Ma thuật trong tín ngưỡng nguyên thủy

Cùng việc thực hành các ma thuật, bùa phép về động vật, việc sùng bái cây cối cũng giữ một vai trò quan trọng trong các nghi thức ma thuật và bùa chú.

Trước hết, chúng tôi giới thiệu học giả James George Frazer (1854-1941), nhà nhân loại học văn hóa, nhà lịch sử tôn giáo học người Anh, theo trường phái tiến hóa luận. Theo nhà triết học thực chứng (positivisme) Auguste Comte (1798-1857) triết gia xã hội học Pháp, thì tư duy nhân loại phát triển theo mô thức Ma thuật - Tôn giáo - Khoa học. J. Frazer đã ứng dụng mô thức này vào nghiên cứu sự tiến triển của tư duy nhân loại theo ba giai đoạn Ma thuật -Tôn giáo - Khoa học, với vô vàn tư liệu huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết, phong tục tập quán, lễ hội... do các nhà thám hiểm, người du lịch, du khảo, thu thập từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Trên cơ sở những tư liệu ngổn ngang và phong phú đó, J. Frazer đã biên soạn công trình Cành vàng (tên tiếng Anh là The Golden Bough) từ năm 1890 đến năm 1907 mới hoàn thành với 69 chương.

Có thể nói, Cành vàng là cuốn bách khoa thư về đời sống của người nguyên thủy. Qua Cành vàng, J. Frazer đã xây dựng lý thuyết phổ quát về sự phát triển của tư duy nhân loại, dựa trên việc thừa nhận sự thống nhất tâm lý - văn hóa của tất cả dân tộc trên thế giới theo ba phương thức quan hệ với tự nhiên đó là: Ma thuật - Tôn giáo - Khoa học.

Tư duy ma thuật cho rằng, thế giới tự nhiên bị điều khiển bởi những quy luật bất biến, vô nhân dạng và có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa việc thực hành nghi lễ và các hiện tượng tự nhiên.

Niềm tin ma thuật dựa trên lối liên tưởng theo sự tương tự và những dấu hiệu giống nhau bên ngoài. Tuy nhiên, tư duy ma thuật vì dựa vào những nguyên nhân giả tạm như vậy nên không có hiệu quả thực tế trong việc chế ngự các hiện tượng tự nhiên.

Bởi vậy, lối tư duy này phải nhường chỗ cho tư duy tôn giáo, tức chuyển sang niềm tin vào các thực thể siêu nhiên có nhân dạng và có khả năng điều khiển được các lực lượng tự nhiên. Và để thực hiện mong muốn này, con người cần phải cầu xin sự giúp đỡ của những thực thể siêu nhiên đó, tức là các thần linh, và bù lại phải thực hiện sự hiến tế.

Còn tư duy khoa học là giai đoạn thứ ba của sự phát triển tư duy nhân loại, nghiên cứu các liên hệ nhân quả hiện thực của các hiện tượng bằng phương pháp logic, thực nghiệm. Sự nhận thức được tính nhân quả hiện thực cho phép con người thiết lập được việc kiểm soát thực sự của mình đối với tự nhiên.

Qua 69 chương của cuốn sách, J. Frazer đã đi theo hướng nghiên cứu từ ma thuật đến khoa học thông qua tôn giáo. Tuy nhiên, chủ đích của ông là nghiên cứu tín ngưỡng nguyên thủy của con người nguyên thủy. Bởi vậy đầy ắp trong các chương là những câu chuyện, những khảo tả về các nghi thức ma thuật ở khắp mọi vùng cổ xưa, hoang dã trên thế giới.

Tranh Krishna sitting in a tree with all the gopis clothes while they naked in the water của Ravi Varma. Ảnh: fineartamerica.

Chính trong khi trình bày các nghi thức ma thuật, J. Frazer cũng cho thấy ma thuật thường bao hàm cả bùa phép trong đó. Như khi nói về ma thuật cầu mưa ở Ấn Độ, nghi thức bùa phép làm vào ban đêm, những phụ nữ trần truồng kéo một chiếc cày xuyên qua một thửa ruộng trong lúc đó số đàn ông phải chú ý lánh xa, nếu không ma thuật bùa phép sẽ mất thiêng.

Ngoài con người, nhiều loài động vật như chim, thú cũng được gia nhập vào các nghi thức ma thuật và bùa chú để cầu mưa. Nhiều ví dụ ở các khu vực Australie, Đông Phi... về thú vật cầu mưa đã được dẫn chứng.

Cùng với việc thực hành các ma thuật, bùa phép về động vật, việc sùng bái cây cối cũng giữ một vai trò quan trọng trong các nghi thức ma thuật và bùa chú mà J. Frazer đã giới thiệu với nhiều ví dụ thú vị, sinh động.

Ông cho rằng cần thiết phải xem xét cùng với một vài chi tiết những khái niệm làm cơ sở cho việc thờ cúng cây cối. Theo ông, đối với con người nguyên thủy, thế giới nói chung là một thế giới đang sống, cây lớn cây nhỏ không nằm ngoài quy tắc đó.

Con người thuở xa xưa tin là cây cối cũng có linh hồn như mình và vì vậy họ đối xử với chúng một cách tương ứng. Tín ngưỡng của họ không chỉ dừng lại ở chỗ các con vật mà còn ở cả đám cây cỏ. Bởi thế mà giết chết một con bò hay một con cừu là việc làm đáng chê trách không kém gì việc chặt hạ một cây thông hay một cây sồi, vì bên trong những cây ấy cũng có một linh hồn.

Toàn bộ khu vực Tây Phi kể từ sông Sénégal đến sông Niger, người ta tin rằng những cây gạo thân hình khổng lồ vươn cao, đó chính là nơi cư ngụ của một vị thần hoặc một linh hồn.

Chúng tôi thấy đây quả là một quan niệm rất lý thú, rõ ràng là có nét đồng quy với tư tưởng Việt cổ “Thần cây Đa, ma cây Gạo, cú cáo cây Đề” (Tục ngữ người Việt).

GS Kiều Thu Hoạch/NXB Khoa học Xã hội & Omega+

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ma-thuat-trong-tin-nguong-nguyen-thuy-post1442720.html