Mắc mùng, ngủ dưới sương đêm canh hoa tết

Người bán hoa tết ở TP.HCM thức trắng đêm hoặc chỉ tranh thủ chợp mắt với hy vọng vụ hoa tết sẽ bán hết sớm.

Chỉ còn vài ngày nữa là tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gõ cửa. Tranh thủ những giây phút cuối năm, người bán hoa kiểng ở TP.HCM dồn lực tập trung bán, hy vọng vụ hoa năm nay sẽ bán hết sớm, sớm về quê đón tết cùng gia đình.

2 giờ sáng, nhiều tiểu thương ngủ tạm trên ghế dưới sương. Ảnh: KIM TÚ

2 giờ sáng, nhiều tiểu thương ngủ tạm trên ghế dưới sương. Ảnh: KIM TÚ

Mong về quê đón tết trước giao thừa

Đã 2 giờ sáng, khách đến Công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM) mua hoa thưa thớt dần. Đây cũng là lúc những tấm bạt, mùng... được trải ra. Người thì yên vị trên những chiếc võng mắc tạm hoặc ghế xếp. Các tiểu thương tranh thủ chợp mắt sau một ngày làm việc cực nhọc.

Thế nhưng bên cạnh đó vẫn có những tiểu thương cùng các nhân công chấp nhận thức trắng đêm để vận chuyển, bốc vác hàng ngàn chậu hoa được chuyển từ miền Tây lên để sáng hôm sau bày bán. Ở đây, tiếng nói cười rôm rả không ngớt.

Đã hơn hai thập niên gắn bó với nghề bán hoa tết, ông Phạm Hồng Phước (55 tuổi, quận 3, TP.HCM) cho biết năm nay ông mua gần 500 chậu hoa kiểng các loại để bán nhưng khách hàng chỉ đến mua lai rai. Đến nay ông mới chỉ bán được khoảng 30%.

Theo lời ông Phước, năm nay thời tiết thất thường, việc chăm sóc cũng như hoa trổ không đạt chất lượng như mọi năm. Điều này khiến người bán hoa như ông gặp nhiều khó khăn khi đến vườn lựa chọn hoa và bày bán.

 Nhiều tiểu thương và nhân công đang tất bật vận chuyển hoa và cây kiểng trong đêm. Ảnh: KIM TÚ

Nhiều tiểu thương và nhân công đang tất bật vận chuyển hoa và cây kiểng trong đêm. Ảnh: KIM TÚ

Ông Phước tâm sự: “Tôi khá lo lắng vì tình hình kinh tế khó khăn, người dân sẽ giảm chi tiêu chơi tết. Tuy nhiên, tôi cũng nhập đa dạng các loại từ mai, hoa, giấy, quýt, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, hướng dương... để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Theo ông Phước, gia đình ông có 5-6 người thay phiên canh hoa. Ban đêm ông thường trông coi một mình không ngủ, hôm sau sẽ có người khác thay. “Khi nào mệt quá thì nằm trên ghế chợp mắt một chút, không thì ông trông đến sáng. Chỉ hy vọng khách sẽ mua hết hàng trước ngày 30 để về quê kịp sum họp đêm giao thừa với gia đình” - ông Phước nói lúc đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng.

Mỗi năm chỉ có một dịp tết, dù vất vả nhưng phải cố gắng.

Nằm sương canh hoa kiểng

Đã hơn 2 giờ sáng nhưng ông Trần Minh Thuận (43 tuổi, quê Bến Tre) vẫn miệt mài chăm sóc mấy chậu mai chiếu thủy. Ông cho biết hơn chục năm nay cứ đúng vào dịp 20 tháng Chạp, ông thuê xe tải chở mấy trăm chậu mai chiếu thủy, bon sai, cúc đại đóa... lên Công viên Gia Định bày bán.

“Buổi đêm tôi không dám ngủ để canh cây. Tôi và mấy anh em thay nhau thức đêm để chăm sóc cũng như bán cho người dân đi mua cây cảnh vào đêm muộn. Mỗi năm chỉ có một dịp tết, dù vất vả nhưng phải cố gắng. Nếu bán hết sớm thì về sớm, còn không hết thì đến trưa 30 tết, đúng 12 giờ cũng phải đưa hoa về hoặc đem bỏ để trả mặt bằng” - ông Thuận nói.

Cách đó vài trăm mét, chúng tôi thấy ông Đặng Thạch Tâm Phúc (40 tuổi, quận 3, TP.HCM) đang gật gù đắp tạm chiếc áo ấm, ngả lưng cho đỡ mệt.

Giật mình tỉnh giấc, tôi hỏi thăm ông Phúc được mấy câu. Ông cho biết mấy hôm nay ông bán hoa chậm, đến thời điểm này người mua vẫn còn khá e dè, sức mua không bằng mọi năm dù đã là 24 tháng Chạp.

“Tôi và các anh em chia ca ra ngủ, khu vực này là nơi tập kết rất nhiều sạp hoa nên tôi không quá lo lắng. Nằm ở đây ngủ tạm thời, sương gió mấy cũng phải chịu, còn vài ngày nữa là đến tết rồi” - ông Phúc ngậm ngùi.

Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay số lượng hoa, cây kiểng nhà vườn bày bán tại Công viên Gia Định tăng cao. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều tiểu thương đang canh cánh nỗi lo vì lượng khách hàng tìm đến mua hoa tại đây vẫn chưa mấy sôi động.•

Ông Lê Đăng Khoa đến Công viên Gia Định lúc nửa đêm để mua hoa về trưng tết. Ảnh: KIM TÚ

Có khách mua hoa lúc nửa đêm

Đến Công viên Gia Định lúc nửa đêm để mua cặp hoa cúc về trưng tết, ông Lê Đăng Khoa (41 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) đang nhờ nhân công khiêng hoa lên xe để chở về nhà.

“Tôi chọn mua hoa lúc nửa đêm vì đi giờ này sẽ lựa được nhiều hoa, thoải mái hơn. Tôi mua được chậu cúc giá 500.000 đồng, đang tính lựa cây mai nữa. Năm nào cũng mua hoa về trưng tết, tôi thấy năm nay không khí có vẻ khá trầm lắng so với năm trước” - ông Khoa chia sẻ.

KIM TÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/mac-mung-ngu-duoi-suong-dem-canh-hoa-tet-post716753.html