Malaysia và năm Chủ tịch ASEAN 2025: Thương mại quốc tế là phương thuốc chữa bách bệnh?

Malaysia sẽ phải khẳng định với các chính phủ thành viên của ASEAN rằng Hiệp hội là một cơ chế cần thiết để khu vực hội nhập về mặt kinh tế và địa chiến lược.

Logo ASEAN. (Nguồn: Adobe Stock)

Malaysia sẽ giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kéo dài một năm vào 2025. Theo Tiến sĩ Ooi Kee Beng, Giám đốc điều hành của Viện Penang, khi cột mốc đang đến gần, chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ có cơ hội hành động, thể hiện rõ nhất những gì họ cho là có tầm quan trọng đặc biệt liên quan đến khu vực Đông Nam Á.

Một cơ hội, nhiều lợi ích

Là tác giả cuốn Thời kỳ Phục hưng châu Á (1996), ông Anwar Ibrahim cho rằng, bản sắc dân tộc, sự trưởng thành về kinh tế và sự phù hợp toàn cầu của mỗi quốc gia được thể hiện tốt nhất thông qua các diễn ngôn chính trị. Căng thẳng giữa các cộng đồng trong nước được giải quyết tốt nhất thông qua sự tham gia của quốc gia đó và vị trí của họ đặt trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn.

Chức Chủ tịch ASEAN của Malaysia năm 2025 mang đến cho Thủ tướng Anwar cơ hội kết hợp nhiều thành phần trong tư tưởng thông qua các chính sách phát triển kinh tế của khu vực. Do đó, các chủ đề mà chính quyền của ông lựa chọn làm nổi bật vào năm 2025 sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với quá trình xây dựng đất nước, so với khi Malaysia làm Chủ tịch ASEAN những lần trước đó.

Những tuyên bố, chẳng hạn như về tình mẫu tử, từ cách đây 10-20 năm trước, sẽ không còn phù hợp nữa.

Năm 2015, khi ông Najib Razak là Thủ tướng Malaysia, khẩu hiệu Năm Chủ tịch ASEAN của Malaysia là “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”. Một thập niên trước đó vào năm 2005, dưới thời của Thủ tướng Tun Abdullah Ahmad Badawi, khẩu hiệu đó là “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.

Chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim nên làm gì để tận dụng cơ hội tương tự vào năm 2025 để vừa gia tăng tính hướng ngoại trong các cuộc thảo luận trong nước vừa đạt được tăng trưởng kinh tế và ổn định địa chính trị?

Bốn vấn đề cốt lõi

Trước hết, với vai trò chủ trì, Malaysia sẽ phải khẳng định với các thành viên của ASEAN rằng ASEAN là cơ chế cần thiết để khu vực hội nhập về mặt kinh tế và địa chiến lược và không còn nhiều thời gian. Việc bảo vệ thương mại quốc tế dựa trên các hiệp định đa phương đã có hiệu lực, các xu hướng địa chính trị hiện tại hướng tới cạnh tranh kinh tế và các khu kinh tế khép kín phải là lý do chính đằng sau vai trò của Malaysia trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tác động của nó đối với các mối quan ngại trong nước cũng cần được nêu rõ. Vì ngày nay, không thể kêu gọi hội nhập kinh tế mà không lưu tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, nên cam kết về sự bền vững môi trường là một lập trường cần thiết.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thành tố cơ bản trong nền kinh tế của tất cả các nước Đông Nam Á, sẽ phải là mục tiêu theo đuổi chính thông qua đổi mới và kết nối kỹ thuật số cũng như khu vực hóa tham vọng của họ.

Chức Chủ tịch ASEAN là cơ hội tốt để chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim nâng quan điểm và trọng tâm quốc gia lên tầm khu vực. (Nguồn: Bernama)

Theo tác giả, trực tiếp hơn, Chủ tịch ASEAN ít nhất nên tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, làm sâu sắc hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Malaysia nên tích cực ủng hộ các FTA toàn diện và bao trùm trong ASEAN, và với các đối tác bên ngoài. Các hiệp định này cần tìm cách giảm bớt các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho các dòng chảy thương mại và đầu tư, cũng như thúc đẩy tính minh bạch trong các quy định thương mại.

Thứ hai, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực: Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và hài hòa hóa các quy định thương mại và đầu tư trong ASEAN, Malaysia có thể giúp thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực kiên cường và liên kết với nhau, có thể chịu được những gián đoạn bên ngoài và những căng thẳng thương mại.

Thứ ba, tăng cường thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử: Malaysia nên ủng hộ thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử trong ASEAN. Thúc đẩy thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới, tiêu chuẩn hóa các quy định thương mại điện tử và tăng cường kết nối kỹ thuật số sẽ cung cấp cho các SME ở tất cả các quốc gia thành viên khả năng tiếp cận các thị trường lớn hơn.

Thứ tư, cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng: Tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan và cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong ASEAN đều là những nhiệm vụ cần thiết, cùng với đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện kết nối và sử dụng các công cụ tạo thuận lợi thương mại kỹ thuật số. Những điều này sẽ giảm thiểu rủi ro gián đoạn do xung đột thương mại.

Vị trí Chủ tịch ASEAN là cơ hội tốt để chính phủ của Thủ tướng Anwar Ibrahim nâng tầm quan điểm và trọng tâm quốc gia lên cấp độ khu vực. Ông Anwar rất phù hợp để đóng vai trò quốc tế với tư cách là người kiến tạo hòa bình và điều phối các căng thẳng địa chính trị.

Quan trọng hơn, khi nhận ra tầm quan trọng của thương mại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thúc đẩy hòa bình, Thủ tướng Anwar Ibrahim nên ủng hộ việc giảm bớt, thậm chí là xóa bỏ các rào cản thương mại, hỗ trợ kết nối thương mại và thúc đẩy các chính sách toàn diện.

Người đứng đầu chính phủ Malaysia cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, với sự hiểu biết rằng, các thể chế đa phương là công cụ thiết yếu để giải quyết các thách thức toàn cầu. Trên thực tế, trong suốt thời gian nắm quyền và không chỉ với tư cách là Chủ tịch ASEAN, ông Anwar Ibrahim cũng nên ủng hộ cải cách những tổ chức lớn nhất như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và thậm chí cả Liên hợp quốc.

Các lĩnh vực khác mà ông Anwar có thể tạo ra sự khác biệt và củng cố cam kết của Malaysia đối với toàn cầu hóa công bằng và hòa bình là hòa giải ngoại giao, hỗ trợ nhân đạo và bền vững môi trường. Bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa khu vực ASEAN, ông có thể giúp vượt qua sự chia rẽ chính trị trong nước.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từng ủng hộ các sáng kiến ở cấp độ toàn cầu. Đạt được năng lực, kinh nghiệm và danh tiếng với tư cách là một chính khách sẽ dễ dàng hơn so với việc chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước. Thủ tướng Anwar Ibrahim là người có khả năng quảng bá những thành tựu quốc tế cho khán giả trong nước và điều đó sẽ được thực hiện tốt nhất nếu tập trung vào lợi ích kinh tế và danh tiếng cho đất nước.

Tham gia vào ngoại giao quốc tế cũng cho phép ông Anwar xây dựng liên minh và quan hệ đối tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Những điều này có thể được tận dụng để thúc đẩy lợi ích của Malaysia và thúc đẩy các ưu tiên trong nước như phát triển kinh tế và hợp tác an ninh.

Nhìn chung, bằng cách tận dụng chiến lược tham gia vào các sáng kiến quốc tế, Thủ tướng Anwar Ibrahim có thể nâng cao sức mạnh chính trị trong nước, củng cố uy tín lãnh đạo và thu hút sự ủng hộ đối với các sáng kiến cải cách của chính phủ.

(theo TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/malaysia-va-nam-chu-tich-asean-2025-thuong-mai-quoc-te-la-phuong-thuoc-chua-bach-benh-266734.html