu Á nhằm bảo vệ an ninh của các tuyến đường hàng hải.

Theo ông Riedel, trong bối cảnh khía cạnh an ninh đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính phủ mới của Đức nhìn thấy nhiều triển vọng mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực chính sách hơn như giải quyết biến đổi khí hậu, tăng cường thương mại tự do dựa trên luật lệ, công bằng và bền vững, và chuyển đổi kỹ thuật số.

“Thuyền trưởng khinh hạm Bayern – ông Tilo Kalski - sẽ kết thúc nhiệm vụ trên biển của mình gắn với hoạt động triển khai của tàu khu trục này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm sau, nhưng sự tăng cường can dự của Đức trong khu vực vẫn sẽ tiếp tục” – ông Riedel cho hay.

Theo ông, Đức nhận thức rõ về nỗ lực bền bỉ trong tất cả lĩnh vực chính sách để thực hiện đúng cam kết mở rộng dấu ấn của mình tại Singapore và khu vực.

Chính phủ liên bang muốn tránh sự phụ thuộc đơn phương và tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia toàn cầu.

Để đạt mục tiêu này, Đức sẽ tiếp tục đa dạng hóa quan hệ cả về mặt địa lý và chiến lược trong các lĩnh vực hợp tác, bên cạnh việc tiếp tục cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và dân chủ.

“Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác lâu dài với Singapore trên tất cả lĩnh vực. Và khi Bayern rời đi sau khi đón năm mới 2022 ở Singapore, tàu khu trục này sẽ tiếp tục hành trình thúc đẩy tự do hàng hải và gìn giữ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời cung cấp cho chính phủ nơi quê nhà một góc nhìn và sự nhìn nhận bao quát hơn về khu vực này” – ông Riedel nhấn mạnh.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/manh-ghep-quan-trong-trong-cam-ket-cua-duc-voi-an-do-duong-thai-binh-duong-1034609.html