Mang lại lợi nhuận 'siêu khủng', thuốc lá lậu tiếp tục 'nóng' sau dịch

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát nhưng kể từ sau thời gian giãn cách xã hội từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình buôn lậu thuốc lá tiếp tục diễn biến phức tạp trở lại. Thị phần thuốc lá lậu đang gia tăng nhanh chóng với nhiều hình thức buôn lậu mới phức tạp và tinh vi hơn.

Lợi nhuận gấp 3 lần hàng hợp pháp, thuốc lá lậu tiếp tục 'nóng' sau dịch. (Ảnh minh họa)

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức tại TP. HCM.

Tại sự kiện, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cho biết trong những năm qua, hoạt động chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp.

Đáng chú ý trong 2 năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do dịch Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể. Số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra trong công tác chống thuốc lá lậu. Tại hội thảo, các diễn giả đã nêu lên các thực trạng do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu.

Đơn cử, lợi nhuận thu được từ 1 bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 – 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc.

Ngoài ra, những năm gần đây đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng.

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự. Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cà phê, tủ thuốc lá bán lẻ…

Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việc buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu và tập trung nhiều ở các tỉnh phía nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc.

Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, mỗi năm các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 10.000 vụ vi phạm, tịch thu khoảng trên 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu.

"Dẫu mặt hàng thuốc lá luôn được Ban chỉ đạo 389 xem là quan trọng, cần phòng chống ngay từ biên giới lẫn trong nội địa nhưng trên thực tế việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn”, ông Dũng nói.

Đại diện Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Phó giám đốc Vũ Duy Hòa, cho biết, thị trường của công ty là ở miền Nam nên chịu ảnh hưởng lớn của thuốc lá nhập.

“80% sản phẩm của công ty là loại trung cấp, có mức giá khoảng 15.000 đồng/bao nên phải chịu tác động lớn từ thuốc lá Jet và Hero nhập lậu. Nếu một bao thuốc lá Sài Gòn bán ra 14.000 đồng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 7.000 đồng, thì thuốc lá Jet nhập lậu do trốn được thuế tiêu thụ đặc biệt nên chỉ có giá bán khoảng 18.000-19.000 đồng/bao, thay vì phải lên tới 30.000 đồng/bao nếu phải đóng thuế. Vì vậy, thuốc lá sản xuất hợp pháp trong nước, đóng thuế đầy đủ cho ngân sách phải cạnh tranh rất bất lợi”, ông Hòa nói.

Tại Hội thảo, các ý kiến đã đề xuất triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu, bao gồm tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này; trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu và kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ lãnh thổ Campuchia về Việt Nam.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để cho các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19, tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cân nhắc lộ trình phù hợp với Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tức việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.

Anh Phan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mang-lai-loi-nhuan-sieu-khung-thuoc-la-lau-tiep-tuc-nong-sau-dich-20180504224267477.htm