Mai Sơn: Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng thành vùng kinh tế trọng điểm

Mai Sơn đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mai Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, trung tâm huyện lỵ cách trung tâm tỉnh 30 km về phía Bắc. Là trung tâm công nghiệp và là huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh nằm trong cụm tam giác kinh tế: Thành phố Sơn La - Mai Sơn - Mường la. Trong những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo họp chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển - kinh tế - xã hội

Thông tin về tình hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo (Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh – Bí thư huyện ủy) cho biết: Đảng bộ, chính quyền huyện Mai Sơn đã vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương, đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, lấy phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng làm then chốt.

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, phát huy lợi thế, gắn với thị trường; các ngành, lĩnh vực, vùng đều có bước phát triển tiến bộ. Huy động được nội lực, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp đã phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với thị trường, hình thành được các vùng cây công nghiệp tập trung như cà phê, mía đường, sắn công nghiệp, cao su...

Chương trình xây dựng nông thôn được đẩy mạnh và đi vào thực chất, đạt bình quân 7,14 tiêu chí/xã, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa theo nghị quyết của HĐND tỉnh được phát triển rộng khắp và trở thành phong trào thi đua trong nhân dân toàn huyện (Trong 9 tháng (năm 2016 hoàn thành 30,78 km đường).

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mới. Một số nhà máy như: Mía đường, tinh bột sắn, xi măng Mai Sơn... hoạt động, thu hút được nhiều lao động tại địa phương. Các ngành dịch vụ phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

Mai Sơn còn chung sức thực hiện tốt Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, đón hàng nghìn hộ dân đến ở, ổn định đời sống ở khu tái định cư. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, công tác xóa đói giảm nghèo được lồng ghép với các chương trình dự án, số hộ khá tăng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm...

Đồng chí Thảo cho biết thêm: Trong 9 tháng (năm 2016), mặc dù gặp không ít khó khăn song cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung cao lãnh đạo, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

Với những ưu thế của địa phương như: Hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, đất đai màu mỡ, khí hậu, môi trường phù hợp với phát triển chăn nuôi và cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện đã tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó tập trung sản xuất, quảng bá các sản phẩm có thương hiệu và được khách hàng đón nhận như: Cà phê Chiềng Ban; rau sạch, an toàn ở xã Mai Tiên, Mường Bon; nếp tan Mường Chanh, Chè Phiêng Cằm...

Cùng với đó, huyện triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: mô hình chuyển đổi 100 ha cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả tại xã Chiềng Sung (Mô hình này góp phần tăng doanh thu từ 50-70 triệu đồng/năm/hộ dân); mô hình trồng thâm canh na dai tại thị trấn Hát Lót và xã Cò Nòi cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha; mô hình hỗ trợ chuối sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo hướng Vietgap tại bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Dự kiến mỗi năm cung ứng ra thị trường 182 tấn rau các loại) và các mô hình: cải tạo vườn xoài, nhãn, trồng cam, thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp... Đặc biệt, huyện phát huy thế mạnh là địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển khu công nghiệp đa ngành, có công nghệ sạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh, nâng cao đời sống nhân dân, đồng chí Thảo nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền huyện luôn tiếp nhận những thông tin phản ánh từ phía các cơ quan báo chí, những vấn đề còn bất cập, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân, từ đó sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng/ban chức năng giải quyết dứt điểm.

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; phát triển kinh tế theo hướng bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm.

Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, các cơ sở sản xuất và chế biến công nghiệp gắn với thị trường và lợi thế của từng vùng; thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư. Khai thác hiệu quả các nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, chăm lo đời sống nhân dân; thực hiện tốt chế độ, chính sách an sinh xã hội. Giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Trần Hải./KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/mai-son-doan-ket-sang-tao-xay-dung-thanh-vung-kinh-te-trong-diem-p41883.html