Mã số vùng trồng tại Hà Nội: Siết chặt kiểm tra, giám sát

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng, nhưng một số cơ sở được cấp mã số vùng trồng lại chưa chú trọng công tác duy trì, tự giám sát chất lượng.

Do đó, để bảo đảm uy tín của nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, các địa phương cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm…

Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng tại vùng trồng lúa hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hương Giang

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28-3-2022 của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản Thủ đô, như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai), chuối ở huyện Mê Linh… Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, quá trình triển khai cũng bộc lộ không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ, trong đó nổi cộm là việc duy trì, giám sát chất lượng tại các vùng được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền (huyện Chương Mỹ) cho biết: "Xuất phát từ thói quen canh tác, nhiều người dân chưa có ý thức ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc cây trồng, khiến hiệu quả giám sát chất lượng sản phẩm còn hạn chế".

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Phùng Thị Thu Hương, các hợp tác xã và nông dân mới chỉ quan tâm đến cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, mà chưa chú trọng đến công tác duy trì, giám sát chéo lẫn nhau, dẫn tới một số sản phẩm không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, để có mặt tại các thị trường “khó tính” như Mỹ, Australia…, các vùng trồng lúa gạo chất lượng cao của Hà Nội phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, năm 2023, có 124 cơ sở trên địa bàn được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 794,4ha, trong đó cây lúa có 56 cơ sở, với tổng diện tích 447,5ha; cây rau 27 cơ sở, 86ha; cây ăn quả 34 cơ sở, 231,4ha và cây dược liệu, hoa cây cảnh có 7 cơ sở, tổng diện tích 29,5ha. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, giám sát 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, kết quả có 38 cơ sở bảo đảm duy trì mã số vùng trồng theo quy định, 5 cơ sở ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ.

“Việc giám sát và sử dụng mã số vùng trồng còn khó khăn, như: Vùng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, dẫn tới liên kết giữa đại diện vùng trồng với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo. Hệ thống các văn bản trong quản lý, sử dụng mã vùng trồng cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ và vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng...”, bà Lưu Thị Hằng lưu ý.

Tăng cường quản lý, giám sát

Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được coi như tấm “hộ chiếu” để nông sản Hà Nội có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại ở thị trường trong nước và rộng đường xuất khẩu. Do vậy, các địa phương cần tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số về các quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật để thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.

Để duy trì vùng trồng và mở rộng thị trường xuất khẩu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chuối tổng hợp Hoàng Kim (huyện Mê Linh) Lưu Văn Dương cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, canh tác hữu cơ, cơ giới hóa; nâng cấp khu sơ chế, đóng gói và bảo quản theo chuỗi khép kín để truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường xuất khẩu, còn cần tăng cường tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất theo hướng an toàn, ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc cây trồng từ nhập cây giống, sơ chế, chế biến sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát và tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các vùng được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị nông sản và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương, đáp ứng các điều kiện và quy định để có thể xuất khẩu.

“Bộ NN&PTNT rà soát, sửa đổi các quy định đối với vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng, do các yêu cầu hiện nay giống với các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gây khó khăn cho quá trình thực hiện và quản lý vùng sau khi được cấp. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin sản lượng sản phẩm xuất khẩu, mã số vùng trồng; đối chiếu và giám sát chặt chẽ giữa sản lượng thu mua và sản lượng xuất khẩu, nhằm hạn chế mạo danh mã số vùng trồng, tăng cường minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định”, ông Nguyễn Mạnh Phương kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung:
Các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực

Để nâng cao công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương, trong đó có Hà Nội quan tâm, chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực cho công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần; tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.

Ngoài ra, các địa phương cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Cục Bảo vệ thực vật cần chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về những quy định của các nước nhập khẩu, nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa:
Nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng

Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của các mặt hàng nông sản, vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, việc đăng ký, quản lý mã số vùng trồng là cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng nông sản Hà Nội trên thị trường.

Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mã số vùng trồng đối với nông sản chủ lực cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể là: Hướng dẫn cấp mã số cho vùng trồng cây chủ lực; tập huấn, hướng dẫn thiết lập, quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ quản lý nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất nông sản tập trung.

Cùng với đó, các địa phương hướng dẫn quy trình thiết lập, cấp, quản lý, kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lĩnh vực trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân; rà soát, thống kê các vùng sản xuất tập trung và ưu tiên cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện.

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh:
Kiểm soát chéo để duy trì chất lượng nông sản

Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm hiện có 220ha rau an toàn, trong đó có 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, hợp tác xã còn xuất khẩu từ 300 đến 500 tấn rau các loại mỗi năm sang các nước: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Để quản lý vùng trồng rau an toàn, hợp tác xã đã thành lập các tổ nhóm có sự kiểm soát chéo lẫn nhau và mỗi hộ được cấp sổ nhật ký đồng ruộng, có cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...).

Hợp tác xã cũng đầu tư, nâng cấp sản xuất thông qua việc áp dụng kỹ thuật và khoa học công nghệ, phát triển hệ thống nhà lưới, nhà màng, hướng đến sản xuất hữu cơ. Đồng thời, hợp tác xã liên kết với Dự án phát triển an toàn thực phẩm do Chính phủ Canada tài trợ để xây dựng thêm hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và nâng cấp chuỗi thực phẩm nông sản theo hướng bảo đảm an toàn theo chuẩn quốc tế.

Quỳnh Dung ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ma-so-vung-trong-tai-ha-noi-siet-chat-kiem-tra-giam-sat-665335.html