'Mai' - bước tiến của Trấn Thành

Không sa đà vào những màn cãi cọ ồn ào hay rao giảng đạo lý, bộ phim mới nhất đánh dấu sự lên tay của Trấn Thành trong cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Director: Trấn Thành
Cast: Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Trấn Thành, Khả Như, Hồng Đào…
Rating: 7.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Sau khi Bố già, Nhà bà Nữ liên tục thắng đậm tại phòng vé, sự quan tâm của khán giả dành cho phim mới của Trấn Thành không hề nhỏ. Người ta tò mò anh sẽ mang gì ra rạp Tết này, và liệu có ồn ào, vướng tranh cãi nhiều như hai dự án trước đó?

Mai, bộ phim thứ 3 do Trấn Thành đạo diễn, được anh dành nhiều tâm huyết suốt thời gian qua. Dự án do Bình Bồng Bột chấp bút, với kinh phí sản xuất khoảng 50 tỷ đồng - con số lớn khó tin với một tác phẩm thuộc thể loại tâm lý, tình cảm của điện ảnh Việt.

Trước đó, Trấn Thành gây không ít tranh cãi khi đem đạo lý, chửi thề hay cãi cọ lên phim. Thậm chí có ý kiến cho rằng các tác phẩm của anh nặng tính truyền hình. Tái xuất với dự án mới, nam nghệ sĩ đã biết cách lắng nghe và thay đổi phong cách làm phim của bản thân, dù chưa hẳn đã hoàn thiện.

Câu chuyện cảm xúc

Mai theo chân người phụ nữ cùng tên (Phương Anh Đào thủ vai), đi làm ở tiệm massage trị liệu. Vì tính nhạy cảm của nghề nghiệp, cô thường xuyên phải đối mặt với rắc rối, định kiến từ mọi người xung quanh. Thế rồi ở tuổi 37, Mai gặp Dương (Tuấn Trần), chàng công tử “ngậm thìa vàng” đào hoa, lãng tử. Trước màn “tấn công” dồn dập từ phía anh nhạc công trẻ, khao khát một cuộc sống hạnh phúc trỗi dậy trong cô một lần nữa.

Tác phẩm thuộc thể loại tâm lý với nội dung xoay quanh tình yêu đôi lứa, tình tự muôn thuở trong điện ảnh Việt lẫn điện ảnh thế giới. Làm cách nào để hô biến một thể loại đã quá quen, quá cũ trở thành món ăn hấp dẫn khán giả, đó là cái khó mà Trấn Thành phải vượt qua trong bộ phim lần này.

Mai có ngân sách lên tới 50 tỷ đồng.

Nội dung của Mai không quá phức tạp hay mang tính đột phá. Mượn câu chuyện tình trắc trở, đạo diễn lột tả số phận người phụ nữ bé nhỏ trước định kiến xã hội, trước sự cay nghiệt của miệng đời. Nhân vật chính là hình mẫu “hồng nhan bạc phận”, khi vấp phải trùng điệp sóng gió chỉ bởi ngoại hình thu hút.

Với thời lượng khoảng 2 tiếng, Mai cuốn hút khán giả nhờ lối kể chuyện giàu tính tự sự. Phim mở đầu bằng một cú long-shot theo chân nhân vật chuyển tới khu tập thể mới. Nơi đây, cô bị hàng xóm nhân cơ hội bày đủ trò “dằn mặt” vì ganh ghét, lo sợ phá vỡ hạnh phúc gia đình họ. Trong khi đó, đồng nghiệp cùng chỗ làm cũng coi cô như như cái gai trong mắt vì vô tình bị chiếm mất hào quang.

Dương - chàng hàng xóm phía đối diện - là người hiếm hoi thấy được sự tử tế phía sau cái mác “làm gái” gắn lên cô nàng. Anh từng bước gỡ lớp vỏ gai góc mà Mai khư khư suốt từng ấy năm, nhóm lên ngọn lửa tình yêu sưởi ấm một cô gái lỡ thì.

Cuộc tình chênh lệch tuổi tác trước định kiến xã hội, bị gia đình ngăn cản được khắc họa qua những thước phim lớp lang cảm xúc. Đạo diễn gieo mầm những mơ mộng, để rồi đánh thức người xem bằng sự trần trụi của hiện thực đắng cay.

Qua đó, câu chuyện về thân phận người phụ nữ và cả cách họ đối mặt với xã hội khắc nghiệt được triệt để phơi bày. Xót xa hơn, không ít bi kịch mà nhân vật phải hứng chịu xuất phát từ những mối quan hệ máu mủ. Từng tình tiết được tính toán cẩn thận, thử thách nhân vật từ đầu tới cuối tác phẩm. Tiết tấu phim cũng được kiểm soát tốt, đặc biệt là ở nửa sau.

Bộ phim của Trấn Thành ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2024.

Một điều khác mà Trấn Thành làm được là tiết chế những tình tiết ồn ào, nặng tính kịch. Anh dành thời gian nghiên cứu tâm lý nhân vật, cố gắng nén nó lại thật chậm để rồi khoảnh khắc bung tỏa trở nên đắt giá nhất.

Kể chuyện bằng hình ảnh

Mai không phải bộ phim hoàn hảo, nhưng chắc chắn là tác phẩm có kỹ thuật tốt nhất mà Trấn Thành từng thực hiện, từ dàn cảnh cho đến các kỹ thuật quay, dựng. Nam đạo diễn không ngần ngại khoe những thước phim với tính thẩm mỹ cao, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều cảnh one-shot tạo được ấn tượng thị giác.

Dù không phải cảnh quay nào cũng có tính toán hay mang ý nghĩa đặc biệt, thậm chí đôi lúc hơi phô diễn, nhưng không phủ nhận Trấn Thành đã cho thấy sự quan sát tỉ mỉ cùng óc lãng mạn qua nhiều khung hình. Hiệu ứng chuyển cảnh trong phim khá mượt, các góc quay cũng liên tục biến hóa, không để điểm nhìn của khán giả phải nán lại quá lâu.

Một vài cảnh quay cho thấy sự tinh tế của đạo diễn khi ẩn câu chuyện vào sau khung hình, đơn cử như khi Mai độc bước trên con đường phân cách sáng tối, khi cô đối thoại với Dương qua thanh rào cửa ngăn giữa hai người hay khi cặp đôi chìm vào giấc mộng bay bổng trong tiếng dương cầm...

Thế nhưng, cũng có cảnh khiến người xem đặt dấu hỏi về gu thẩm mỹ của nam đạo diễn, như cảnh quay kinh dị xuất hiện khiên cưỡng, kém duyên, hay cảnh giả tưởng nhân vật bị đẩy ngã xuống vực thẳm nặng tính diễn giải.

Một số cảnh quay trong phim gợi nhớ các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng.

Mai không có cốt truyện xuất sắc, không có âm nhạc ấn tượng, nhưng diễn xuất của dàn cast có thể dễ dàng chinh phục cảm xúc người xem.

Phải tới Mai, Phương Anh Đào mới thực sự tỏa sáng sau hành trình dài tìm chỗ đứng trên màn ảnh rộng. Hóa thân một nhân vật bị giằng xé với nhiều chuyển biến nội tâm, kỹ nghệ diễn xuất của cô mới có đất dụng võ.

Mai dưới màn nhập vai của Phương Anh Đào hiện lên là một người đàn bà đẹp và từng trải, chai sạn trước tình yêu. Trước và sau khi gặp Dương, Mai có sự thay đổi rõ rệt qua từng giai đoạn. Ở nhân vật có nhiều điều khiến người xem đồng cảm, từ trầy xước quá khứ cho tới nỗ lực giành lấy hạnh phúc dù bị đời vùi dập.

Một người đàn bà nhỏ bé hết thảy kìm nén nhưng đến lúc cần vẫn bùng nổ cảm xúc, song cô vẫn không bị đời làm cho “xấu” đi. Đó cũng là thông điệp nhân văn được Trấn Thành truyền tải một cách tinh tế, tự nhiên.

Vai Dương của Tuấn Trần có chút lép vế khi đứng trước Mai. Dẫu vậy, Dương lại là yếu tố giúp Mai nở rộ, tái sinh. Chàng nhạc công hoang dại “sát gái” lại trở nên rất ngọt, rất tình khi rơi vào ánh mắt của người đàn bà hơn mình 7 tuổi.

Hồng Đào trong vai người mẹ mang đến một màn trình diễn tuyệt vời, dù xuất hiện không nhiều nhưng rất đắt, là chất xúc tác khiến cảm xúc bộ phim bùng nổ. Ngoài ra, các nhân vật còn lại cũng gián tiếp bổ trợ cho sự phát triển nhân vật chính một cách hài hòa. Một số vai được xây dựng theo kiểu hơi kịch, làm lố nhưng không gây nhiều ức chế, chủ yếu để tạo miếng hài giải trí phù hợp không khí dịp Tết.

Mai được gắn nhãn 18+ do một số cảnh nóng ở đầu và giữa phim, táo bạo nhưng không dung tục. Một số lời thoại chửi thề vẫn xuất hiện, nhưng đã được tiết chế khá nhiều so với phim trước, không còn phản cảm. Trấn Thành đã biết cách mượn chất liệu đời sống một cách có chọn lọc để thể hiện góc nhìn hiện thực, nhờ đó đào sâu những uẩn ức trong tình yêu hay tình cảm gia đình.

Thông điệp phim cũng vì vậy mà chạm đến khán giả một cách tự nhiên, không giáo điều. Mai cũng thoát khỏi cái mác “cuốn sách giáo dục công dân của Trấn Thành” như một số dự án trước.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/mai-buoc-tien-cua-tran-thanh-post1459677.html