Malligyong-1 lại làm nóng bán đảo Triều Tiên

Ngày 21/11, CHDCND Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1 trên tên lửa Chollima-1 và đưa nó vào quỹ đạo. Hai lần thử trước đó vào tháng 5 và tháng 8 đều thất bại. Quân đội nước này ví đây là một 'cú đấm' mạnh mẽ và sẽ là một 'con mắt giám sát kẻ thù'. Vụ phóng tên lửa cho thấy khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đã đạt đến cấp độ cao hơn.

“Con mắt” và “nắm đấm”

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng thông báo với Nhật Bản về ý định phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ 22/11 đến 1/12.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói: “Lực lượng quân sự của Triều Tiên hiện đã sở hữu một “con mắt” có thể nhìn xuống trái đất và một “nắm đấm” mạnh mẽ có thể đánh trúng kẻ thù”. Nhà lãnh đạo ca ngợi đất nước mình đã phát triển thành công hệ thống trinh sát không gian mà ông cho rằng đây là bước đột phá của Quân đội nhân dân Triều Tiên và sự sẵn sàng ứng phó với "tình hình mới" trong khu vực.

Tên lửa mang vệ tinh trinh sát Malligyong-1 phóng lên từ trạm Sohae.

Các nước láng giềng cũng như các chuyên gia quốc tế tỏ ra thận trọng hơn với lần phóng được cho là thành công này và hiện đang cố gắng xác minh tính xác thực của tuyên bố. Các nỗ lực phóng vệ tinh vào tháng 5 và tháng 8, một phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự của CHDCND Triều Tiên, đã kết thúc thất bại khi tên lửa lao xuống biển. Vụ phóng này được cho là đã vi phạm các nghị quyết lâu đời của Liên hợp quốc đối với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, trong khi KCNA luôn muốn chứng tỏ điều này bằng cách đăng tải những bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un mỉm cười rạng rỡ sau vụ phóng, xung quanh là sự tán thưởng của các nhà khoa học và kỹ sư mặc đồng phục màu trắng.

Nhật Bản cho biết họ vẫn đang phân tích vụ phóng và “chưa thể xác nhận liệu vệ tinh có đi vào quỹ đạo quanh Trái đất hay không”, người phát ngôn chính phủ Hirokazu Matsuno cho biết. Hàn Quốc và Mỹ cho biết quân đội của họ cũng đang đánh giá vụ phóng. Các nhà phân tích cho biết có thể mất một thời gian để xác định xem vệ tinh có hoạt động trên quỹ đạo hay không. Hong Min, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Để đánh giá sự thành công của lần phóng này, điều quan trọng không chỉ là xác định xem tên lửa có đi vào quỹ đạo hay không mà còn phải đảm bảo khả năng điều chỉnh và tiến hành trinh sát từ quỹ đạo đó. Điều này bao gồm việc xác minh khả năng chụp ảnh bằng camera quang học và truyền chúng đến trung tâm vệ tinh”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ăn mừng việc phóng vệ tinh do thám thành công, theo KCNA.

Vệ tinh sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

CHDCND Triều Tiên cho biết vệ tinh này là giải pháp giúp đối phó với các mối đe dọa, đồng thời sẽ cải thiện khả năng giám sát các nước láng giềng.

KCNA đưa tin ông Kim đã xem lại các bức ảnh chụp các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam được gửi từ Malligyong-1. Ông Kim “đã xem các bức ảnh hàng không vũ trụ về căn cứ không quân Andersen, cảng Apra và các căn cứ quân sự lớn khác của lực lượng Mỹ được chụp trên bầu trời đảo Guam ở Thái Bình Dương, được nhận vào lúc 9h21 sáng ngày 22/11”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng của vệ tinh mới được phóng.

Vann Van Diepen, cựu chuyên gia vũ khí của Chính phủ Mỹ, người làm việc với Trung tâm Stimson ở Washington nói với hãng tin Reuters: “Có khả năng đây là một vệ tinh quang học tương đối nhỏ và có độ phân giải tương đối thấp. Nhưng, ngay cả một vệ tinh có độ phân giải tương đối thấp cũng tốt hơn là không có vệ tinh”. Ông Diepen cho biết thêm, một vệ tinh như vậy khó có thể cung cấp thông tin tình báo chi tiết về các hệ thống vũ khí cụ thể, nhưng nó vẫn hữu ích trong việc xác định các hoạt động quân sự lớn.

Ngoài tính hữu dụng thực tế, vệ tinh này còn là một dấu hiệu khác cho thấy triển vọng phục hồi “ngoại giao hạt nhân” với Washington là vô cùng mờ nhạt, kể từ hội nghị thượng đỉnh thất bại của ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019.

“Rõ ràng đây không phải là sự kiện xảy ra một lần mà là một phần trong chiến lược của CHDCND Triều Tiên nhằm ưu tiên năng lực quân sự hơn phát triển kinh tế, đe dọa hơn là hòa giải và liên kết hơn nữa với Nga và Trung Quốc thay vì theo đuổi chính sách ngoại giao với Hàn Quốc”, Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul cho biết.

Chad O'Carroll, người sáng lập trang web NK News, cho biết Bình Nhưỡng có thể tuyên bố sở hữu một vệ tinh trinh sát quân sự. Ông này viết trên X (trước đây gọi là Twitter): “Chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng chứng minh rằng vệ tinh này có rất ít hoặc không có giá trị trinh sát quân sự, đồng thời cố gắng trấn an người dân rằng khả năng quân sự của vệ tinh này vẫn được giấu kín”. “Nhưng, ngay cả khi khả năng nằm ở mức cơ bản, vệ tinh vẫn có thể cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực về các hoạt động di chuyển và lắp đặt quân sự trên toàn khu vực. Đây là một sự thay đổi lớn”.

Tên lửa Chollima-1 dường như là một thiết kế mới và các nhà phân tích cho biết nó có thể sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, vòi phun kép được phát triển cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Bình Nhưỡng. Tên lửa này có nguồn gốc từ các thiết kế từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, mặc dù phương tiện phóng vào không gian (SLV) có thể sử dụng động cơ giống như ICBM nhưng vẫn có những khác biệt về thiết kế.

Phản ứng

Hàn Quốc đáp trả bằng cách đình chỉ các phần của Thỏa thuận quân sự toàn diện được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa ông Kim và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Thủ tướng Han Duck-soo phát biểu tại cuộc họp nội các bất thường ở Seoul: “CHDCND Triều Tiên đang thể hiện rõ ràng rằng họ không có thiện chí xây dựng lòng tin cũng như tuân thủ thỏa thuận quân sự được thiết kế nhằm giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo”. Seoul cho biết họ sẽ khôi phục các hoạt động trinh sát và giám sát trên không đối với “các hành động khiêu khích” dọc biên giới, các hành động sau đó sẽ còn tùy thuộc vào động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc và Mỹ cũng đồng thời công bố kế hoạch một cuộc tập trận chung diễn ra vào cuối tháng này.

Trung Quốc thì cho biết việc đảm bảo hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên là vì lợi ích của tất cả các bên.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/malligyong-1-lai-lam-nong-ban-dao-trieu-tien-i715088/