Mang con chữ, tri thức đến với đồng bào nơi biên giới Mường Lạn

Nhiều năm qua, với tình thương, trách nhiệm, luôn coi đồng bào các dân tộc như anh em ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La đã không quản nắng mưa, hằng ngày mang con chữ đến với nhân dân ở khu vực biên giới. Việc làm ý nghĩa đó đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng biên.

Thiếu tá Trần Văn Phúc dạy chữ cho nhân dân bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Vì Hiện

Thiếu tá Trần Văn Phúc dạy chữ cho nhân dân bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Vì Hiện

Xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là xã biên giới còn nhiều khó khăn, nhân dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế; một số hủ tục vẫn còn tồn tại trong đời sống của một bộ phận người dân. Thấu hiểu được những khó khăn của nhân dân nơi đây, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La đã đồng hành cùng ngành giáo dục của địa phương mở các lớp xóa mù chữ vào ban đêm, trong đó, cán bộ BĐBP trực tiếp đứng lớp dạy cho bà con.

Từ năm 2017 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn tổ chức mở được 8 lớp xóa mù chữ tại các bản: Nong Phụ, Co Muông, Nậm Lạn, Huổi Pá, Pá Kạch, Huổi Men, Pu Hao với 220 học viên. Hiện nay, đơn vị tiếp tục phối hợp triển khai 2 lớp xóa mù chữ tại bản Huổi Pá và Pá Kạch với 80 học viên (khai giảng từ ngày 29/3/2023).

Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp chia sẻ: Là người trực tiếp cùng với các “thầy giáo mang quân hàm xanh” mở các lớp xóa mù chữ cho nhân dân tại xã Mường Lạn, tôi mới thấy được những vất vả của các anh. Các học viên của lớp xóa mù chữ đều là người dân tộc thiểu số, ban ngày đi làm nương, buổi tối mới có thời gian học. Lúc đầu, việc vận động các học viên đến lớp gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự tận tụy, trách nhiệm của các cán bộ Biên phòng và các thầy, cô giáo, sau một thời gian, bà con đã đến lớp đầy đủ. Đồng bào hiểu được rằng, không biết chữ sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống nên mọi người đều hăng hái tham gia lớp học.

Thiếu tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: Thông qua lớp xóa mù chữ đã cung cấp cho các học viên những kiến thức cần thiết nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản. Đồng thời, lựa chọn được các phép toán và công thức số học để trình bày, diễn đạt các nội dung, ý tưởng, cách thức giải quyết vấn đề; sử dụng được ngôn ngữ toán học để thực hành các phép tính đơn giản có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày.

Trung úy Vì Văn Liêm, Phó Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Mường Lạn được đồng đội và bà con tại địa phương gọi là “thầy giáo mang quân hàm xanh”. Danh xưng ấy không phải ngẫu nhiên mà có, đó là cả một quá trình nỗ lực tìm tòi, học hỏi, nhiệt huyết với công việc được giao. Trung úy Vì Văn Liêm luôn trăn trở, phải làm thế nào để những người mù chữ hiểu được vai trò của tri thức đối với cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là phải tuyên truyền, vận động như thế nào để những người mù chữ, tái mù chữ tự nguyện đến lớp học chữ.

Lớp học của “thầy giáo mang quân hàm xanh” Vì Văn Liêm. Ảnh: Vì Hiện

Lớp học của “thầy giáo mang quân hàm xanh” Vì Văn Liêm. Ảnh: Vì Hiện

Anh chưa bao giờ đứng trên bục giảng, do đó, thiếu các kỹ năng về sư phạm và bản thân anh nhận thấy phải tự học, tự rèn để làm tốt nhiệm vụ của mình. “Bản thân tôi là người dân tộc Lào, quê gốc ở Mường Lạn nên tôi càng trăn trở, đau đáu với khó khăn của bà con nơi đây. Tôi cũng đã phải học thêm rất nhiều để có thể nói tốt tiếng Mông, phục vụ việc dạy của mình cho thuận lợi. Hiện nay, tôi đang duy trì 2 lớp xóa mù chữ với 56 học viên” - Trung úy Vì Văn Liêm chia sẻ.

Theo chân Thiếu tá Trần Văn Phúc, cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, chúng tôi đến bản Cột Mốc - bản biên giới duy nhất của xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La để thăm lớp học xóa mù chữ tại đây. Với vị trí cách xa trung tâm xã và thị trấn, do vậy, mọi mặt đời sống của bà con còn khó khăn. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Các học viên tham gia lớp học đều là những người đã lớn tuổi, khả năng tiếp cận kiến thức còn hạn chế.

Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy BĐBP Sơn La chia sẻ: Những việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La trong công tác xóa mù chữ đã được chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Những "thầy giáo mang quân hàm xanh" đã góp phần mang chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và chính những học viên của các lớp xóa mù chữ đã trở thành "cánh tay nối dài" gắn kết tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.

Vì Hiện

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mang-con-chu-tri-thuc-den-voi-dong-bao-noi-bien-gioi-muong-lan-post466380.html