Mái ấm dành cho những phận đời kém may mắn

Mỗi người có một số phận và hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi về với Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai, họ được sống trong sự yêu thương, đùm bọc.

Trước Tết Nguyên đán vừa qua, bà Võ Thị Đáy (trú tại thị xã Ayun Pa) bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ. Không có nhà cửa, không người thân thích, những tưởng cuộc đời bà sẽ rơi vào bế tắc. Nhưng rồi, bà được cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bà cho biết: “Khi tôi về đây ở, cán bộ Trung tâm thường xuyên động viên, hỏi thăm tình hình sức khỏe và chăm sóc chu đáo. Nhờ vậy, sức khỏe của tôi đã dần ổn định. Tôi đã coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình rồi”.

Nhân viên Trung tâm tận tình chăm sóc cho các cụ già đang sinh sống tại đây. Ảnh: Hà Đức Thành

Chị Trần Thị Thùy Linh-người trực tiếp chăm sóc bà Đáy-chia sẻ: “Hoàn cảnh của bà Đáy rất éo le. Thời gian đầu, bà thường buồn bã, lo lắng về sức khỏe của bản thân. Hiện nay, sức khỏe của bà đã ổn định, bà cũng vui hơn rất nhiều rồi. Ở Trung tâm, mỗi người một tính cách, hoàn cảnh nên việc chăm sóc cho người già cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng vì đã lựa chọn nghề này rồi nên chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng chăm sóc để các cụ được sống khỏe, sống vui”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh hiện có 20 nhân viên trực tiếp chăm sóc 134 người có hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có 42 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật; 87 người cao tuổi, người khuyết tật và một số trường hợp khác.

Chị Kpăh HƠi tâm sự: Chị là trẻ mồ côi, lớn lên trong tình yêu thương của các cô, các mẹ. Nếu không có Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, có thể chị đã phải chật vật mưu sinh từ nhỏ và không được đến trường. Còn em Kpui Chi thì cho hay: Năm nay, em 18 tuổi. Em đã sinh sống ở mái nhà chung này được 12 năm rồi. Tới đây, em sẽ rời xa mái nhà chung này để bước tiếp vào con đường đại học.

“Mặc dù lúc nhỏ cháu hơi ngỗ nghịch nhưng luôn được các cô bao dung, chở che. Cháu rất biết ơn. Sau khi học xong, cháu sẽ xin về Trung tâm làm việc để tiếp tục hành trình mà các cô, các mẹ đã đi”-Chi bày tỏ.

Theo bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Cán bộ Trung tâm nắm rất rõ hoàn cảnh của từng người. Cán bộ, nhân viên Trung tâm còn dạy cho các em nhỏ kỹ năng sống, biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Ngoài giờ học, các em cùng vui chơi, học tập, dọn vệ sinh, trồng rau... để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Để làm tốt công tác chăm sóc cho những đối tượng yếu thế, kém may mắn, hàng năm, ngoài ngân sách được giao, chúng tôi còn kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân. Đội ngũ cán bộ, nhân viên thì rất nhiệt tình và luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mai-am-danh-cho-nhung-phan-doi-kem-may-man-post271255.html