Lý giải nguyên nhân Tân Việt Phát được giao đất giá rẻ

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định không quen biết Công ty Tân Việt Phát, quá trình giao đất, bị cáo không chỉ đạo ai để thúc đẩy việc này. Giá giao đất là trái quy định, khi các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa đồng nhất...

Quang cảnh phiên tòa.

Quang cảnh phiên tòa.

Từ ngày 10/5, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử đối với ông Nguyễn Ngọc Hai – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất, tổng diện tích hơn 9 ha thuộc quỹ đất 2 bên đường ĐT.706B phường Phú Hài, TP Phan Thiết với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.

Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận trong đó có 3 lô đất trên liên tục biến động tăng. Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận giao 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát song vẫn áp dụng giá được phê duyệt từ năm 2013.

Cáo buộc cho răng, các bị cáo là lãnh đạo UBND, sở, ngành… của tỉnh Bình Thuận đã áp giá đất từ năm 2013 thay vì áp dụng giá đất vào thời gian giao đất là năm 2017. Việc này trái quy định tại Luật Đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước 45 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử.

Hội đồng xét xử.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai thừa nhận diễn biến việc giao đất cho Công ty Tân Việt Phát đúng như cáo trạng đã nêu.

Mặc dù nhận tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí nhưng ông Hải cho rằng bản thân còn ''băn khoăn'' về phần đánh giá mức độ hành vi.

Bị cáo khẳng định không quen biết Công ty Tân Việt Phát, quá trình giao đất, bị cáo không chỉ đạo ai để thúc đẩy việc này.

Theo lời khai của bị cáo, sau khi Công ty Tân Việt Phát có văn bản đề nghị được giao đất, các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý ban đầu, quá trình này bị cáo không nắm được thông tin, các cơ quan như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ cần trình Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách.

Sau khi có đầy đủ ý kiến tham mưu của các bộ phận thì Văn phòng UBND tỉnh mới trình bị cáo. Hồ sơ trình gồm bản dự thảo văn bản 571 và hồ sơ tài liệu của sở, ban ngành chuyên môn.

Quá trình giao đất cho Công ty Tân Việt Phát, bị cáo chỉ ký ban hành văn bản 571 đồng ý chủ trương giao đất không qua đấu giá, giá áp dụng theo Quyết định 2423 của UBND tỉnh.

Theo bị cáo, việc bị cáo ký ban hành văn bản này dựa trên cơ sở là hồ sơ giải quyết công việc do Văn phòng UBND tỉnh trình, gồm có phiếu trình công việc, hồ sơ các cơ quan chức năng gửi kèm theo, tờ trình của cấp dưới, có ý kiến đồng thuận của các Phó Chủ tịch, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, căn cứ quy địnhpháp luật.

Năm 2016, giá đất ở tỉnh Bình Thuận thực tế có biến động theo chiều hướng tăng giá nên bị cáo đã ký Quyết định 23 điều chỉnh hệ số đất căn cứ vào diễn biến thị trường.

Bị cáo Hai khai nhận, Công ty Tân Việt Phát chỉ đề nghị giao đất không qua đấu giá, không đề nghị về giá đất nhưng bị cáo căn cứ Luật Đất đai, Quyết định số 10 về việc xử lý trong trường hợp đấu giá không thành để áp giá theo Quyết định 423 năm 2013 phê duyệt giá khởi điểm.

Sau khi có dư luận về giá đất giao cho Công ty Tân Việt Phát, bị cáo gặp và trực tiếp chỉ đạo ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Tài chính rà soát về quy trình và giá. Sau đáy, Giám đốc Sở Tài chính có văn bản báo cáo trả lời là việc giao đất phù hợp.

Đến bây giờ, bị cáo nhận thấy giá giao đất là trái quy định, khi các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa đồng nhất thì về quy tắc phải áp dụng văn bản pháp lý cao hơn, ở đây là Luật Đất đai.

Dàn luật sư tham gia tố tụng.

Dàn luật sư tham gia tố tụng.

Tương tự, bị cáo Lương Văn Hải, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng khai không quen biết gì Công ty Tân Việt Phát, không được hưởng lợi gì từ việc giao đất cho công ty.

Bị cáo đã ký Quyết định 610 về việc thu hồi và giao đất đối với 92.000m2 để giao cho Công ty Tân Việt Phát. Theo bị cáo việc ký quyết định này là do phân công nhiệm vụ của Phó Chủ tịch và theo chủ trương mà Chủ tịch tỉnh đã ban hành. Khi ký thì bị cáo không cần phải báo cáo cấp trên vì đây là phân cấp.

Ông Hải khai việc ký các văn bản giao đất chỉ vì mục đích phát triển dự án, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu ngân sách.

Trong quá trình điều tra, vợ bị cáo đã nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo cho rằng đã làm đúng chức trách nhiệm vụ nên không phải bồi thường.

Công ty Tân Việt Phát đã thực hiện thủ tục xin thực hiện dự án Khu thương mại và dịch vụ dân cư Tân Việt Phát 2, phân thành 500 lô đất, diện tích từ 100 – 2009m2. Tất cả các lô đất này đều đã được cấp sổ đỏ.

Công ty Tân Việt Phát hợp tác với Công ty Danh Khôi tại TP HCM để huy động vốn mục đích chuyển nhượng đối với 475 lô đất, đã thu của khách hàng 50%, giá bán từ 6 triệu đến 7,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền huy động là hơn 499 tỷ đồng.

Công ty đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định. Còn lại 2 lô với tổng diện tích hơn 4.000m2, Công ty để lại phát triển thương mại.

Quá trình điều tra, ngày 23/7/2022, Công ty Tân Việt Phát có công văn xin nộp bổ sung tiền đất chênh lệch là 45 tỷ đồng. Cơ quan điều tra có văn bản đồng ý và hướng dẫn nhưng quá trình điều tra, Công ty chưa thực hiện.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ly-giai-nguyen-nhan-tan-viet-phat-duoc-giao-dat-gia-re.htm