Mai tôi về, thương nhớ bạn nhiều hơn…

Vẫn một chiều như bao chiều khác mà những người chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã trải qua trong cuộc đời, nhưng chiều 17/4, với 139 người từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là một buổi chiều thật khác. Bởi đã lâu, rất lâu rồi những con người ấy mới gặp được 'hồn' đất, 'hồn' bạn tại chính nơi 70 năm trước họ đã sát cánh chung chiến hào chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Thắp hương viếng đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ A1.

Và rồi, sau những giờ phút ngắn ngủi gặp lại bạn cùng chiến đấu, bạn chung chiến hào, chung cả ước mơ, họ lại chia tay để trở về Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chân bước nhẹ theo thời gian thật khẽ, mỗi bước chân lưu luyến dấu bạn hiền…

Chiều 16/4, trong Nghĩa trang liệt sĩ A1, tôi đã gặp những con người có mái đầu bạc trắng; mắt chậm, chân chùn bước khẽ trong nghĩa trang. Mỗi người đi có thêm 2 người dìu bước, mắt xa xăm như nén tiếng khóc hờ. Chào các ông, các bà, chào người chiến sĩ năm xưa, tôi nghe họ đáp tiếng cảm ơn thật khẽ.

Trong đoàn người có một cụ ông tóc trắng như cước, bước ngược đoàn đi tìm danh sách liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Chợt mắt ông sáng lên, tay run run ông chỉ tên 2 người liệt sĩ, ông nói rằng "cả hai đều là em con chú của tôi, họ hy sinh khi đào hào ngày 17/4/1954. Tuổi 20 họ gửi lại đất này". Hỏi người nhà ông, tôi được biết, tên ông là Trương Sỹ Trì, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã 90 tuổi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trương Sỹ Trì là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Ông Trương Sỹ Trì tìm tên đồng đội trên bảng vàng trong Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Trong đợt 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Trì được giao đào 3 đường hào; trong đó có 2 đường từ hướng đông và đông bắc vào đồi A1 và một đường hào từ phía tây nam lượn theo đồi E (cách đồi A1 về phía đông nam khoảng 200m, lợi dụng khe suối cạn theo đường 41 rồi quặt lên phía tây nam A1. Đường hào này tạo điều kiện cho bộ đội ta áp sát A1, hình thành vòng vây từ 3 phía: đông, đông nam, tây nam. Lực lượng ta thọc sâu vào A3 ở phía tây nam A1 sẽ cắt hoàn toàn con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên các cứ điểm A3 và A1, đồng thời là quả đấm mạnh vào sau lưng A1, bịt hẳn đường rút chạy của địch… Kể những tháng ngày cùng đồng đội đào hào, mắt ông Trì như sáng lên theo kỷ niệm.

Ông Trì khẽ kể, cũng cữ này 70 năm trước là thời kỳ trận chiến đấu vào giai đoạn cam go, đơn vị tôi được giao đào hào trên đồi A1. Việc đào hào vốn đã vất vả nhưng đào hào trên đồi A1 càng vất vả hơn. Vì ở đó, địch bố trí phòng ngự dày đặc, đất lẫn đá trên đồi lại cứng, việc đào hào lại chỉ tiến hành vào ban đêm nhưng chúng tôi không ai nề hà, không ai phàn nàn dù chỉ một lời.

Mỗi tối, trước khi đến ca đi đào hào, chúng tôi đều dặn nhau phải dồn sức vào đầu mũi xẻng moi đất, không được để gây thành tiếng động, không được để vướng mìn hay dây thép gai của địch mới bảo đảm bí mật, tính mạng cho anh em. Dù cẩn thận là thế nhưng cũng không tránh khỏi tổn thương và mất mát, vì cứ một lúc địch lại cho bắn đạn pháo tìm mục tiêu quanh hầm hào, lô cốt địch. Đồng đội của tôi, rất nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên đồi.

Những người lính trong buổi gặp tri ân...

Trở về Điện Biên lần này theo chương trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, ông Trì cùng 3 chiến sĩ Điện Biên là các ông: Dương Chí Kỳ, Trần Quang Triệu, Trịnh Hữu Cán được Ban Tổ chức đưa thăm viếng đồng đội ở Nghĩa trang A1; được tham quan bức tranh panorama (tranh tròn) tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, được gặp những người bạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chung đường phục vụ chiến dịch năm xưa… Nỗi trống vắng, nhớ mong trong lòng người chiến sĩ cũng đã được khỏa lấp phần nào. Nhưng nỗi nhớ đồng đội, nhớ người nằm lại vẫn mãi khôn nguôi…

Trong Nghĩa trang liệt sĩ A1, tôi đã thấy ông Dương Chí Kỳ đứng lặng thật lâu trước hàng hàng bia mộ. Lặng nhìn xuống rồi ông lại lặng lẽ bước đi. Để sáng nay, trong buổi gặp mặt ấm áp, nồng thắm tình đồng chí, đồng đội và đượm nghĩa tri ân, gửi lời nhắc nhở thế hệ trẻ về cống hiến, hy sinh của lớp cha anh trong cuộc chiến đấu chống thực dân, giải phóng Điện Biên Phủ đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Ông Dương Chí Kỳ cũng gửi lại niềm mong: "Dành sự quan tâm nhiều hơn cho những người anh em, đồng đội của chúng tôi mà cuộc sống đang còn khó khăn, vất vả; và cũng mong dành sự chăm sóc chu đáo hơn đến những người đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nằm lại đất này. Mong rằng các nghĩa trang liệt sĩ luôn sáng đèn, rực rỡ những màu hoa. Ngày mai, chúng tôi lại trở về Thành phố Hồ Chí Minh, xa Điện Biên Phủ, xa Mường Thanh nhưng tâm hồn chúng tôi luôn dõi theo, hướng về Điện Biên tươi đẹp, nghĩa tình!".

Những người lính tìm gọi tên đồng đội...

Chiều 17/4, trời Điện Biên bất chợt đổ cơn mưa tầm tã. Mưa về xua tan cái nóng nực nhiều ngày và mưa như cũng hiểu lòng những người xưa về thăm đồng đội, nhắc họ nhớ hơn những ngày mưa 70 năm trước, họ đã cùng nhau vục từng vục đất, múc từng gáo nước trong chiến hào…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mai-toi-ve-thuong-nho-ban-nhieu-hon-post805174.html