'Ma trận' sở hữu kỳ nghỉ

Nhiều người phản ánh bị sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ, trong đó có những người cùng lúc sập bẫy lừa của nhiều công ty với số tiền bị mất lên đến hàng trăm triệu đồng

Sáng 4-4, gần 30 khách hàng của Công ty CP Câu lạc bộ kỳ nghỉ Việt Nam, nay đổi tên thành Công ty CP Vietnam Capitaland, đến văn phòng công ty này ở TP Thủ Đức, TP HCM để yêu cầu giải quyết khiếu nại.

Khách hàng bức xúc

Trước đó, ngày 28-3, những khách hàng này đã đến công ty để khiếu nại một số vấn đề liên quan hợp đồng cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng. Cụ thể, khách hàng yêu cầu chứng minh công ty sở hữu 50 căn hộ đã mua của một tập đoàn lớn - như quảng cáo của nhân viên; giải trình về việc ứng dụng VPASS để trao đổi, ký gửi cho thuê, chuyển nhượng... vẫn chưa được kích hoạt... Tuy nhiên, chỉ có nhân viên tiếp đón khách hàng, ghi nhận ý kiến để báo cáo với lãnh đạo công ty.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty này có đến hàng trăm khách hàng, hầu hết đều đã thanh toán 100% hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, khoảng 250-350 triệu đồng/hợp đồng, bởi công ty đưa ra chính sách chiết khấu 8%/năm trong 5 năm đầu cho khách hàng thanh toán đủ. Đáng chú ý, nhiều người sở hữu 2-3 hợp đồng với số tiền đã thanh toán lên đến cả tỉ đồng.

Hàng chục khách hàng kéo đến Công ty CP Vietnam Capitaland để yêu cầu giải quyết quyền lợi

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Hữu Hậu (quận Bình Tân, TP HCM) kể ngày 2-3 vừa qua, nữ nhân viên marketing tên Linh của Công ty TNHH Holidays Việt Nam gọi điện thoại mời tham gia một sự kiện du lịch được tổ chức ở một tòa nhà trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM). Đến dự sự kiện, ông Hậu được một người ở cấp quản lý giới thiệu tour du lịch 10-20 năm. Giá của gói 10 năm là 265 triệu đồng nhưng tại sự kiện này được giảm còn 205 triệu đồng. Theo quy định, ông Hậu chỉ cần đặt cọc 30%, tuy nhiên sau khi giao thẻ ngân hàng cho nhân viên công ty quẹt giúp, phía công ty đã tự ý chuyển 50% tiền cọc, tức hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ông Hậu, có 4 nạn nhân khác của Công ty TNHH Holidays Việt Nam là ông Nguyễn Hữu San (quận 7), bà Đoàn Tố Nhi (quận Bình Thạnh), bà Nguyễn Thị Lan (quận 1) và ông Nguyễn Văn Phước (quận 1, TP HCM).

Bà Đoàn Tố Nhi phản ánh đã đóng 60 triệu đồng cho Công ty TNHH Holidays Việt Nam. Giữa năm 2023, bà liên hệ với công ty để thông báo sẽ sang Mỹ thăm người thân. Nhân viên công ty cam kết đặt phòng cho bà ở Mỹ, nếu không đặt được phòng sẽ hoàn lại số tiền đã đóng. Song, khi bà Nhi đã sang Mỹ ở được 1 tháng, phía công ty vẫn không đặt phòng cho bà. Thậm chí, đến lúc bà về nước, công ty cũng chưa hoàn lại tiền đã đóng.

Sập bẫy nhiều lần vẫn... chưa sợ

Có không ít khách hàng vì cả tin nên đã sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ hết lần này đến lần khác. Ông Nguyễn Văn Tiến (quận 10, TP HCM) kể ngày 22-9-2019, ông ký hợp đồng nghỉ dưỡng giá trị 55 triệu đồng, thời hạn 5 năm với Công ty R.I. Chưa hết hạn hợp đồng, tháng 10-2020, ông Tiến đóng tiếp 55 triệu đồng cho công ty này. Khi phát hiện mình đóng tiền "lố", ông liên hệ để đòi lại số tiền trên nhưng không được giải quyết. Vụ việc sau đó được đưa ra TAND quận 1, TP HCM. Sau nhiều lần hòa giải, Công ty R.I đồng ý trả cho ông Tiến 30 triệu đồng để thanh lý hợp đồng nhưng đến thời điểm này, ông vẫn chưa nhận được đồng nào.

Ngày 14-7-2023, ông Tiến lại mua thẻ nghỉ dưỡng thời hạn 10 năm của Công ty TNHH Holidays Việt Nam với số tiền 180,819 triệu đồng. Công ty này đưa ra lời hứa sẽ tìm khách sang nhượng hợp đồng kỳ nghỉ tại Công ty R.I cho ông, song không thực hiện lời hứa.

Thêm một lần nhẹ dạ, ông Tiến tiếp tục dính bẫy của Công ty CP Đầu tư và Du lịch G.H (quận 1, TP HCM). Tiếp ông Tiến tại trụ sở công ty vào ngày 26-10-2023, nhân viên tên Phạm Tiểu Ngọc quảng cáo G.H có số lượng lớn khách hàng châu Âu sẽ đến Việt Nam vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch. Những khách du lịch này yêu cầu G.H cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng của Công ty R.I nên phía G.H muốn mua lại kỳ nghỉ mà ông Tiến đang sở hữu.

Theo ông Tiến, Công ty G.H hứa trong vòng 2 tuần đến 2 tháng sẽ bán được kỳ nghỉ của ông Tiến với giá 50-250 triệu đồng và hưởng phí môi giới 10% trên giá trị chuyển nhượng. Với lý do cần tạo tư cách đại diện, Công ty G.H yêu cầu ông Tiến chuyển 31,5 triệu đồng tiền ký quỹ cho ông Nguyễn Kim Long, phó giám đốc vận hành công ty. Sau khi chuyển tiền, ông Tiến lại được đề nghị chuyển tiếp 73,5 triệu đồng để hoàn thành hợp đồng đại diện. Do không đủ tiền, ông Tiến đóng trước 45 triệu đồng và chỉ nhận được giấy đặt cọc. Lúc này, ông mới nhận ra dấu hiệu lừa đảo.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Huy (quận 7, TP HCM) cũng 2 lần sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ. Năm 2020, ông Huy mua gói sở hữu kỳ nghỉ 79 triệu đồng với thời hạn 5 năm tại Công ty TNHH Crown Royal Crop nhưng công ty không thực hiện dịch vụ như cam kết. Đến tháng 7-2022, ông được Công ty R.I hứa hẹn mua lại hợp đồng trước đó với Công ty TNHH Crown Royal Crop với giá 63 triệu đồng. Cộng với số tiền ông đóng thêm là 70 triệu đồng, giá trị hợp đồng của ông với Công ty R.I lúc này lên đến 204 triệu đồng. Tuy nhiên, dịch vụ mà công ty này cung cấp không đúng cam kết nên ông Huy đã khởi kiện ra tòa án để được hủy hợp đồng và đòi lại số tiền đã đóng.

Công ty sở hữu kỳ nghỉ phản hồi gì?

Giám đốc điều hành Công ty R.I cho biết trường hợp của ông Nguyễn Hữu Huy vẫn đang chờ tòa án xử lý. Riêng trường hợp của ông Nguyễn Văn Tiến, công ty sẽ kiểm tra lại và xử lý theo quy trình.

Đại diện Công ty TNHH Holidays Việt Nam cho biết công ty sẽ kiểm tra lại bộ phận nhân viên sale để nắm những thông tin mà bộ phận này đã làm việc, xử lý với khách hàng. Công ty cam kết sẽ làm việc với khách hàng nhằm giải quyết thỏa đáng cho cả hai phía khách hàng - doanh nghiệp, đồng thời có phương án hỗ trợ khách hàng trong một số tình huống.

Còn về phía Công ty G.H, khi chúng tôi đến tìm hiểu về những trường hợp bị "mắc kẹt" hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đã phản ánh ở trên, nhân viên công ty nói chờ lãnh đạo trực tiếp giải quyết. Tuy nhiên, lúc sau, nhân viên thông báo lãnh đạo không có mặt ở văn phòng và hẹn sẽ tiếp vào dịp khác.

Bài và ảnh: LONG GIANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ma-tran-so-huu-ky-nghi-196240410210030163.htm