Mặc 'Áo giáp' cho vựa lúa - Bài 4: Sớm triển khai các giải pháp cấp bách

Với vai trò của ĐBSCL trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế cho cả nước, các chuyên gia, lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương trong vùng khẳng định, cần sớm triển khai các giải pháp cấp bách bảo vệ ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ. Báo SGGP trân trọng giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Hạn hán làm cho kênh rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khô cạn. Ảnh: TẤN THÁI

Hạn hán làm cho kênh rạch trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khô cạn. Ảnh: TẤN THÁI

GS-TS ĐÀO XUÂN HỌC, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cố vấn các dự án của chính phủ về thủy lợi: Làm đập cho ĐBSCL

 GS-TS Đào Xuân Học

GS-TS Đào Xuân Học

Với lưu lượng nước bình quân hơn 400 tỷ m3 của ĐBSCL thì biết quản lý sẽ không lo thiếu nước. Chúng ta cần tính toán, nghiên cứu làm thế nào để giữ được hơn 400 tỷ m3 nước này, phục vụ đắc lực cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, không để lãng phí. Giải pháp mà theo tôi cần đề ra là phải xây dựng những con đập (cống) hoặc hồ chứa để trữ nước ngọt cho ĐBSCL.

Về vấn đề này, từ khoảng năm 2010-2011, khi nghiên cứu Quy hoạch ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT đã từng tính đến câu chuyện làm các con đập hoặc cống ở hầu hết các cửa sông ở ĐBSCL (chỉ riêng sông Hậu là đề xuất, trước mắt chưa cần làm do liên quan nhiều đến nhu cầu giao thông, tàu thuyền đi lại). Tuy nhiên, thời điểm đó, vấn đề cũng chưa “nóng” như bây giờ và cũng có nhiều luồng ý kiến không đồng ý, nên đề xuất này đã không được đưa vào quy hoạch. Nhưng với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu nghiêm trọng như hiện nay (nhất là hạn hán, xâm mặn ngày càng khốc liệt), thì về lâu về dài, rõ ràng cần phải đầu tư, xây dựng những công trình như vậy, không thể làm khác được.

Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Sẽ rà soát lại quy hoạch

 Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

Nghị quyết số 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có nêu giải pháp ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu phải trên tinh thần “thuận thiên”. Mặc dù những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra nhiều hơn, nhưng đây cũng là quy luật tự nhiên nên chúng ta cũng cần bình tĩnh ứng phó và thích nghi có kiểm soát, đồng thời linh hoạt trong chuyển đổi.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại quy hoạch của toàn vùng ĐBSCL, chỉ rõ vùng nào thiếu nước ngọt, vùng nào phù hợp nuôi tôm, vùng nào chỉ sản xuất cây ăn trái, vùng nào không được trồng lúa. Quy hoạch sản xuất này sẽ quyết định việc thích ứng với tình trạng hạn, mặn. Điều quan trọng nhất là các địa phương phải thực hiện nghiêm quy hoạch sản xuất, chỗ nào quy hoạch nuôi tôm, trồng lúa, phải thực hiện nghiêm. Phải thống nhất quan điểm dù là nước ngọt, nước mặn, hay nước lợ đều là tài nguyên để thích ứng.

 Vụ sụt lún xảy ra tại nhà kho Bến Thủy của Công ty CP Lương thực Hưng Phước, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ giữa tháng 4-2024. Ảnh: CAO PHONG

Vụ sụt lún xảy ra tại nhà kho Bến Thủy của Công ty CP Lương thực Hưng Phước, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ giữa tháng 4-2024. Ảnh: CAO PHONG

Ông NGUYỄN MINH CẢNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Sông Mê Công càng ít nước, mặn càng xâm nhập sâu

 Ông Nguyễn Minh Cảnh

Ông Nguyễn Minh Cảnh

Nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông Mê Công. Những năm qua, nguồn nước này đang cạn dần, bằng chứng là nhiều năm ĐBSCL không có lũ, hoặc lũ rất thấp. Trong khi đó, Campuchia sắp làm kênh Funam - Techo, khi dòng kênh này được xây dựng, chắc chắn nguồn nước về vùng hạ lưu sông Mê Công sẽ càng thấp hơn. Khi đó, không chỉ thiếu nước ngọt tưới tiêu, mặt khác mặn sẽ xâm nhập sâu hơn. Từ thực tế này, để ứng phó hiệu quả với hạn mặn, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp, theo tôi cần thiết phải có đê bao ngoài, tức là đầu tư xây dựng hệ thống cống thủy lợi như cống Cái Lớn - Cái Bé. Tại Bến Tre, địa phương đang ưu tiên làm cống Hàm Luông trước. Cống này mặc dù nằm giữa tỉnh Bến Tre nhưng không phải phục vụ cho Bến Tre mà cả các tỉnh lân cận.

Ông NGUYỄN MINH LÂM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Xây thêm và mở lại các giếng dự phòng

 Ông Nguyễn Minh Lâm

Ông Nguyễn Minh Lâm

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho người dân vùng thiếu nước, đặc biệt là ở các vùng hạ của tỉnh Long An, UBND tỉnh đã yêu cầu Nhà máy nước Nhị Thành giảm thời lượng cấp nước tại TP Tân An, huyện Thủ Thừa… để đưa nước về huyện Cần Giuộc. Tỉnh cũng chủ trương xây thêm và mở lại các giếng dự phòng đã đóng nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam xả nước hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông nhằm khống chế ranh mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt vận hành các trạm bơm và kênh rạch phục vụ sản xuất. Về lâu dài, tỉnh Long An đang tập trung hoàn thiện hạ tầng thủy lợi. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ đầu tư 33 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 157 tỷ đồng.

Ông NGUYỄN VĂN VĨNH, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn

 Ông Nguyễn Văn Vĩnh

Ông Nguyễn Văn Vĩnh

Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng cống Trà Tân, Ba Rài để khép kín vùng dự án Bảo Định mở rộng, nhằm bảo vệ 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An; trong đó có 70.000ha diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh Tiền Giang nâng cấp, mở rộng ao chứa nước Phú Thạnh 10ha và ao Tân Thới 6ha, với kinh phí 160 tỷ đồng để phục vụ cho người dân huyện Tân Phú Đông; nâng cấp, mở rộng ao Gia Thuận 10ha, ao Bình Thành 30ha, ao Gò Gừa 15ha, kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng để đảm bảo nước sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.

 Sụt lún, sạt lở đường giao thông tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HOÀNG TUẤN

Sụt lún, sạt lở đường giao thông tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HOÀNG TUẤN

Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại ĐBSCL

- Nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thủy lợi lớn: Nhật Tảo - Tân Trụ, Bảo Định, Gò Công, Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Ô Môn - Xà No...

- Kết nối, chuyển nước giữa các hệ thống thủy lợi (Bảo Định - Gò Công - Tân Trụ...) để tăng cường khả năng trữ nước, chuyển nước nội vùng, liên vùng và chủ động kiểm soát, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

- Đầu tư, xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước tại các cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, tiếp tục nghiên cứu công trình kiểm soát nguồn nước đối với các cửa sông còn lại; đầu tư hồ trữ nước ngọt phân tán chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

- Nạo vét các kênh, rạch lớn vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để kết hợp trữ nước phục vụ dân sinh, sản xuất vào mùa khô và tiêu thoát lũ vào mùa mưa.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mac-ao-giap-cho-vua-lua-bai-4-som-trien-khai-cac-giai-phap-cap-bach-post739876.html