Má Năm và câu chuyện Chúng ta là một gia đình

'Chúng ta là một gia đình' tác phẩm của Nguyễn Kiều Phương, do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành (2023) gồm 15 tản mạn, 35 bài thơ, 16 bài Viết tặng và 8 phụ trang là tranh của họa sĩ Danny DAOS501 (một họa sĩ nổi tiếng Graffiti vẽ tặng riêng cho tác phẩm Chúng ta là một gia đình). Nội dung sách dành nhiều trang viết tản mạn về cuộc sống của tác giả cùng 2 người con. Đặc biệt hơn, khi hành trình làm mẹ của tác giả khá khác so với những bà mẹ khác…

"Má Năm" Nguyễn Kiều Phương và tác giả bài viết.

Nguyễn Kiều Phương là tên thật của người phụ nữ được biết nhiều hơn với biệt danh "Má Năm" - là mẹ của rapper Đạt Maniac (tên thật Trần Sơn Đạt) và cũng là cái tên thân thương mà nhiều bạn trẻ yêu Hip Hop ở TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung dành cho chị. Chính vì sự nổi tiếng là "Người mẹ của những đứa trẻ hiphop", nên ít người biết "Má Năm" còn xuất bản nhiều bài thơ; bút ký tản văn, được đăng trên nhiều báo, tạp chí như: Báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, báo Vĩnh Long, báo Văn học Việt, Tạp chí Văn Quán…

Mở đầu tập sách "Chúng ta là một gia đình" là những lời tự sự: "Ngày ba mất, các con còn nhỏ, chưa bị chấn động mạnh về sự chia ly vĩnh viễn dẫu chúng vẫn biết buồn đau và khóc lóc. Cho đến khi "thằng con trai" trong chúng lớn lên, chúng biết đè nén và tự an ủi khi nghĩ đến sự mất mát ấy. Lâu dần chúng quen với cuộc sống gia đình chỉ có mẹ. Chỉ còn mẹ nhưng không phải vì thế mà chúng quên ba. Trong câu chuyện hàng ngày chúng vẫn nhắc ba, trong cuộc sống chúng vẫn lấy thiên hạ ra so sánh với ba chúng. Cứ nhìn chúng nói năng nhỏ nhẹ với mọi người, học những điều hay của thiên hạ, khiêm nhường, từ tốn, không ba hoa thô lỗ và nhất là cả hai theo đuổi năng khiếu âm nhạc, sẽ thấy rõ chúng thừa kế tính cách của ba để lại. Chúng luôn biết cảm ơn mọi người đã giúp đỡ mình".

Tuy nhiên, cái tình cảm thương yêu, đùm bọc che chở cho hai đứa con thân yêu, vẫn không làm cho nhãn quan và trí tưởng tượng của Kiều Phương lẩn quẩn trong đề tài nhỏ hẹp, mà chị luôn xúc cảm trước mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh. Có khi đó là một tiếng rao ngang nhà gợi nhớ thời thơ ấu (Những gánh hàng rong thời thơ ấu), có khi nhìn cử chỉ hai con đối xử với mẹ, từ vâng lời đến kính trọng, bỗng nặng lòng thương nhớ song thân (Thương Cha, Viết trong ngày giỗ má)…

Nếu ở phần văn, tác giả diễn đạt góc nhìn sự việc khá thoải mái, phóng túng đậm chất Nam Bộ, thì ở phần thơ tác giả lại càng hồn hậu, kiệm lời trong từng khoảnh khắc cảm xúc. Hầu hết các tựa đề thơ tác giả đều dùng một hoặc hai từ như: Sóng, Cha, Mẹ, Xin, Đời, Tự kỷ, Cõi tạm, Nhóm, Lũ, Tiếc, Trút hết, Mưa, Nhìn…; nhiều nhất là ba từ: Đất và trời. Thơ của Kiều Phương có những lúc tự do bay bổng : "Tôi đến với em bằng sự ngẫu nhiên nhưng ẩn chứa sau cả miền hữu ý/ Em trần trụi trong đêm đen - tôi nghĩ / vuốt ve tôi bằng làn sóng cuồng si/ Tôi ghì em trong tâm thức vô tri/ sủi bọt trắng - rùng mình - tôi ngây ngất (Sóng), lại có những khi khép nép, chịu đựng mang nỗi niềm người phụ nữ phương Đông: "Hôm nay/ Em bị đứt tay/ Anh đừng trách em hậu đậu/ Máu ra nhiều vì vết cắt hơi sâu/ Em khóc/ Một chút thôi rồi nín/ Vì biết rằng/ Không ai dỗ/ Khóc chi lâu" (Tự kỷ).

Ở phần Viết tặng, thực ra là những bài tản văn, ghi chép về những nhân vật, sự viết mà tác giả đã gặp gỡ hoặc ngưỡng vọng yêu mến. Đó là: câu chuyện Đà Lạt xưa -nay (Đà Lạt còn đâu), cảm nhận về đời và thơ nữ sĩ Huyền Chi (Nữ sĩ Huyền Chi và thuyền viễn xứ), cảm xúc về những nơi chốn, địa chỉ văn hóa đã từng ghé qua (Thăm vườn tượng Phạm Văn Hạng ở Đà Lat, Gặp thần tượng sau nửa thế kỷ, Ghé thăm nhà của điêu khắc Phùng Chý Thu)…

Gấp lại tập sách "Chúng ta là một gia đình" hẳn rằng bạn đọc dễ dàng nhận ra cảm giác khá lý thú, bởi nội dung tập sách này chứa đựng khá nhiều mới mẻ từ hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, như tác giả Nguyễn Kiều Phương thổ lộ: "Tất cả những bài viết trong cuốn sách này tưởng chừng chỉ là những mẩu chuyện vặt; nhưng bên trong lúc nào cũng gửi gắm một chút hàm ý dạy dỗ và nhắn nhủ cho bọn trẻ, bởi "CHÚNG TA LÀ MỘT GIA ĐÌNH".

Trần Trung Sáng

Nguyễn Kiều Phương quê quán Sa Đéc. Sau khi học Đại học Kinh tế tại TPHCM chị kết hôn với ông Trần Văn Sơn là bộ đội phục viên. Hai vợ chồng có thời gian làm phát hành sách báo nên có cùng sở thích đọc sách. Họ có hai con trai là Trần Sơn Đạt (1992) và Trần Phương Tín (1996). Kiều Phương còn được biết nhiều hơn với cái tên "Má Năm", nổi tiếng trong cộng đồng hiphop bởi đã nhiệt tình ủng hộ con chơi hiphop và đồng hành với con trong các chương trình biểu diễn lớn nhỏ. "Má Năm" cũng là người bạn già của nhiều rapper trẻ ở Việt Nam. Ở Sài Gòn và Hà Nội, Má có "500 con". Nhiều bạn trẻ tìm đến Má để tâm sự, xin lời khuyên trong khi họ ngại chia sẻ với bố mẹ ruột. Trong cuốn "Chúng ta là một gia đình", "Má Năm" gọi đó là "những đứa trẻ mang nặng trong lòng nỗi "bất lực mơ hồ" của bản thân, những đứa trẻ đầy tâm trạng khó nói với ba mẹ ruột của mình".

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ma-nam-va-cau-chuyen-chung-ta-la-mot-gia-dinh-post291797.html