'Ma men' chốn công sở

Thật phản cảm khi bước vào chốn công sở lại sực nức mùi rượu bia, bầu không khí ồn ào, mất trật tự vì những con 'ma men'.

Đảng ủy xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đang xác minh, xử lý việc ông Thạch Phol và ông Võ Minh Lợi đều là Phó Ban Chỉ huy quân sự xã vì hai ông này không chỉ đi nhậu trong giờ làm việc với nhau mà quá trình nhậu nhẹt còn xảy ra mâu thuẫn dẫn tới ẩu đả.

Vụ việc xảy ra hôm 26.11, ông Lợi và ông Phol cùng 2 cán bộ của xã Vĩnh Hậu đến nhà một người dân trên địa bàn tổ chức nhậu trong giờ làm việc. Trong lúc nhậu, đôi bên xảy ra mâu thuẫn, ông Phol bất ngờ xông vào bóp cổ ông Lợi.

Trước đó cũng tại tỉnh Bạc Liêu, ngày 12.7.2018, Ban Thường vụ Thị ủy Giá Rai đã yêu cầu các đảng bộ, chi bộ trực thuộc phê bình, nhắc nhở nghiêm khắc 15 cán bộ ở thị xã Giá Rai cùng nhau đi nhậu, không vào cơ quan làm việc. Vụ này bị người dân phát hiện, phản ánh.

Đây không phải chuyện hy hữu trong giới cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC), cũng không chỉ là chuyện riêng ở Bạc Liêu.

Mặc dù trong Chỉ thị 26/ CT-TTg ngày 5.9.2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Đối với CBCCVC, nghiêm cấm việc sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực. Các cơ quan nhà nước đều đưa quy định này vào nội quy, quy chế của đơn vị mình.

Song thực tế tình trạng CBCCVC uống rượu bia trong giờ làm việc hoặc uống trong giờ nghỉ trưa nhưng bước vào giờ làm việc buổi chiều vẫn còn say xỉn tồn tại ở không ít cơ quan công sở.

Ở nhiều nơi, mỗi khi CBCCVC cấp tỉnh, cấp huyện về làm việc với cơ sở, khi kết thúc buổi làm việc cũng đã đến bữa trưa. Vì thế cơ sở thường tổ chức mời cơm cán bộ cấp trên.

Và trong bữa ấy, hiếm khi chỉ có cơm canh suông mà bao giờ cũng đi kèm với bia rượu.

Nhiều người coi đây là cơ hội để tạo dựng quan hệ gần gũi hơn với cấp trên, cũng có người xem đây là hoạt động xã giao thông thường nhưng ở những bữa tiệc đó, một số người lấy chén rượu ly bia làm "cầu nối" nên ai cũng đến mời khách.

Cũng không ít người có tâm lý "quây" khách, họ lần lượt đến chúc những vị khách và ai cũng muốn khách phải nhiệt tình, hết mình bằng cách cạn sạch ly được mời.

Nhiều cơ quan, đơn vị khi tổ chức hội nghị, hội thảo cũng kèm theo liên hoan đãi khách và cũng không thể thiếu việc uống rượu bia...

Sau mỗi bữa tiệc trưa ấy, có những CBCCVC ngủ gục ngay tại cơ quan, bỏ bê công việc, thậm chí "rượu vào lời ra", lèm bèm nói cười gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người xung quanh.

Cá biệt có trường hợp say xỉn không làm chủ được hành vi của mình còn gây gổ với đồng nghiệp, với người xung quanh. Thật phản cảm khi bước vào chốn công sở lại sực nức mùi rượu bia, bầu không khí ồn ào, mất trật tự vì những con "ma men".

Đặc biệt, nếu tình trạng cán bộ say xỉn trong giờ làm việc xảy ra ở những bộ phận tiếp dân, bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" thì càng đáng buồn, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của CBCCVC trong mắt người dân, đại diện tổ chức đến liên hệ công việc, giải quyết các thủ tục hành chính.

Liệu tình trạng này có hoàn toàn chấm dứt khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2020? Quy định cấm CBCCVC uống rượu bia trước, trong và giữa giờ làm việc đã được đưa vào luật.

Tuy nhiên, hẳn là đến giờ nhiều CBCCVC vẫn còn lơ mơ chưa nắm rõ quy định này. Để CBCCVC không vi phạm luật, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về luật mới, cụ thể hóa quy định cấm uống rượu bia trong nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị mình.

Bản thân CBCCVC cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không nể nang, dĩ hòa vi quý trước những vi phạm.

KIM THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/ma-men-chon-cong-so-123911