Mãn nhãn vườn gốm 'đặc biệt' bên Bờ Tây Sông Nhuệ của hai nghệ sĩ gốm

Khu vườn có 5 con vẹt, 1 con chó, ngoài ra còn có tận gần 1.000 con rùa, rất nhiều chim, chó, voi, tê giác, gà, khỉ… bằng gốm nhưng lại có hồn theo cách riêng. Tất cả được nuôi dưỡng và tạo tác bởi hai nghệ sĩ gốm.

Không gian sáng tạo xanh mướt

Cách trung tâm Hà Nội không bao xa, vườn gốm nhỏ bên Bờ Tây Sông Nhuệ là không gian sáng tạo của chị Cao Thanh Thà và anh Tống Vương Quyền. Nơi đây được phủ nhiều cây xanh mát, có bàn trà tiếp khách chỉn chu.

Nếu bạn là khách và còn phân vân giữa những cánh cổng gần giống nhau, chỉ cần lắng tai nghe một chút, nơi nào nhiều tiếng vẹt kêu ríu rít thì chính là vườn gốm cần tìm.

5 chú vẹt tại vườn thuộc các giống khác nhau, mỗi con một sắc màu tính cách nhưng đều thích trêu chó và nói: “Yêu mẹ Thà”. Chú chó trắng tên Mây cũng vừa biết sủa giữ nhà. Chú khá hiền và thường "không chấp" mỗi khi nghe vẹt la: "Mây vào chuồng!"

Chị Cao Thanh Thà đang tô men gốm bên chú vẹt "nhiều chuyện".

Chị Thà và anh Quyền tốt nghiệp khoa Điêu khắc trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp. Sau nhiều năm có những hướng làm việc riêng, cả hai lại cùng chọn nghệ thuật gốm là phương tiện sáng tác.

Đa phần, những tác phẩm của anh chị phần nhiều liên quan tới động vật.

Anh Quyền đang hoàn thiện tác phẩm ở khâu cuối cùng

Trải nghiệm đáng nhớ và hành trình làm 1.000 con rùa biển

Chị Cao Thanh Thà từng gặp những vấn đề nghiệm trọng về sức khỏe liên quan tới tim và thận. Chị cùng người nhà đã từng lên kế hoạch cho phương án xấu nhất sẽ xảy ra. Tuy nhiên, rất may mắn chị đã vượt qua trải nghiệm cận tử với tinh thần lạc quan.

Sau khi phẫu thuật cắt 1 bên thận chỉ 5 ngày chị Thà đã chọn tới với đại dương, làm công việc cứu hộ rùa biển. Từ năm 2017 đến nay chị nhiều lần tham gia đỡ đẻ rùa tại Côn Đảo, sáng tạo điểm "check in" cho du khách tại đảo Hòn Cau, Bình Thuận bằng các vật liệu tái chế để giúp nâng cao ý thức và sự quan tâm của du khách với đại dương nói chung và rùa biển nói riêng.

Tác phẩm của chị Thà sáng tác tại Hòn Cau

Gần đây, chị Thà quyết định sẽ làm 1.000 con rùa biển bằng gốm để nhấn mạnh với mọi người tỷ lệ sống trưởng thành của rùa trong tự nhiên chỉ là 1/1.000.

Chị Thà chia sẻ: “Ở Việt Nam có các loại rùa phổ biến là vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Theo Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) số lượng rùa con sinh ra từ mỗi ổ trứng là nhiều, trung bình khoảng 80% số trứng được ấp sẽ nở thành con non, nhưng do thời gian đạt độ tuổi trưởng thành lâu (từ 15 đến 30 năm tùy loài), một số bị "địch" hại nên rất ít con có thể chiến đấu đến cùng. Bởi vậy, mình mong muốn mọi người hãy quan tâm tới môi trường nói chung và sinh vật biển nói riêng nhiều hơn nữa để thế hệ sau này có thể sống vui khỏe, lành mạnh".

Chị Thà tham gia đỡ đẻ cho rùa tại Côn Đảo

Rùa biển được vẽ trên những phao cứu hộ đã thải loại bày tại vườn gốm

Vì đã có trải nghiệm nhiều lần cứu hộ rùa biển, đỡ đẻ cho rùa nên chị Thà làm những chú rùa gốm rất sinh động. Nhiều chú được tạo hình như đang bay vì theo chị Thà, các bạn rùa nhỏ thực sự đã “bay” trong nước thật đáng yêu và tự do.

Việc làm 1.000 con rùa biển bằng gốm và độc bản thực sự đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao. Chị Thà đang cố gắng làm toàn thời gian để kịp giới thiệu tới mọi người nhân ngày Quốc tế rùa biển 16/6.

Theo quan sát, không khí làm việc tại vườn của chị thời gian này đang rất khẩn trương nhưng vẫn nhiệt tình tiếp đón các bạn trẻ muốn tìm hiểu về rùa biển hay gốm thủ công.

Mỗi con rùa biển bằng gốm đều có dáng dấp và câu chuyện riêng

Một ngày chợt nhận ra mình là người hướng nội

Anh Tống Vương Quyền vốn từng thiết kế nhân vật game hơn 10 năm và có võ đường riêng. Chia tay với công việc gắn bó nhiều năm, anh Quyền tâm sự: “Trước đây mình vốn nghĩ mình hướng ngoại vì thích giao lưu bạn bè, nhưng đến một ngày chợt nhận ra không còn thích những chỗ đông người, thích lặng lẽ sáng tác, hướng nội hơn. Công nghệ mỗi ngày một tiên tiến, vai trò của họa sĩ trong việc vẽ nhân vật game không còn quan trọng nhiều như trước nên mình quyết định thử sức với gốm”.

Từ một người quanh năm ngồi văn phòng máy lạnh, anh Quyền giờ trực tiếp làm công việc chân tay từ khâu trộn đất sao cho dễ tạo tác tới nặn tay thủ công.

Anh Quyền thường lấy cảm hứng từ những động vật gần gũi, thân quen với con người như voi, chó, chim, khỉ, tê giác... Đặc biệt là loài chim Winter Wren được anh Quyền tái hiện trong nhiều tác phẩm.

Những chú chim gốm Winter Wren

Khi quá trình sáng tác từ đất thành gốm kết thúc anh Quyền sẽ dựng phối cảnh cho gốm với gỗ lũa để tạo thành những tác phẩm hoàn thiện.

Gam màu anh Quyền dùng thường khá trầm nhưng thoát lên được cái “thần” của các con vật.

Gia đình voi

Một gia đình chó gốm

Những con cú gốm được tạo hình tỉ mỉ

Tác phẩm của anh Quyền có tạo hình chắc chắn, sinh động và rất có hồn

Chú voi được trau chuốt tỉ mỉ tới từng nếp nhăn trên da

Hai nghệ sĩ tuy cách làm việc, mục đích làm việc khác nhau nhưng đều có thái độ rất nghiêm túc với việc sáng tạo.

Vườn gốm xanh mướt và nhiều tác phẩm sinh động này hứa hẹn sẽ ra lò nhiều tác phẩm thú vị cũng như là điểm tham quan hấp dẫn, hoàn toàn miễn phí cho ai muốn tìm hiểu về làm gốm thủ công.

THÙY DƯƠNG

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/man-nhan-vuon-gom-dac-biet-ben-bo-tay-song-nhue-cua-hai-nghe-si-gom-a659464.html