Mã số thuế bị 'cầm nhầm', đừng đẩy khó cho người dân!

Vừa bước vào kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân hiện nay, một số người dân phát hiện có doanh nghiệp tự ý dùng thông tin cá nhân của họ để khai thuế hay đăng ký mã số thuế mới. Dù lỗi không phải ở người dân nhưng với quy trình của ngành thuế, khó khăn bị đẩy qua người dân khi muốn loại trừ những khoản thu nhập khống này.

Với mức độ lộ lọt dữ liệu cá nhân như hiện nay, thông tin về căn cước công dân và mã số thuế cá nhân không hề khó tìm. Một số doanh nghiệp vì muốn giảm khoản tiền thuế phải đóng hay cần hợp thức hóa sổ sách đã tự ý dùng thông tin cá nhân của người khác để khai khống trong hồ sơ chi trả lương, thù lao.

Có hai trường hợp bị sử dụng trái phép mã số thuế cá nhân để khai khống trong hồ sơ nộp thuế của doanh nghiệp để tăng chi phí, giảm số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng.

Trường hợp đầu tiên là mã số thuế “không chính chủ”, doanh nghiệp tự ý dùng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký với cơ quan thuế để tạo ra một mã số thuế mới. Trường hợp này thường rơi vào những người chưa đăng ký mã số thuế hoặc đã đăng ký mã số thuế bằng giấy chứng minh nhân dân nhưng chưa cập nhật thông tin với cơ quan thuế sau khi làm thẻ căn cước.

Trường hợp thứ nhì là mã số thuế bị “cầm nhầm”. Doanh nghiệp có thông tin cá nhân và mã số thuế của người dân rồi tự ý dùng để khai báo chi trả thu nhập.

Nhiều người rơi vào trường hợp mã số thuế “cầm nhầm” hay “không chính chủ” cho biết, họ phải tốn rất nhiều công sức để xử lý, kể cả việc liên hệ với doanh nghiệp tự ý sử dụng mã số thuế của họ để khai khống(*). Việc liên hệ doanh nghiệp để kiểm chứng thông tin lẽ ra thuộc về cơ quan thuế thì lại bị đẩy qua cho “nạn nhân” tự đi làm.

Để giải quyết tận gốc chuyện khai khống mã số thuế cá nhân, ngành thuế cần có một kênh tiếp nhận trực tuyến và xử lý nhanh cho người dân. Với hệ thống này, khi người dân phát hiện mã số thuế “không chính chủ” hoặc mã số thuế bị doanh nghiệp “cầm nhầm”, họ chỉ cần khai báo và gởi yêu cầu hủy mã số thuế hoặc hủy khoản thu nhập do doanh nghiệp khai khống.

Ngoài ra, bản thân ngành thuế cũng phải liên thông dữ liệu để ngăn chặn việc tạo mã số thuế cá nhân “không chính chủ” và thông báo cho người có mã số thuế biết nếu họ có hơn một mã số thuế và đề nghị họ liên hệ cơ quan thuế cập nhật hay xác nhận thông tin.

Trong trường hợp người dân cần hủy bỏ mã số thuế cũng phải có quy trình đơn giản, thuận lợi và có thể thực hiện ở bất cứ cơ quan thuế nào, không rắc rối như hiện nay là bắt người dân phải đến đúng nơi đã mở mã số thuế để hủy.

Nghĩa vụ của người dân là chịu trách nhiệm trước pháp luật với thông tin của họ khai báo. Vì vậy, khi tiếp nhận thông tin thì cơ quan thuế phải xử lý nhanh để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân bằng cách hủy mã số thuế hoặc loại trừ các khoản thu nhập bị khai khống.

Việc kiểm tra đối với thông tin khai báo này tất nhiên vẫn được cơ quan thuế tiến hành và người nào cố tình khai báo gian dối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trong mọi trường hợp, cần bảo đảm nạn nhân không phải chứng minh về sự vô tội của mình vì đây là nguyên tắc tối thượng của mọi quy định pháp luật. Trách nhiệm chứng minh sai phạm, nếu có, luôn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải đẩy qua phía người dân như cách làm hiện giờ của ngành thuế.

————————-

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ma-so-thue-bi-cam-nham-dung-day-kho-cho-nguoi-dan/