Mang lại nhiều hệ lụy

Dù không hề vay nợ nhưng không ít người bị nhắn tin, tấn công vào các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện đe dọa đòi nợ quấy rối thông qua điện thoại. Điều này đã khiến nhiều người lo lắng, bất bình, làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như tinh thần của người khác.

Liên tục bị khủng bố tinh thần dưới nhiều hình thức

Hiện nay, hình thức vay tiền thông qua các app tài chính (các app cho vay tín chấp) diễn ra khá phổ biển. Việc vay tiền qua app khá dễ dàng, người vay không cần có tài sản bảo đảm, chỉ cần cung cấp một số thông tin như: Người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Có thể thấy, việc vay tiền qua app rất thuận lợi, giải ngân nhanh chóng nên không ít người lựa chọn hình thức vay này. Điều đáng nói, khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng (app). Tuy nhiên, hình thức cho vay này đang mang lại rất nhiều hệ lụy.

Cụ thể, thời gian gần đây, có không ít các đối tượng tự xưng là nhân viên của các công ty tài chính gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa theo kiểu khủng bố để gây áp lực, ép buộc người vay hoặc kể cả những người không vay nhưng bị lộ thông tin phải trả nợ đang xảy ra phổ biến, đặc biệt các đối tượng khủng bố bằng các gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp,... của người vay để tạo áp lực, gây bức xúc trong cơ quan, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, chị Võ Thị Hà (Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An) cho biết gần đây chị liên tục có nhiều người lạ kết bạn facebook nhắn tin làm phiền với nội dung “anh Thái Nho đang vay nợ app tài chính số tiền 3,5 triệu, bây giờ đã quá hạn đề nghị chị báo a Nho nhanh chóng thanh toán tiền cho app”. “Tôi với anh Nho cũng chỉ là anh em quen biết bình thường rất ít khi liên lạc nhưng không biết bên app tài chính lấy đâu ra nick facebook của tôi để liên tục nhắn tin làm phiền. Khi thấy tôi không trả lời thì comment vào các bài đăng của tôi trên facebook. Thật sự, tôi cảm thấy rất phiền”. Liên hệ với anh Thái Nho (Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An) để tìm hiểu sự việc, anh Nho cho biết năm ngoái anh có mua trả góp máy tính tại một cửa hàng điện máy. Nhưng trong một lần bị quá hạn chưa thể thanh toán, nhân viên bên app cho vay gọi điện với thái độ rất khó chịu, thiếu tôn trọng nên anh Nho yêu cầu có một buổi làm việc trực tiếp nhưng bên app cho vay không đồng ý. Từ đó, bạn bè, người thân của anh Nho trên facebook liên tục bị nhắn tin làm phiền.

Trường hợp chị Cao Thị Mai (Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa), không hề vay tín chấp qua app tài chính nhưng không biết vì sao mà app tài chính có được thông tin của mình để yêu cầu trả nợ. “Họ không chỉ thường xuyên nhắn tin, gọi điện và comment vào các bài viết của tôi mà còn của người thân, bạn bè tôi với những lời lẽ rất thô tục và phản cảm. Tôi không biết vì sao họ có được cả ảnh căn cước công dân của mình. Khổ lắm chị phóng viên ạ, cuộc sống của tôi và gia đình bị đảo lộn hết. Người biết toàn bộ sự việc thì không sao chứ người không biết lại nghĩ tôi này nọ trong khi tôi chẳng thể đi giải thích hết từng người được.”

Hiện nay có rất nhiều App cho vay tiền trực tuyến, nhìn chung được phân thành hai dạng: App vay tiền trực tuyến của các tổ chức tín dụng hợp pháp và App vay tiền trực tuyến không phải là các tổ chức tín dụng cho vay tiền núp bóng dưới hình thức “tín dụng đen” với lãi xuất cắt cổ.

Cân nhắc kỹ khi vay tiền qua các app tài chính

Trưởng công an xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Phan Huy Anh cho biết hiện phía công an xã chưa nhận được đơn trình báo của người dân về việc thường xuyên bị gọi điện, nhắn tin làm phiền, khủng bố tinh thần để đòi nợ trong khi mình không vay. Trong trường hợp này, người dân cần gửi đơn tố cáo tội phạm đến công an cấp xã. Phía công an cấp xã sẽ tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý.

“Khi nhân viên của các app cho vay gọi điện, các nạn nhân cần giải thích về việc mình không vay hoặc không quen với người vay. Đồng thời, cần hỏi rõ thông tin của app cho vay cũng như yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng và thông tin về việc vay nợ. Nếu có thể, cần ghi âm lại các cuộc điện thoại đòi nợ, tin nhắn đòi nợ, các bài viết bôi nhọ danh dự nhân phẩm về mình để làm bằng chứng cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần thiết. Các nạn nhân cần trình báo với cơ quan công an nơi mình cư trú về việc bị làm phiền, khủng bố điện thoại đòi nợ dù không vay tiền. Hơn hết, mọi người dân cần cân nhắc thật kĩ khi vay tiền qua các app tài chính” ông Anh chia sẻ thêm.

Luật sư Nguyễn Thị Trâm, Công ty Luật Hợp danh Thái Bình Dương, xét về quan hệ đạo đức và xã hội, việc các app thường xuyên gọi điện, nhắn tin xúc phạm là hành vi trái đạo đức xâm phạm trực tiếp đến quyền nhân thân, bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Xét về khía cạnh pháp luật điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định, khi sử dụng điện thoại để đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, các app cho vay tiền có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Theo đó, hành vi sử dụng điện thoại gọi điện làm phiền, khủng bố tinh thần người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/mang-lai-nhieu-he-luy-i290964/