Mặc áo dài, đi xe đạp - cùng sống chậm ở Hà Nội

Hơn 100 người mặc áo dài cùng chiếc xe đạp dạo quanh: Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Tháp rùa Hồ Gươm, Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội… đã trở thành một sự kiện nổi bật trong dịp lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh vừa qua.

Với rất nhiều người, cảnh tượng này đã gợi nhớ về Hà Nội của những năm 80 thế kỷ trước: phụ nữ Hà thành mặc áo dài đạp xe đến trường, đến công sở.

Gợi nhớ Hà Nội êm đềm

Theo nhà văn Đỗ Phấn, Hà Nội những năm 1970 và 1980 ít xe máy, ô tô; phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Chính vì vậy hình ảnh phụ nữ Hà Nội thướt tha với tà áo dài đạp xe thong dong đến công sở, học sinh Hà Nội tinh khôi cùng áo dài trắng đến trường đã trở thành quen thuộc. Hà Nội ngày ấy rất êm đềm.

Ấn tượng nhất với ông Lê Văn Nghĩa, một người gắn bó với Hà Nội hàng chục năm nay, trên chiếc xe đạp thương hiệu Phượng Hoàng hay Thống Nhất người con gái Hà Nội có những cách khởi điểm lên xe rất khác.

Ông chia sẻ: “Cuối năm 1975, tôi ra Hà Nội. Điều ngộ nghĩnh đầu tiên tôi nhận xét sau khi ngồi trong cửa hàng ăn tô phở mậu dịch không người lái là con gái Hà Nội đẩy xe đạp chạy cho có đà rồi nhảy lên yên sau. Cách ngồi sau xe khi được đèo của phụ nữ mặc áo dài ở Hà Nội cũng khác, không ngồi 2 chân 2 bên mà nhẹ nhàng vắt tà áo ngồi lệch 1 bên”.

Người dân Hà Nội cùng bạn bè quốc tế tham gia sự kiện Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9

Phụ nữ Hà Nội rất coi trọng áo dài. Nghệ sĩ Lê Mai cho biết: phụ nữ Hà Nội xưa kia hễ cứ bước ra phố, bất kể là đi đâu và làm việc gì đều khoác trên mình một tấm áo dài. Song muốn mặc một chiếc áo dài mà để mình cũng vừa ý mà người khác cũng khen đẹp, không phải là điều đơn giản.

Người lớn tuổi thường chọn các màu áo dài màu sắc nhã nhặn, hoa văn họa tiết không quá rối rắm, hay quá sặc sỡ. Cũng không mặc những loại áo vải quá mỏng, sẽ thành hở hang, mất lịch sự. Nếu áo hơi mỏng, như kiểu lụa tơ tằm mình khô hoa ướt, mình ướt hoa khô, lụa chí cẩm hồi văn, the hoa, the thường… thì có thể mặc lót bên trong một tấm áo mỏng nhẹ, may sát người.

Ngày xưa, các bà các cô thường mặc lót bằng một tấm áo cánh bà ba phin nõn trắng có viền bô-đê hình sóng lượn. Sau này thì có thể mặc lót một tấm áo ba lỗ thay thế bên trong tấm áo dài mỏng.

Áo dài đi làm, áo dài đi hội, áo dài đi cưới hỏi… khiến trang phục này trở thành quen thuộc ở Hà Nội thời kỳ đó. Đến bây giờ, phụ nữ Hà Nội vẫn mặc áo dài vào những dịp lễ quan trọng, thế nhưng ngắm tà áo dài thướt tha trong sự êm đềm thì không còn nhiều. Bởi vì người mặc áo dài đi xe đạp thời nay rất hiếm, đường phố giờ cao điểm là sự ùn tắc, tiếng còi xe, khói bụi đã lấn át khoảnh khắc êm đềm đó.

Chính vì vậy, từ năm 2023, Sở Du lịch phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội lần thứ nhất. Đây cũng sẽ là sự kiện thường niên vào mỗi dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

Áo dài, xe đạp ở thời đại 4.0

Cảm nhận không khí hơn 100 người là du khách nước ngoài, cán bộ công sở, lao động tự do, từ người già đến các em thiếu nhi… đều nô nức dậy từ 5 giờ 30 sáng ngày 1/9 để cùng nhau đạp xe đi qua các tuyến phố Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ - Độc Lập - Tràng Tiền… gắn với đó là các di sản Hoàng Thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Tháp rùa Hồ Gươm, Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội… để thấy Hà Nội bình lặng trong dịp lễ và cũng đầy thương nhớ, quyến rũ ở mỗi điểm đoàn di chuyển qua.

Đặc biệt, để giữ nét đẹp thanh lịch, trang nhã, đậm truyền thống, ban tổ chức chương trình Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội thông báo những lưu ý: nam giới chỉ mặc áo dài ngũ thân tay chẽn, không mặc áo dài cách tân; nữ giới đề nghị mặc áo dài giản dị, không đính/thêu kim tuyến, áo màu phản quang, thêu ren xuyên thấu... Các thành viên tham gia không nên mặc những loại trang phục có kết cấu dài, rộng, không bảo đảm an toàn khi đi xe đạp.

Điều khác biệt của người phụ nữ Hà Nội thời nay với thiếu nữ Hà thành của 30 năm về trước là chiếc xe đạp gắn với sự kiện không phải thương hiệu Phượng Hoàng hay Thống Nhất mà là xe đạp công nghệ, thân thiện với môi trường mới được đưa vào sử dụng khai thác. Chỉ với 5.000 đồng/30 phút, chị Minh Thu ở Đống Đa, Hà Nội đã có thể cùng những người bạn của mình đồng hành trên chặng đường chương trình Áo dài với di sản.

Chia sẻ về ý tưởng và ý nghĩa sự kiện, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình cho biết: “Hình ảnh người dân mặc áo dài đạp xe quanh những con phố cổ ở Hà Nội sẽ góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Thủ đô, tôn vinh nét đẹp của trang phục áo dài truyền thống. Sự kiện góp phần giúp người dân, du khách nước ngoài có cái nhìn và hiểu biết rõ nét hơn về áo dài truyền thống của Việt Nam nói riêng và vẻ đẹp cũng như các giá trị của di sản Hà Nội nói chung”.

Ngoài ra, chương trình Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội đang được kỳ vọng mở đầu cho việc các địa phương cùng cộng đồng mặc áo dài ở Hà Nội, cũng sẽ linh hoạt hơn trong các kết nối xu hướng sống như sống xanh, kết nối văn hóa truyền thống…

Linh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mac-ao-dai-di-xe-dap-cung-song-cham-o-ha-noi.html