Mạng lưới gián điệp nguyên tử Liên Xô bị phát giác ra sao?

Là chuyên viên mật mã công tác tại Đại sứ quán Liên Xô (cũ) đóng ở Ottawa (Canada), cũng đồng thời kiêm nhiệm sĩ quan tình báo của Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), Igor Gouzenko có quyền truy cập các liên lạc bí mật của GRU và Bộ Dân ủy an ninh quốc gia Liên Xô (NKGB) giữa Canada và các lãnh sự quán Liên Xô cùng các đại sứ quán ở Anh và Mỹ.

Thậm chí Gouzenko còn có thể mở két sắt trong phòng mật mã của tòa đại sứ, nơi chứa đa dạng các tài liệu từ hồ sơ các sĩ quan cho đến những bức điện tín được mã hóa. Viên chức mật mã là những người đóng vai trò then chốt trong thế giới gián điệp, nơi đó các điệp viên là những tay chơi tài ba.

Đầu tháng 9/1945, Gouzenko đột nhiên rời cơ quan và không bao giờ quay lại nữa. Ông ta nhét trong áo sơ mi của mình 109 bộ hồ sơ ngoại giao tuyệt mật của Liên Xô cùng hơn một trăm tài liệu về các điệp viên Xôviết nằm vùng ở Canada, Anh và Mỹ, bao gồm một số tư liệu liên quan đến gián điệp bom nguyên tử. “Đó là một kho tài liệu GRU bị đánh cắp chói lọi”, như một học giả sau này đã mô tả.

Những tình tiết chấn động

Những ngày trước đó, Gouzenko đã tự xin tị nạn cùng với vợ, đứa con trai 15 tuổi, và trao mớ hành lý cồng kềnh mới “thó” được cho Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP). Sau khi RCMP thông báo cho FBI, đích thân giám đốc J. Edgar Hoover (vào ngày 12/9/1945) đã gửi một bức điện khẩn cho Tổng thống Harry Truman về kẻ đào ngũ và những tuyên bố của anh ta, một trong số đó là việc lãnh tụ Stalin “đã thu thập thông tin đầy đủ liên quan đến bom nguyên tử thành Dự án số 1 của hoạt động gián điệp Liên Xô”. Vì đặc vụ Liên Xô lúc bấy giờ là Kim Philby (người đứng đầu cơ quan phản gián Anh) nên người Xôviết gần như ngay lập tức biết về vụ đào tẩu. Một học giả sau này đã viết: “Đối với người Nga, vụ đào tẩu (của Gouzenko) không khác gì một thảm họa, họ kêu gọi tái thẩm tra ngay lập tức các hoạt động tình báo của mình”. Ông Lavrentiy Beria (khi đó là Phó thủ tướng) đã nhanh chóng gửi điện cho hầu hết các “Rezidentura” (điệp viên Liên Xô thường trú) ở nước ngoài và cảnh báo rằng “việc đào tẩu của G” (ám chỉ Gouzenko) đã gây tổn thất nặng nề cho đất nước chúng ta, gây thách thức nan giải cho hoạt động của chúng ta ở Mỹ và các đồng minh của họ”.

Lavrentiy Beria viết rằng những hướng dẫn sẽ sớm được gửi đi - liên quan đến những cách thức cải thiện toàn bộ mạng lưới điệp viên cùng các luật lệ thắt chặt an ninh. Cụ thể thì Beria nhấn mạnh: “Công việc phải được tổ chức chu đáo sao cho mỗi thành viên (điệp viên và nhân viên) không biết gì về công việc của nhau ngoài những gì liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mà người đó đang tiến hành”. Có lý do để hoảng sợ, vì rằng Gouzenko đã vạch trần các mạng lưới gián điệp người Canada và Mỹ và làm thổi bùng cơn bão phản gián trong việc lùng kiếm các điệp viên đối phương ở cả 2 bên biên giới. Các điệp viên mà George Koval có quan hệ cũng nằm trong nhóm người bị ảnh hưởng, chẳng hạn như điệp viên Arthur Adams đã sử dụng hộ chiếu Canada giả nhờ sự giúp đỡ của Sam Carr - người đứng đầu đảng cộng sản Canada và là một trong những điệp viên Liên Xô bị Gouzenko tố giác.

Gouzenko đã công bố nhiều ngôi sao điệp viên Liên Xô bao gồm một trợ lý vô danh của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ (người mà sau đó được xác định là Alger Hiss), ngoài ra còn nhắc đến cái tên Fred Rose, một thành viên trong Quốc hội Canada. Được xem là một trong những điệp viên Xôviết quan trọng nhất ở Canada, Fred Rose là thủ lĩnh nhóm điệp viên GRU ở Montreal. Rose kết nối với Pavel Mikhailov tại lãnh sự quán Liên Xô ở Manhattan, gián tiếp kết nối Rose với các sĩ quan tình báo Arthur Adams, Benjamin Lassen và George Koval. Năm 1943, khi Fred Rose được bầu vào Hạ viện Canada, Mikhailov đã đánh điện về Moscow “Fred, người của chúng tôi ở Lesovia (mã của Canada) đã trúng cử vào Quốc hội Lesovia”. Fred Rose (cũng như Adams, Lassen và Jacob Golos) từng làm việc tại Amtorg (New York). Cả Golos và Lassen (thông qua Mikhailov hoặc World Tourists) đã sử dụng Fred Rose đã thu thập các tài liệu lữ hành Canada đối với những điệp viên mà họ nhận được sự hỗ trợ.

Một trong những nhiệm vụ trong mạng lưới gián điệp của Rose là “giúp tạo ra các tài liệu giả dùng cho những người Liên Xô muốn nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ và hơn thế nữa”. Không rõ Koval đã từng gặp ai trong số này ngoài Lassen hay chưa, nhưng trong những tháng sau đó, những mối quan hệ tổ chức của Fred Rose trong các mạng lưới gián điệp ở cả Canada và Mỹ bắt đầu nổi lên, thường xuất hiện trên mảng tin tức ở 2 bên biên giới. Giám đốc FBI, Hoover, hay gửi các bức điện khẩn cho các trưởng văn phòng của mình nhằm truyền đạt rằng Gouzenko phải là “Dự án số 1” và “mọi nguồn lực đang phát huy tối đa”. Trong bối cảnh đó, Koval đã được mời làm việc tại công ty Monsanto đóng ở Dayton. Vài tháng sau hậu địa chấn Gouzenko, đến lượt một điệp viên khác đã đào tẩu, lần này là một người Mỹ tên là Elizabeth Bentley, cấp phó và là người tình của Jacob Golos (điệp viên Liên Xô nằm vùng ở Mỹ). Sau khi Golos qua đời năm 1943, bà Bentley tiếp quản hai mạng lưới cung cấp thông tin của Golos: cả 2 mạng lưới này được điều hành bởi các kinh tế gia, 1 là Ban sản xuất thời chiến, 1 là Ban kinh tế thời chiến.

Fred Rose, thủ lĩnh nhóm điệp viên GRU ở Montreal, cũng đồng thời là một chính trị gia trong Quốc hội Canada. Ảnh nguồn: Wikipedia

“Điệp viên hư cấu” Alfred Adamson

Đó là loạt bài gồm 4 phần nói về gián điệp Liên Xô được đăng trên tờ New York Journal-American, một ấn phẩm báo chí được phát hành rộng rãi và có tính bảo thủ cao thuộc sở hữu của William Randolph Hearst. Nhà văn Howard Rushmore (cựu biên tập viên của tờ Daily Worker - một cơ quan chính thức của đảng cộng sản Mỹ (CPUSA), ông Rushmore là cựu đảng viên). Rushmore bị sa thải khỏi CPUSA và Daily Worker trong năm 1939 khi ông từ chối viết bài phê bình có thể gây bất lợi cho bộ phim “Cuốn theo chiều gió” - một nhiệm vụ do CPUSA hạ lệnh theo tuyên bố của Rushmore. Ở tòa soạn tờ Journal-American, Rushmore chuyên viết các bài chống Cộng, và ông chủ của Rushmore là một cựu điệp viên FBI đóng vai trò là người dẫn thường cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Rushmore cũng đóng vai trò liên lạc viên giữa Journal-American với Edgar Hoover - một bậc thầy dùng báo chí để đạt mục đích riêng của mình.

Trong loạt bài của Rushmore, Hoover muốn thông qua đó để hất cẳng Tổng thống Truman và hình thành lập trường cứng rắn chống gián điệp Xôviết. Arthur Adams là tâm điểm của bài báo đầu tiên trong loạt bài, công bố vào 3/12/1945. Bằng cách sử dụng cái tên hư cấu Alfred Adamson, Rushmore tự giới thiệu mình là một điệp viên Liên Xô đang bị FBI điều tra (người này dùng cái vỏ bọc làm trong một công ty âm nhạc nằm trên Đại lộ số 5; công ty này được sở hữu bởi cùng một người đang điều hành một tiệm âm nhạc nhỏ trên phố West Forty-Fourth và trả công cho Adamson khoảng 75 USD/tuần. Người chủ đó thực ra là Eric Bernay. Rushmore tuyên bố rằng “Adamson” từng nhận các bí mật bom nguyên tử từ một nhà khoa học sống ở Chicago, và rằng anh ta đã chở một thùng tài liệu nặng trên chiếc sedan Plymouth màu đen mang biển số của lãnh sự quán Liên Xô, số đăng ký mang tên “Pavel Mikhailov”. Rushmore cũng phác thảo cách Adamson gửi điện tín cho người vợ Mỹ của mình ở Moscow thông qua vợ của một bác sĩ Manhattan đang hành nghề ở Upper West Side.

Rushmore nhấn mạnh rằng đã 2 năm kể từ khi FBI phát giác kiện tài liệu chứa đầy ắp các tình tiết về bom nguyên tử trong căn phòng khách sạn của Adamson và mặc dù chúng đủ chứng minh tội gián điệp của Adamson “nhưng không có hành động nào trong vụ bắt giữ anh ta”. Dụng mưu của bài báo là làm ê mặt chính quyền Truman vì đã không bắt giữ Adamson. Tác động của loạt bài đối với Adamson hoặc chính xác khi nào anh ta cảnh giác mình đang bị theo dõi suốt ngày đêm bởi các điệp viên FBI, là không hề có tài liệu nào cả. Tuy nhiên chắc chắn là trước loạt bài của tờ Journal-American, bản năng của một điệp viên dày dạn kinh nghiệm đã khiến anh ta phải nâng cảnh giác cao độ. Nhiều tháng sau khi FED bắt đầu theo dõi anh ta vào năm 1944, Edgar Hoover đã hạ lệnh nghe lén các cuộc điện thoại của ông cũng như cài “rệp nghe lén” trong phòng mình (căn phòng số 1103 tại khách sạn Peter Cooper trên phố East Thirty-Ninth). Các điệp viên FBI theo dõi nhất cử nhất động của Hoover, thậm chí ngồi sau ông ta trong rạp chiếu phim.

Cuối xuân 1945, một quý ông ghé thăm phòng khách sạn của Adamson, anh ta bị theo dõi bởi 2 người đàn ông phía bên kia đường khi đang thắt cà vạt. Adamson nói rằng mình biết được thông tin về nghiên cứu bom nguyên tử ở Chicago và muốn biết nhiều hơn thế. Rồi thì cuộc trò chuyện chuyển sang đề tài chiến tranh, và vị khách lạ nhanh chóng rời đi. Rõ ràng là Adamson không thể ngăn cản vị khách, hoặc có vẻ như vậy. Cũng đã diễn ra một cuộc trao đổi giữa Adamson và mật vụ Leonard Langen tại một trạm chờ xe buýt tại phố East Fifty-Third và Madison, trong ngày 12/1/1946, lúc 9 giờ tối, trong đó Adamson cố gắng muốn biết chính xác việc Edgar Hoover đang sợ hãi: thao túng một điệp viên về các tình tiết để từ đó FBI có thể hành động phù hợp. Trong vòng 1 tiếng 15 phút sau đó, Adamson và Langen đứng trong cái lạnh lúc họ nói chuyện. Adamson phàn nàn về bài báo trên tờ Journal-American và kịch liệt bác bỏ việc ông là gián điệp của Liên Xô.

Nhà văn Howard Rushmore, cựu biên tập viên của tờ Daily Worker. Ảnh nguồn: Historic Images.

Vụ mất tích bí ẩn

Lần cuối cùng các điệp viên nhìn thấy Adamson là 23/1/1946. Lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày đó, Adamson ghé hiệu kim hoàn Victoria Stone nằm trên đại lộ Madison, mang một cái túi đen nhỏ và một thùng cạc-tông. Thực tế thì Victoria Stone là một trong những người trung gian của Adamson với Eric Bernay, Pavel Mikhailov, cùng những người khác. Liền đó Adamson đến Thư viện công New York trên phố Forty-Second và đại lộ số 5 để đọc một cuốn tạp chí về cơ khí. Lúc 4 giờ 35 phút chiều hôm đó. Adamson quay lại văn phòng mình tại Keynote Recordings và mất tích luôn kể từ đó. Mặc dù các điệp viên giám sát tòa nhà và được mật báo rằng lúc 5 giờ 5 phút tối, Adamson vẫn còn ở trong văn phòng, nhưng chi nhánh FBI New York không sao tìm thấy anh ta nữa.

Lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau, hơn 10 điệp viên FBI đã tỏa ra lùng kiếm Adamson ở Manhattan. Các văn phòng thực địa khác của FBI cũng được thông báo. Viên chức hải quan và di trú ở tất cả các hải cảng trên đất Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao. Người Mỹ kinh ngạc khi toàn bộ đồ đạc của Adamson trong phòng khách sạn Peter Cooper đã bị lấy sạch. Bằng chứng cho thấy Adamson vẫn còn sống là vài ngày sau đó có một tấm bưu thiếp được gửi cho Victoria Stone. Đóng dấu bưu điện New York, ngày 26/1, lúc 7 giờ 30 phút sáng, có dòng chữ “Victoria thân mến: Tôi muốn nói với bạn rằng mọi thứ đều ổn. Trân trọng gửi tới những người bạn tôi rằng tôi rất yêu quý các bạn. A.A. 25/1/1946”. Tới ngày 16/2/1946, tờ Journal-American đăng trên trang nhất dòng tít: “Điệp viên nguyên tử đỏ đã trốn tránh FBI; Luật Ottawa trong việc rò rỉ tài liệu tuyệt mật”. Tiếp đó là nội dung: “Thủ lĩnh mạng lưới gián điệp Liên Xô hải ngoại, người đã đánh cắp các bí mật bom nguyên tử như đã bị vạch trần trên tờ Journal-American ngày 3/12/1945 đã cao chạy xa bay chỉ 3 tuần trước đó. Người có tên Alfred Adamson đã dính líu với 22 người hiện đang được phía Canada thẩm vấn về tội cung cấp thông tin nguyên tử bí mật cho Nga”.

Bài báo còn thảo luận chi tiết về “Adamson” và mối quan hệ của anh ta với tình báo Canada, cũng như mối quan hệ của anh ta với một công ty điện. Không rõ chuyện này nói về ai. Hai tuần sau, ngày 5/3/1946, tờ New York Times đăng câu chuyện về vụ đào tẩu của Gouzenko. Tờ Times thì chờ để công bố các báo cáo chính thức của Canada về cuộc điều tra “mạng lưới điệp viên ngầm do các thành viên nhân viên đại sứ quán Liên Xô ở Ottawa tổ chức và hoạt động dựa theo những chỉ đạo trực tiếp từ Moscow”. Báo cáo đầu tiên nói rõ ràng dự án bom nguyên tử là ưu tiên hàng đầu của các điệp viên Liên Xô; báo cáo thứ hai là cuộc điều tra dự kiến được công bố vào một ngày giữa tháng 3 khi Fred Rose bị bắt giữ tại nhà ở Ottawa, sau khi trở về từ phiên họp đầu tiên của Quốc hội Canada năm 1946. Fred Rose là quan chức công đầu tiên của phương Tây bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô. Dưới bức ảnh của Rose trên trang nhất tờ Journal-American là dòng chữ “Còn bao nhiêu trong số này đang ở Mỹ?”.

Văn Chương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/mang-luoi-gian-diep-nguyen-tu-lien-xo-bi-phat-giac-ra-sao--i703602/