Mặn mòi vị biển

Quê nội, quê ngoại tôi đều ở vùng đồng bằng ven biển nên từ nhỏ, tôi đã quen thuộc với hương vị mặn mòi nước mắm.

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Nội tôi có tay làm nước mắm ngon. Ngày đó tôi thường nghe nội kể, nước mắm loại ngon nhất được gọi là nước mắm nhỉ, loại nhỏ giọt trực tiếp từ thùng chượp, tức là thùng đựng cá nục, cá cơm ướp muối sau thời gian ủ chín.

Khi lọc lấy nước mắm, nội chia các loại phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau như mắm nhỉ dành cho cháu nhỏ, sau đó là loại dành để chấm, loại dùng để kho nấu. Nước mắm đồng hành với ngư dân và người dân từ bữa ăn đến những chuyến đi biển.

Với những chuyến đi biển dài ngày, mỗi lần ra khơi, họ đều mang theo vài lít nước mắm nguyên chất. Nước mắm được mang theo phần để sử dụng trong bữa cơm, phần trước mỗi lần lặn biển, ngư dân uống vào để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể. Đó là bí quyết được rất nhiều ngư dân vùng biển áp dụng bao đời nay như một bài thuốc quý.

Mẹ tôi, một người phụ nữ khéo nấu ăn, thường nêm nước mắm vừa vặn với khẩu vị các thành viên trong gia đình. Làm nước mắm để chấm hay trộn gỏi thì mẹ pha với chanh, ớt, tỏi, độ chua ngọt vừa vặn, mùi dậy lên thơm nồng.

Nhưng cũng có những lúc mẹ không cần pha chế mà chỉ để nước mắm nguyên chất, cắt thêm vài khoanh ớt trái ăn với cơm nóng hay bún suông thì đậm vị vô cùng. Nước mắm là một loại gia vị phổ biến trong chế biến các món ăn hằng ngày đối với người dân đồng bằng ven biển như tôi. Phổ biến đến nỗi các bà nội trợ như chúng tôi luôn có sẵn trong nhà và quen tay, quen liều lượng dùng mỗi khi nêm nếm các món ăn hay pha nước chấm ăn kèm các món.

Cũng chính vì quá quen với mùi vị của nước mắm nên đôi khi không nhận ra được sự tồn tại của nó, chỉ khi đi xa, thiếu hương vị mặn mòi của nó trong mỗi bữa ăn mới biết đến cảm giác hụt hẫng, nhất là khi du lịch ra nước ngoài. Hiểu tâm lý đó, nhiều hướng dẫn viên luôn thủ sẵn chai nước mắm trong hành lý của mình để phục vụ du khách.

Dù đó chỉ là chai nước mắm công nghiệp cũng khiến các thành viên trong đoàn reo mừng vì có bữa ăn đậm vị quê nhà. Riêng tôi, bữa ăn đó không làm tôi “vừa miệng” vì vẫn thèm quay quắt nước mắm nhỉ đậm đà vị biển quê mình. Nước mắm là đặc trưng của người Việt, như món kim chi của người Hàn Quốc, phô mai của người Pháp...

Trên dải đất hình chữ S, ở đâu cũng có nước mắm. Trong hương vị đậm đà, sâu nặng ấy có màu lấp lánh của những mẻ cá tươi dưới nắng mai, có sự vất vả, khó nhọc của ngư dân rẽ sóng, đạp gió vươn khơi và vị mặn mòi của biển cả bao dung. Có lẽ, không có món ăn, loại thực phẩm nào mang đầy phong vị, chứa cả hồn quê và gắn bó trong suốt đời người như nước mắm của người Việt. Nước mắm cũng chính là yếu tố giúp người nước ngoài nhận diện ẩm thực, văn hóa Việt Nam.

Tôi phải lòng với nước mắm nên mỗi độ đi xa lại bồn chồn, da diết nhớ.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/man-moi-vi-bien-185614.htm