Mang 'Đợi Kiều' về với Làng Đại học Thủ Đức

Tối ngày 23/9, vở cải lương thể nghiệm 'Đợi Kiều' đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP. HCM, đánh dấu sự trở lại của vở kịch này sau một năm công diễn lần đầu tại Nhà văn hóa thanh niên TP. HCM.

Một cách kể chuyện vừa quen vừa lạ

Xuất phát từ mong muốn xóa nhòa khoảng cách giữa bạn trẻ và cải lương, TS Đào Lê Na đã đưa thể nghiệm của mình vào sân khấu để mang đến cách dàn dựng mới cho cải lương. Màn múa bóng của nghệ sĩ Lê Mai Anh và khúc ngâm thơ của ca sĩ Châu Nhi cộng hưởng cùng âm thanh từ nhạc cụ truyền thống xen lẫn nhạc cụ phương Tây từ nhóm Humm đã đem lại những trải nghiệm mới lạ cho bạn trẻ.

“Về nhạc cụ phương Tây, trong nhóm ngoài 2 người chơi Violin thì mình là người duy nhất chơi đàn Cello trong vở Đợi Kiều. Đối với vở cải lương này, mình trình diễn theo phong cách phương Tây nhưng dựa trên sườn bài ngũ cung của Việt Nam là chính”, Phạm Hoàng Minh Khôi, nhạc công Cello nhóm Humm chia sẻ.

Tiếng ca đầy nội lực của Hồng Bảo Ngọc (quán quân Bông lúa vàng năm 2019) đã để lại cho khán giả ấn tượng mạnh mẽ. Tuy chỉ mới 20 tuổi, cô đã độc diễn 4 nhân vật gắn liền với từng giai đoạn của cuộc đời Kiều: Thúy Vân (khi Kiều còn trẻ), Hoạn Thư ( Kiều khi lập gia đình), Giác Duyên (lúc Kiều đã trải qua nhiều thăng trầm), Đạm Tiên (Kiều khi đã qua đời).

Màn múa bóng uyển chuyển do nghệ sĩ Lê Mai Anh thể hiện. (Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh)

“Khi nghĩ đến sân khấu, người ta quen với việc đối thoại giữa hai nhân vật nhưng mình muốn đem đến một kiểu sân khấu khác: Độc thoại nhưng cũng đang đối thoại với khán giả. Người xem sẽ cảm thấy được đồng hành và chia sẻ với nhân vật. Mình chọn Hồng Bảo Ngọc cho vở diễn này vì Ngọc có một giọng ca nội lực và cảm xúc, có thể gọi là ‘Tiểu Bạch Tuyết’ trong liên tưởng của mình”, TS Đào Lê Na chia sẻ.

Ngồi ở hàng ghế khách mời, nhà văn - biên kịch - đạo diễn Nguyễn Thu Phương bày tỏ: “Vở diễn này khai thác một góc nhìn rất lạ, làm về Kiều nhưng Kiều không xuất hiện. Trong 4 nhân vật thì Đạm Tiên để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất và cũng là người nói lên được thông điệp của vở. Vở diễn mang nhiều tính biểu tượng và ước lệ, điều này làm cải lương trở nên hiện đại hơn. Và hy vọng vì vậy mà bạn trẻ sẽ yêu thích và quan tâm đến cải lương nhiều hơn”.

Hồng Bảo Ngọc đã gây ấn tượng mạnh với khán giả với vai diễn Hoạn Thư đầy gai góc nhưng không kém phần nữ tính. (Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh)

Để cải lương đến gần với sinh viên

“Đợi Kiều” mang một diện mạo tân thời nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc cải lương truyền thống. Chia sẻ về lý do chọn Truyện Kiều để khai thác, TS Đào Lê Na, biên kịch của Đợi Kiều cho rằng ‘Truyện Kiều’ còn có ngôn từ rất đẹp với nhiều câu chữ bắt nguồn từ ca dao gần gũi với người Việt mình. TS Đào Lê Na hy vọng sẽ cho các bạn trẻ thấy được vẻ đẹp của tiếng Việt thông qua ngôn từ của tác phẩm.

Vở diễn kéo dài 2 tiếng đồng hồ trước sự theo dõi các bạn sinh viên. Nhiều bạn đã không giấu được sự ngạc nhiên khi theo dõi vở cải lương mang đầy tính sáng tạo này.

Diễn viên Hồng Bảo Ngọc với tạo hình của nhân vật Đạm Tiên. (Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh).

“Ban đầu, mình đến vì tò mò về cải lương thể nghiệm và sau đó, mình vỡ òa với vở diễn này. Điều khiến mình ấn tượng nhất là các bạn cho Hoạn Thư được nói. Không chỉ có đay nghiến, Hoạn Thư còn có sự đồng cảm, trắc ẩn đối với Kiều. Sau này, nếu như có những vở cải lương sáng tạo, và thỏa được tính tò mò của mình như Đợi Kiều thì chắc chắn mình sẽ đi xem”, Phạm Hoàng Dân (năm thứ ba, trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ.

Chủ nhiệm CLB Sân khấu và Điện ảnh - anh Nguyễn Tuấn Kiệt bày tỏ: “Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc như cải lương là việc của toàn dân, và quan trọng nhất là thế hệ người trẻ. Bởi theo Ban Tổ chức, người trẻ là tầng lớp tri thức, với sức trẻ, các bạn có thể thông qua nhiều cách thức để ứng dụng những “chất Việt” mới mẻ vào các loại hình nghệ thuật, từ đó giúp các giá trị dân tộc được giữ gìn và phát triển".

Các bạn sinh viên Làng Đại học Thủ Đức xem vở diễn. (Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh).

Ngoài ra, khi được hỏi về những dự định trong tương lai, TS Đào Lê Na chia sẻ đang ấp ủ một dự án được lấy cảm hứng từ Hồ Xuân Hương. Vì theo cô, Hồ Xuân Hương là một nhân vật đặc biệt được nhắc đến nhiều trong văn học nhưng ở điện ảnh thì vẫn chưa được khai thác nhiều.

Đợi Kiều là đứa con tinh thần của TS Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM. Vở diễn đã được TS Đào Lê Na "thai nghén" trong 3 năm liền, từ việc lên ý tưởng đến dàn dựng và luyện tập cho diễn viên. Tiến sĩ 8X cũng là biên kịch và đạo diễn cho vở Đợi Kiều, cùng với TS Lê Hồng Phước là người chuyển soạn cải lương.

Bảo Tiên - Bảo Trâm

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/mang-doi-kieu-ve-voi-lang-dai-hoc-thu-duc-post1572289.tpo