Mang lại tiếng nói cho Nam bán cầu

Ấn Độ đã cho thấy rõ mong muốn sử dụng vai trò chủ tịch G20 của mình để giúp tiếng nói và mối quan tâm của Nam bán cầu được lắng nghe.

Nam bán cầu không chỉ ở phía Nam

Trong trật tự toàn cầu đương đại, cụm từ “Nam bán cầu” đề cập đến một loạt các quốc gia phía “Nam” từ các khu vực địa lý của châu Phi, Trung Mỹ và Mỹ Latin và một phần lớn của châu Á, đến cả các nước phía “Bắc” nhưng còn đang phát triển như Địa Trung Hải và Đông Âu. Tuy nhiên, khái niệm này cũng dần dần được khôi phục và tái tạo trong bối cảnh xung đột lâu dài giữa các lực lượng bá quyền đế quốc toàn cầu và các lực lượng giải phóng thuộc địa.

Nguồn: g20.mygov.in

Quá trình này bắt đầu vào nửa sau của thế kỷ XX, khi các quốc gia ngoại vi thuộc “thế giới thứ ba” (nay là “Nam bán cầu”) nổi lên trong tiến trình phi thực dân hóa, dân chủ hóa, phát triển bình đẳng, tái cấu trúc các thể chế quốc tế và phân phối lại quyền lực. Khi làm như vậy, Nam bán cầu đã đưa ra một lựa chọn có ý thức tập thể để tham gia nghiêm túc vào trật tự thế giới hiện có.

Trong suốt quá trình phát triển này, mối quan tâm cốt yếu của họ là việc được lắng nghe một cách đàng hoàng; và Ấn Độ đã đóng một vai trò nhất định trong việc quốc tế hóa những mối quan tâm này bằng cách biến chúng thành một phần quan trọng trong các cuộc thảo luận tại các hội nghị của Liên Hợp Quốc. Vai trò quyết đoán của Ấn Độ, bắt nguồn từ chính thể dân chủ và văn hóa chiết trung, đã là một yếu tố tạo điều kiện chính trong thế giới hậu thuộc địa. Hầu hết các quốc gia Nam bán cầu có thể dễ dàng liên hệ với Ấn Độ hoặc có cái nhìn lạc quan về Ấn Độ, vì sức hấp dẫn của nền văn minh của quốc gia này cũng như cuộc đấu tranh tự do bất bạo động của Ấn Độ.

Thời gian trôi qua, vị thế quốc tế và vai trò toàn cầu của Ấn Độ đã được cải thiện đáng kể. Ấn Độ đã đi từ chỗ có năng lực hạn chế trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới; từ việc hạn chế các cam kết quốc tế sang thúc đẩy các cam kết ngoại giao đa chiều; từ một người tuân thủ quy tắc miễn cưỡng trở thành một người xây dựng quy tắc thực dụng; và từ việc công khai khẳng định quyền tự chủ chiến lược đến khám phá các cơ hội địa chính trị đa dạng dưới ảnh hưởng của cân bằng chiến lược.

Kết quả là, thế giới ngày nay nhận thức rõ ràng rằng các giải pháp khả thi cho các vấn đề toàn cầu hiện nay không thể được thực hiện nếu không có sự tham gia của Ấn Độ. Ấn Độ có tiềm năng đóng vai trò là một bên cân bằng quyền lực trong khi làm cầu nối cho các vấn đề phức tạp. Đây là một trong những lý do lớn khiến thế giới chờ đợi năm nhiệm kỳ chủ tịch G20 - năm 2023 của Ấn Độ với việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 tới.

Cơ hội từ ghế Chủ tịch G20

Chức chủ tịch G20 của Ấn Độ đã được nhiều chuyên gia trên khắp thế giới coi là một cơ hội có phạm vi và tiềm năng rộng lớn. Ấn Độ chắc chắn đang nắm bắt thời điểm này. Thời báo Kinh tế đã mô tả cách Ấn Độ thực hiện vai trò là chủ tịch G20 như sau: “Với 31 nhóm làm việc, Ấn Độ đang xúc tiến hơn 200 cuộc họp của các bộ trưởng, quan chức chính phủ và thành viên xã hội dân sự, thu hút những bộ óc trẻ từ các tổ chức giáo dục khác nhau ở 50 thành phố trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước, thay vì giới hạn tất cả các sự kiện ở thủ đô.

Điều này đã thể hiện cam kết hướng tới việc duy trì sự hòa nhập, chào đón sự đa dạng của các ý tưởng và nâng cao tinh thần của chủ nghĩa hợp tác liên bang, là điều rất đáng khen ngợi. Ngay cả Thủ tướng Narendra Modi cũng chỉ ra rằng “G20 là cơ hội duy nhất để giới thiệu với thế giới rằng Ấn Độ không chỉ giới hạn ở Delhi mà còn bao gồm mọi bang và lãnh thổ”.

Mở rộng điều đó ra quy mô toàn cầu, Ấn Độ cũng cam kết thể hiện rằng sân khấu toàn cầu không chỉ thuộc về Bắc bán cầu. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ có ý nghĩa rất lớn vì đây là một phần trong khoảng thời gian ba năm mà G20 đang được lãnh đạo bởi các quốc gia từ Nam bán cầu: Indonesia vào năm 2022, Ấn Độ vào năm 2023 và Brazil vào năm 2024. Giữa ba nhiệm kỳ Chủ tịch liên tiếp của các nước Nam bán cầu, Ấn Độ có cơ hội đặc biệt để giải quyết các mối quan tâm cấp bách cản trở sự phát triển của khối quốc gia này.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ấn Độ đã khẳng định, “Các ưu tiên trong G20 của chúng tôi sẽ được định hình với sự tham vấn không chỉ với các nước thành viên G20 mà còn với những người bạn đồng hành của chúng tôi ở Nam bán cầu, những quốc gia mà tiếng nói của họ thường không được lắng nghe”. Ấn Độ đã mời 6 quốc gia khách mời từ Nam bán cầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Nigeria, Oman và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

Chương trình nghị sự 4R và 5 sáng kiến quan trọng

Là một sáng kiến đột phá, Ấn Độ đã tổ chức “Hội nghị Tiếng nói Nam bán cầu” tại New Delhi vào tháng 1.2023. Với chủ đề “Thống nhất tiếng nói, thống nhất mục đích”, hội nghị đã quy tụ 125 quốc gia chia sẻ quan điểm và ưu tiên của họ; tạo cơ hội tốt để Ấn Độ tham khảo ý kiến và nguyện vọng của các nước đang phát triển không có đại diện trong G20. Có thể nói đó là một cuộc tụ họp quy mô và năng động chưa từng được tổ chức trước đây bởi bất kỳ nước chủ nhà nào khác của G20.

Tại hội nghị, Thủ tướng Modi đã kêu gọi một chương trình nghị sự toàn cầu 4R - gồm Respond (đáp ứng), Recognize (công nhận), Respect (tôn trọng) và Reform (cải cách) để tái tạo năng lượng cho thế giới. Ông giải thích thêm rằng “điều này có nghĩa là đáp ứng các ưu tiên của Nam bán cầu, công nhận nguyên tắc trách nhiệm chung, tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và cải cách các thể chế quốc tế để làm cho chúng phù hợp hơn.

Ngoài ra, ông Modi cũng công bố 5 sáng kiến quan trọng của phía Ấn Độ bao gồm: thành lập Trung tâm tiên tiến Nam bán cầu để thúc đẩy các giải pháp phát triển cho khu vực; dự án Tình hữu nghị vì Sức khỏe (Aarogya Maitri) để mở rộng nguồn cung y tế thiết yếu cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc khủng hoảng nhân đạo; ra mắt Sáng kiến Khoa học & Công nghệ Nam bán cầu để chia sẻ kiến thức chuyên môn của Ấn Độ về công nghệ vũ trụ và năng lượng hạt nhân; thành lập Diễn đàn Nhà ngoại giao trẻ nhằm kết nối và tập hợp tiếng nói ngoại giao của các nước đang phát triển; thành lập Học bổng Nam bán cầu dành cho sinh viên từ các nước đang phát triển muốn theo đuổi giáo dục đại học ở Ấn Độ.

Hỗ trợ thêm động lực cho các quá trình quan trọng này, Thủ tướng Modi vừa mời Liên minh châu Phi trở thành thành viên đầy đủ của G20 tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9 sắp tới ở New Delhi. Dựa trên những sáng kiến và cử chỉ này, có thể thấy rằng Ấn Độ đang kỳ vọng mạnh mẽ vào vai trò Chủ tịch G20 của mình để trở thành một đòn bẩy thuận lợi cho Nam bán cầu.

Thách thức đến từ sự chia rẽ

Trong khi thế giới ngày nay đang ở đỉnh điểm của những chuyển đổi địa chính trị, địa kinh tế và công nghệ mạnh mẽ, lời kêu gọi của Ấn Độ về tính bao trùm và cải cách chủ nghĩa đa phương chắc chắn sẽ đối mặt với thử thách. Các quốc gia phát triển và đang phát triển thường bất đồng về nhiều vấn đề, chẳng hạn như xác định lại chức năng của các thể chế quốc tế quan trọng, thương mại xuyên biên giới, trừng phạt kinh tế, tài chính khí hậu và xung đột khu vực. Bên cạnh đó, những rủi ro về quản trị toàn cầu đã gia tăng nhiều hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng nợ mới nổi, tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm leo thang và cuộc chiến Ukraine.

Việc hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch G20 thành công sẽ là một thách thức với Ấn Độ; minh chứng cho điều đó chính là việc 3 hội nghị bộ trưởng tài chính và 1 hội nghị bộ trưởng ngoại giao trong nhiệm kỳ của Ấn Độ đã không thể ra được tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Ukraine.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/mang-lai-tieng-noi-cho-nam-ban-cau-i337476/